Có thể nói đây là một địa điểm du lịch văn hóa, sinh thái còn khá mới mẻ và hấp dẫn. Để đến với Tà Bhing chỉ có một con đường từ thị trấn Thạnh Mỹ chạy theo hướng tây đi lên cửa khẩu Chalval. Đường trải nhựa đã xuống cấp gây khó khăn trong việc đi lại. Tuy nhiên, đi trên con đường này du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Dọc hai bên đường là các nương lúa xanh rờn, thỉnh thoảng điểm xuyết những quả đồi dứa chín vàng đang vào vụ mùa thu hoạch. Có đoạn một bên là dòng sông Bung nặng trĩu phù sa đang uốn mình mềm mại dọc theo đường đi. Mỗi cảnh sắc đó là một món quà mà tạo hóa đã ban tặng cho núi rừng.
Đường đến Tà Bhing
Tà Bhing trong ánh hoàng hôn
Trên đường đi, chúng tôi có dịp dừng chân tại làng dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơtu tại làng Zơra. Các sản phẩm đặc trưng tại đây là những chiếc váy áo, vải thổ cẩm đính hạt cườm tinh xảo, tất cả đều là hàng thủ công. Thổ cẩm Zơra mang vẻ đẹp mềm mại như cách sống lặng lẽ của thiếu nữ Cơtu giữa rừng sâu: Đơn giản ở cách chế tác nhưng tinh xảo, cầu kỳ trong từng đường nét khiến người ta phải ngắm nhìn thật lâu. Cách Zơra không xa, thôn Pà Xua có một con đường dài khoảng một cây số dẫn vào òn có tên là Đạ Grăng). Thác gắn với truyền thuyết về loài cá chiên (tiếng Cơtu gọi là G’răng) không thể vượt thác để thành cá thiêng nên đã chết trong dòng suối này. Đây cũng là con thác đã được đưa vào tour du lịch trong năm du lịch quốc gia Quảng Nam năm 2006.
Thác G’răng
Nằm ẩn mình trong một khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ lớn, thác nước G’răng ầm ầm đổ xuống tung bọt trắng xóa. Khi đặt chân đến chân thác nước, mọi cảm giác mệt mỏi sẽ tan biến bởi bầu không khí mát lạnh và trong lành như ùa vào trong người. Thác G’răng được tạo bởi ba thác nước nhỏ gọi là Tam thác. Trong đó thác dưới cùng lớn nhất với độ cao khoảng 15m. Từ trên vách núi cao, G’răng thả mình giữa không trung núi rừng, thổi sinh khí cho sự phát triển của một quần thể thực vật rong rêu, cây cối xung quanh xanh tươi quanh năm. Bên thác là nhiều cây cổ thụ cao vút lên trời được ôm lấy bởi những chùm hoa phong lan rừng khoe sắc đỏ rực dưới nắng hè. Rừng cây, vách đá và ánh sáng mờ mờ chen qua từng kẽ lá cành cây tạo cho G’răng một vẻ huyền ảo, quyến rũ lạ kỳ. Nơi chân thác là những tảng đá lớn nhấp nhô trên làn nước mát lạnh. Đôi khi, lại bắt gặp tảng đá khá bằng phẳng có thể ngả lưng để cảm nhận sự trong lành, cái mát dịu của thiên nhiên.
Đêm cồng chiêng
Sau khi thăm thắng cảnh thác G’răng, mọi người đến thăm hai ngôi nhà Gươl (một dạng nhà Rông) đặc trưng của văn hóa tộc người Cơtu ở hai thôn Pà Xua và Pà Hia. Ở đây du khách sẽ được nghe già làng giới thiệu vềVêl – những nét văn hóa của làng và cùng chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo trong ngôi nhà, nơi thể hiện sự khéo léo, tài hoa của bàn tay người đàn ông Cơtu. Ngôi nhà cũng là biểu tượng cho tính tập thể và niềm kiêu hãnh, sự cố kết trong cuộc đồng của người Cơtu. Cũng trong Gươl, khách phương xa có thể được thưởng thức hương men cay nồng từ rượu Tà Vạt cùng với bánh sừng trâu, đặc sản nơi đây. Ngoài ra, người dân cũng rất tận tình trong việc hướng dẫn cách làm bánh sừng trâu, ăn cơm lam. Nếu du khách ở lại đêm sẽ được hòa mình vào đêm lửa trại bên nhà Gươl, cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người thiếu nữ Cơtu trong điệu múa “tung tung ya yá” đặc sắc và tài nghệ đánh cồng chiêng cùng các loại nhạc cụ truyền thống của người Cơtu như cây đàn Abel (đàn kéo), đàn Tơr bhréc, đàn Ưng chrưl, cây sáo Tơrhoo…
Trong bếp của người Cơtu
Bên ánh lửa bập bùng, chúng ta sẽ được nghe người già kể những câu chuyện huyền bí và dũng cảm về con người, vùng đất nơi đây. Bữa tiệc diễn ra với thức ăn, rượu có thể thâu đêm đến khi tiếng cồng chiên ngừng hẳn, và mọi người đã thật say…
Trương Văn Long