Vòng tái đàm phán thứ năm sửa đổi hiệp định NAFTA diễn ra tuần trước tại thủ đô Mexico dù kéo dài thêm hai ngày vẫn chưa thống nhất được một số vấn đề quan trọng, trong đó có quy định nội dung về sản xuất ôtô. Điều này khiến kế hoạch hoàn tất hiện đại hóa NAFTA vào tháng 3-2018 trở nên khó khăn hơn.
Nếu những đồn đoán về việc Tổng thống Mỹ Trump có thể đơn phương rút khỏi NAFTA ngày càng hiện hữu, nhiều chuyên gia cho rằng động thái này có thể giúp nước Mỹ tăng công ăn việc làm trong một số lĩnh vực nhưng rõ ràng trong ngắn hạn lẫn dài hạn đều “lợi bất cập hại”. Đây là tin xấu tổng thể đối với nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm trong khu vực dẫn đến biến động nhanh chóng thị trường chứng khoán, tổn thất việc làm và tạo ra sự chuyển dịch ngành sản xuất ôtô sang các thị trường mới ở nước ngoài.
Theo dự đoán của các chuyên gia, chỉ cần ông Trump ký sắc lệnh rút khỏi NAFTA, ngay lập tức giá cổ phiếu của ngành sản xuất ôtô sẽ bị giảm mạnh. Trong khi đó đồng peso của Mexico và đồng đôla Canada vẫn phải chịu sự sụt giảm giá trị. Về lâu dài, những tác động còn tiêu cực hơn. Robert Scott, chuyên gia kinh tế cao cấp có khuynh hướng cánh tả làm việc tại Viện chính sách kinh tế ở Washington D.C, ước tính Mỹ bị sẽ mất đến 142.000 việc làm nếu mức thuế quan tăng lên 2,7% ở Mỹ, 4,6% ở Mexico và 2,4% ở Canada. Ngành ôtô Bắc Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, việc làm trong ngành này sẽ bị tổn thất nặng nề nhất. Đó là do sản xuất ôtô và linh kiện của các công ty Ford, GM và Chrysler được liên kết chặt chẽ giữa ba nước. Giáo sư Patrick Leblond thuộc Đại học Ottawa, cũng là một thành viên cao cấp của Trung tâm đổi mới Quản trị quốc tế lưu ý rằng, Magna, một hãng sản xuất phụ tùng ôtô có trụ sở tại ngoại ô Toronto hoạt động liên quốc gia ở cả ba nước có thể tổn thất lớn từ thuế. Các nhà sản xuất ôtô khác chỉ sản xuất tại Mỹ hoặc Mexico như Volkswagen cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác để tránh thuế cao, các công ty sản xuất ôtô Bắc Mỹ sẽ chuyển hướng đầu tư sang các thị trường lao động rẻ hơn ở châu Á. Theo giáo sư Leblond, thay vì đầu tư vào Bắc Mỹ, ngành ôtô sẽ đầu tư ở Mỹ Latin, châu Á hay châu Âu. Rất nhiều nhà sản xuất ôtô có thể di chuyển sang Trung Quốc hoặc Việt Nam, nơi chi phí lao động thấp, giảm chi phí sản xuất có thể bù đắp cho các loại thuế liên quan đến nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài lĩnh vực ôtô, việc Mỹ rút khỏi NAFTA có thể tác động tiêu cực đến một số công ty của Canada, bao gồm Bombardier, Magna International, đường sắt quốc gia Canada và đường sắt Thái Bình Dương. Bombardier có trụ sở tại Montreal sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì được tích hợp cao ở cả ba nước và sản xuất nhiều máy bay phản lực kinh doanh tại Mỹ. Trong khi đó nhiều công ty đường sắt như Canada Pacific Railway và công ty đường sắt quốc gia Canada cũng như các ngành công nghiệp vận tải Canada sẽ phải đối phó với khó khăn vì vận chuyển phụ tùng ôtô và xe hơi qua lại giữa Canada và Mỹ có thể bị sút giảm.
Tuy nhiên ba nước còn tiếp tục một số vòng đàm phán nữa mới có thể định đoạt được số phận của hiệp định NAFTA. Hiện chưa thể nói được liệu Tổng thống Mỹ Trump có quyết định rút khỏi hiệp định này như từng tuyên bố và làm với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không. Nhưng nếu làm như thế thì đây sẽ là một vấn đề không dễ dàng thực hiện bởi Quốc hội Mỹ mới có quyết định cuối cùng. Trong khi đó các nhà lập pháp đại diện cho các bang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp cũng như những người từ các bang có các nhà máy ôtô sẽ dẫn đầu cuộc phản đối ở Quốc hội Mỹ chống lại bất kỳ hành động nào phá vỡ NAFTA.
- N.N