Buổi sáng ngồi uống cà phê với bạn bè, chợt có ai nói mình mới gặp mấy cái hàng rào trà ở một miền quê nào đó. Những hàng rào xanh um, được cắt tỉa cẩn thận, cứ thẳng băng với những cây trà xanh mọc đều tăm tắp. Phải trà lặt lá uống không? Đâu phải, chỉ tại cây này có lá nhỏ hao hao lá trà thôi. Trước đây ở quê thiếu gì, mấy ông không biết à? Bàn qua tán lại, câu chuyện về mấy cái hàng rào ở chợ, ở quê cứ rôm rả, sôi nổi quá chừng. Hình như ai nấy đều nhận ra: Ừ, cái hàng rào trước mỗi nhà giờ đã ít thấy dựng bằng cây xanh nữa rồi. Ở thành phố thì hầu như đã bê tông hóa hết.
Những nhà cao cửa rộng thì hàng rào bao quanh cũng phải xứng tầm xứng cỡ chứ. Vậy là những hàng rào mọc lên cao ngất như những bức tường ngăn cách kiên cố, bên trong bên ngoài đố thấy được nhau. Còn mấy nhà nghèo, mặt bằng tum húm làm gì có chỗ cho hàng rào. May lắm là trồng một vài cọc xi măng, kéo lưới B40 làm ranh nhà là tốt rồi. Lâu lâu về quê hiếm hoi lắm mới được thấy vài cái hàng rào bông bụp, bông dành dành với màu xanh mát mắt như ngày trước. Cái ngày trước chỉ cách đây vài chục năm chứ mấy, vậy mà cứ tưởng xa lắc xa lơ!
Còn nhớ nhà ngoại tôi ở quê ngày xưa có cái hàng rào bông bụp rất um tùm. Bông bụp tuy bình thường dân dã nhưng được cái nở bông quanh năm. Mấy đứa con nít không chỉ lấy cánh hoa đắp vào móng tay giả bộ như sơn móng tay đỏ mà còn đá gà bằng nhụy bông giống như nhụy bông điệp vàng rất vui. Sướng cái là dù cửa chính có đóng, bọn nhỏ chúng tôi vẫn có thể chui lòn qua hàng rào cây này mà vào nhà rất dễ dàng. Sợ nhất là hàng rào xương rồng, chui vào thường bị móc rách chân tay, quần áo. Đi trên đường quê, có khi nghe mùi thơm sực nức.
Đó là khi ta đi qua mấy nhà có hàng rào bông dành dành, một họ với bông lài nhưng bông rất sây, nắng lên là mùi hương thơm ngát. Nghe nói ngoài Bắc người ta còn trồng bông tầm xuân, bông cúc hay dây mồng tơi làm hàng rào. Có lẽ vì vậy mà những hàng rào đẹp đẽ ấy đã đi vào những câu thơ quen thuộc như: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn (Người hàng xóm – Nguyễn Bính), hay: Gió thu hoa cúc vàng lưng dậu / Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên (Thu – Xuân Diệu).
Bây giờ thì ngay cả ở quê, những nhà tường mái tôn đã thay thế gần hết những mái nhà lá. Mỗi khi mưa xuống, tiếng mưa đập vào mái tôn đúng là điếc cả tai. Tìm đâu tiếng rả rích êm êm của từng giọt mưa rơi trên mái lá ngày nào. Ngoài cửa nhà, những hàng rào bao quanh gần như đã bê tông hóa hết rồi. Mấy đứa con nít nếu không vào cửa chính thì đừng hòng vạch rào chui ra chui vào nhà hàng xóm để chơi bán hàng hay chơi nhà chòi nữa.
Mấy đứa em tôi ở quê ngoại nói: “Trong quê giờ tệ nạn cũng nhiều lắm, rào nhà không chắc chắn là tụi nó vào dọn đồ hết”. Đúng là như vậy. Những tường rào cao vượt đầu người với những cọc bê tông vững chãi vẫn tạo cảm giác an toàn, khép kín cuộc sống của từng gia đình. Nhưng theo đó có phải tình làng nghĩa xóm ít nhiều có chút nhạt nhòa? Mỗi tấc đất cắm ranh có phải càng ngày càng quan trọng trong từng cuộc tranh chấp quyết liệt trên mỗi vùng quê?
Buổi tối xem tivi thấy quảng cáo “Không gian đẹp” với những tường rào cao vút phủ đầy dây leo như cát đằng, thằn lằn, rong rêu… để tạo màu xanh cho môi trường sống. Lại chạnh lòng nhớ những hàng rào xanh một thời trải dài khắp nơi. Những hàng rào bông bụp, dành dành, mồng tơi, cơm nguội, xương rồng, bùm sụm… ta chui ra chui vào những ngày xưa ấy, những hàng rào xanh một thời tưới mát tuổi thơ ta!