Cổng rào ở đây đơn giản chỉ là cái cổng và hàng rào bao quanh ngôi nhà, xác định phạm vi, ranh giới giữa nhà này và nhà kia, giữa trong và ngoài ngôi nhà. Nhưng ở các thành phố lớn không phải nhà nào cũng có cổng rào.
Sự bùng nổ dân số và việc di dân đến các thành phố lớn thu hẹp không gian sinh hoạt của con người. Quen với cách nhìn của cư dân ở thành phố nhỏ, tôi thấy không gian sống của con người cần có một khoảng trời, một khoảng xanh để thở.
Có cổng rào, nhà có độ lùi cần thiết, tạo sự bí ẩn, trông duyên dáng hẳn lên. Sẽ có người cho tôi là chẳng thức thời. Thời buổi này kiếm được một nơi trú ngụ ở cái chỗ đất hẹp người đông đã là may lắm rồi. Nói gì đến chuyện cái cổng rào. Quả có thế. Chao ôi! Giữa thực tế và ước mơ là cả một khoảng cách vời vợi.
- Xem thêm: Hàng rào xanh
Cổng rào ở thành phố cũng khác. Kín cổng, cao tường. Nhiều khi có chó dữ và thêm camera hỗ trợ. Những nhà bé hơn, may ra có cổng và một khoảng sân. Nhưng lại được bao kín mặt trước và cả trên đầu bằng những chấn song cỡ lớn làm nản lòng phường lưu manh muốn dòm ngó, đột nhập.
An ninh thực đấy nhưng nản. Sống trong cái lồng lớn như thế chẳng biết cảm giác con người thế nào? Hàng rào ở thành phố quê tôi thường thấp và thưa, để trang trí chứ ít có tác dụng để bảo đảm an ninh.
Có cổng nhưng luôn để ngỏ một cách thân thiện. Khách có thể đi từ cổng trước ra nhà sau nếu không gặp chủ nhà. Hàng xóm, láng giềng qua lại. Họa hoằn lắm mới có chuyện trộm cắp vặt vãnh.
Càng giàu, nhà càng lớn, cổng rào càng phải thật kiên cố. Sắt, thép, xi măng là những vật liệu tối ưu được chọn lựa. Bờ rào nhà nghèo, nhà ở nông thôn vật liệu đa dạng.
Có khi là một hàng chè tàu xanh mượt cắt tỉa công phu. Bên trên lá ken dày nhưng dưới gốc lại có nhiều khoảng trống. Trẻ con chui qua chui lại chơi đùa với nhau.
Dân dã hơn, một hàng dâm bụt, một dậu mồng tơi, hoa đỏ chót, lá xanh um: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn (Hàng xóm – Nguyễn Bính).
Lãng mạn hơn là một bờ tường vi sực nức hương mà ký ức về buổi chia ly bên bờ tường vi ấy cứ theo mãi bước chân người: “Năm xưa khi tôi bước chân ra đi. Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi. Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi…” (Cô láng giềng – Hoàng Quý ). Tâm hồn, tình cảm con người bay bổng giữa bát ngát màu xanh… Thế là thành thơ, thành nhạc.
Bờ rào, cái cổng tưởng như không biết nói nhưng lại phát ngôn cho cách nhìn đời, nhìn người của chính chủ nhân nó. Căn nhà cũ của anh bạn tôi, cổng khép hờ, chỉ nhấc tay là mở được.
Trong khu vườn nhỏ nhưng yên tĩnh, chúng tôi ngồi quây quần bên những tách trà, tán chuyện đời, lòng thảnh thơi, thư thái. Sau này, anh chuyển đến một khu quy hoạch mới của thành phố, xây một ngôi biệt thự nhỏ hai tầng.
Lâu rồi, vợ chồng tôi mới có dịp đến thăm nhà mới của anh. Nhà ở một đẳng cấp khác. Tường cao, cửa đóng im ỉm. Một con chó berger to bằng con bê lồng lộn, gào thét trong sân như nắn dây thần kinh của khách lạ.
Tiếng chó sủa ồm ồm át cả tiếng chuông điện nên mãi một lúc lâu anh mới từ trên gác xuống. Chủ nhân phải quần thảo một hồi mới xích con chó lại được. Trông anh vừa mệt vừa ngượng.
Khách thì vừa sợ chó dữ, vừa nản lòng vì đợi lâu nên cái háo hức thăm bạn bè cũng vơi bớt. Hình như câu chuyện không còn thân mật, rôm rả như xưa. Từ đó, chúng tôi ngại đến nhà anh vì sợ cái cổng rào kín mít như từ khước mọi sự viếng thăm và con chó dữ.
- Xem thêm: Hẻm cà phê
Kiến trúc nhà cửa bây giờ hiện đại, tiện nghi và đẹp. Nhưng tôi vẫn thích những ngôi nhà bình thường, đơn giản, có cây lá vây quanh, gần gũi, thân thiết với con người. Một khoảnh sân nhỏ cho trẻ con chơi đùa.
Có hàng hiên để người già thư giãn. Cửa mở được bốn bề để đón không khí và ánh sáng. Một hàng rào gỗ, thấp để trong và ngoài giao lưu, thân thiện.
Có những khoảnh khắc trong cuộc đời, ta không lao về phía trước, mà quay đầu nhìn lại, hoài niệm về những điều đã qua… Yesenin, một nhà thơ lớn của Nga luyến tiếc hình ảnh những con ngựa băng qua thảo nguyên khi được thay thế bằng những con tàu chạy bằng hơi nước.
Và tôi, ngay bây giờ, có nhiều phương tiện di chuyển hiện đại là thế, vẫn ao ước được nghe lại tiếng lạc ngựa leng keng, vó ngựa lốc cốc của xe thổ mộ gõ nhịp trên đường.
Thời nào, thế ấy. Cổng rào là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội. Tình trạng mất an ninh khiến ai cũng phải tự đề phòng. Làm sao khác được. Đã là tất yếu, còn bàn luận làm gì cho mất công.
Vì thế, chuyện cái cổng rào chỉ có tính chất phiếm đàm. Dù thế, tôi vẫn mơ ước một ngày nào đó cổng rào sẽ thay đổi. Giản dị hơn, thưa hơn, thấp hơn, thoáng hơn.
Chuyện thay đổi cái cổng rào không khó. Cái khó là thay đổi một loạt các vấn đề: tình trạng an ninh, đạo đức và lối sống, quan hệ giữa người và người… Chính vì thế mà chuyện thay đổi cái cổng rào chắc phải còn lâu lắm!