Tấm và Hoàng hậu là vở kịch mới của sân khấu Hồng Hạc được khán giả ủng hộ rất nhiều. Đây không chỉ là một vở mới trong hạng mục kịch của sân khấu mà còn mới bởi được thể hiện bởi một dàn diễn viên… lạ hoắc và họ đã kể với khán giả về một cái nhìn khác về cô Tấm.
Từ truyện tuyệt ngắn, chỉ với một câu, Tấm khóc, Bụt hiện ra của nhà văn Nhật Chiêu: “Lóc thịt Cám làm mắm xong, Tấm thấy Bụt hiện ra, bèn hỏi: “Tại sao Bụt dám khóc trước mặt ta” đã khiến Tiến Phát (tác giả kịch bản) suy tư về thân phận của cô Tấm: Sau nhiều lần tái sinh và khi đã ở địa vị Hoàng hậu, liệu cô Tấm có đánh mất bản tính thiện của mình? Kịch bản Tấm và Hoàng hậu được ra đời như thế và sau bốn lần được chỉnh sửa, tính từ lần diễn đầu tiên trong chương trình Không gian kịch nói của nhóm CKT ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đến khi công diễn ở sân khấu Hồng Hạc thì đã là một câu chuyện hoàn chỉnh, đầy đặn. Có thể nói, Tấm và Hoàng hậu không phải là một sự cố tình “đảo ngược cổ tích” mà là mượn một câu chuyện cổ tích để nói lên một lẽ thường thấy ở đời: khi người ta thường xuyên bị hại thì người ta sẽ mang lòng uất hận và khi người ta ở một vị thế có thể trả thù những người đã hại mình thì người sẽ thực hiện ngay điều đó. Có thể nhóm bạn này chọn cô Tấm bởi vì một biểu tượng của sự hiền lành như Tấm vẫn khó giữ được nội tâm vững vàng. Phải chăng mỗi lần con người ta sống trong một hoàn cảnh khác nhau thì tâm hồn cũng sẽ một lần thay đổi.
Từ sự yêu thích kịch nói, Thiên Huân (đạo diễn) cùng các người bạn của mình đã dựng một vở kịch hoàn toàn chỉ bằng bản năng của mình. Huân chia sẻ rằng đến khi anh may mắn được nghệ sĩ Ái Như – Thành Hội dạy một khóa diễn xuất và cách dàn dựng thì mới thấy những gì mình làm trước đây thật ngô nghê. Khi nghệ sĩ Việt Linh quyết định đem Tấm và Hoàng hậu về diễn ở sân khấu Hồng Hạc là đã đem đến cho nhóm bạn trẻ này một cơ hội quá lớn để thỏa mãn ước mơ của mình. Việc tạo cơ hội cho những bạn trẻ không chuyên biểu diễn trên một sân khấu chuyên nghiệp cho thấy sự táo bạo của nghệ sĩ Việt Linh. Đó còn là sự mạo hiểm của ê-kíp Hồng Hạc mới thành lập còn muôn vàn khó khăn về tài chính. Cũng chính vì không chọn đi theo lối cũ bằng những kịch bản có đầu có cuối rõ ràng, không cần diễn viên ngôi sao, đạo diễn tên tuổi… và sẵn sàng cho những người trẻ thử sức trong vai trò mới, như trường hợp của diễn viên Lan Phương làm đạo diễn vở Thiên thần nhỏ của tôi, mà khán giả luôn thấy sự tươi mới, nét thanh xuân trong từng vở diễn của sân khấu này. Tất cả các sân khấu đều muốn làm điều này nhưng chỉ dám để những người trẻ, những diễn viên, đạo diễn “chưa có tên” bên cạnh ít nhất một vài ngôi sao của sân khấu mình để thu hút khán giả vì áp lực về doanh thu, chỉ có Hồng Hạc hiện nay là dám để những gương mặt mới toanh trình diễn trên sân khấu mình.
Trở lại với Tấm và Hoàng hậu, dù đã được đạo diễn Việt Linh trau chuốt nhưng với những bạn trẻ chưa được đào tạo bài bản thì vở diễn còn chưa tốt về đài từ, diễn xuất của một số bạn vẫn rất non nớt. Nhưng bù lại, khán giả dễ dàng thông cảm bởi vì họ thấy được các diễn viên đang được làm điều các bạn mong muốn nên hết sức cố gắng và háo hức.
- Lâm Hạnh