Từ sau sự ra mắt khá rầm rộ vào năm 2000, chiếc superjumpo A380 của Airbus đã có những con số đặt hàng được nhận xét là chưa đạt được so với nguyện vọng ban đầu. Tuy nhiên, với bề thế khổng lồ của mình, A380 vẫn là biểu tượng của sự cao cấp, sang trọng mà hãng hàng không nào cũng muốn sở hữu.
Chiếc A380 được xác định là cung cấp khoảng rộng mặt sàn hơn đến 50% so với chiếc B747, nhưng trung bình thì số ghế có thể lắp đặt thêm chỉ đạt 35%, thay vào đó, sẽ có những khoang khách rộng hơn và những khu vực riêng biệt hơn. Một điển hình ghi nhận mức độ khổng lồ của A380 chính là phòng tắm hơi trên khoang hạng nhất của Emirates, phòng khách quảng bá thương hiệu Absolut Vodka và gian hàng miễn thuế trên A380 của Korean Air.
Vạn sự khởi đầu nan?
Mặc dù thực tế cho thấy rằng hành khách rất yêu thích khi bay trên những chiếc A380, nhưng đồng thời cũng cho thấy việc thuyết phục các hãng hàng không yêu thích nó là một việc khá khó khăn. Nguyên nhân chính là ngành công nghiệp vận chuyển hàng không đang theo xu hướng máy bay hai động cơ cho những đường bay dài như dòng B777 hay chính đồng nghiệp A350 mà việc tiêu hao nhiên liệu tiết kiệm hơn rất nhiều so với bốn chiếc động cơ của A380.
Tạp chí Air insight nhận định rằng: “Các máy bay công nghệ hiện đại đang được đưa vào khai thác hay sắp được đưa vào phục vụ như các dòng máy bay B787, A350 và B777X, tất cả đều đem lại hiệu quả kinh tế về số lượng ghế và dặm bay tối đa cạnh tranh với chiếc A380. Những máy bay có dặm bay thấp hơn sẽ có rủi ro thấp hơn bên cạnh việc thường xuyên bay với tình trạng không lắp đầy sẽ đẩy hãng hàng không vào tình trạng không ổn về tài chính lẫn hình ảnh. Ngoại trừ có một lý do thuyết phục, là sân bay quá tải dẫn đến không thể cất hạ cánh đủ chuyến bay theo giờ đã chọn, còn thì đa phần các hãng hàng không đều thích bay những dòng máy bay đủ nhỏ để họ có thể đảm bảo được độ lắp đầy hằng ngày”.
Hoặc nhưTime Magazine thì có phần nhẹ nhàng hơn: “Đối với những nhà khai thác, sự kiện A380 xuất hiện vào năm 2000 nhằm giải quyết một vấn đề không liên quan đến tài chính. Những nhà hoạch định đã thuyết phục rằng với sự gia tăng ngày càng cao của nhu cầu di chuyển thì chiếc máy bay có kích thước khổng lồ sẽ đóng vai trò quan trọng”.
Tính đến cuối tháng 1, 16 hãng hàng không đã đặt hàng 304 chiếc A380 phiên bản vận chuyển hành khách. Hiện đã có 123 chiếc đang được khai thác trên toàn thế giới với sự sở hữu của 10 hãng hàng không bao gồm: Singapore Airlines (2007), Qantas, Emirates (2008), Air France (2009), Lufthansa (2010), Korean Air, China Southern (2011), Thai Airways, Malaysia Airlines (2012), and British Airways (2013). Với việc đặt hàng 140 chiếc và đã nhận 44 chiếc A380, Emirates là hãng hàng không có số lượng đặt hàng chiếm gần phân nửa trên tổng số đặt hàng trên toàn thế giới.
Trong năm nay, thêm bốn hãng hàng không sẽ nhận chiếc superjumpo đầu tiên, bao gồm ba hãng hàng không lớn thường xuyên có mặt trong danh sách xếp hạng hàng đầu là Qatar Airways, Etihad, Asiana và hãng hàng không đa dịch vụ của người Nhật Skymark. Những hãng hàng không này sẽ nhận được A380 ngay sau khi chiếc đầu tiên được giao cho Transaero vào năm 2015, trong khi những đơn đặt hàng của Hongkong Airlines (dự kiến bàn giao vào 2015) và Virgin Atlantic (dự kiến bàn giao vào năm 2018) thì dường như đang gặp vấn đề. Tại cùng thời điểm, Turkisk Airlines đã chính thức thông báo sẽ tăng thêm bốn chiếc cho đội bay trong mùa hè này nhằm phục vụ trên trục đường bay tới Trung Quốc.
Hãng hàng không Asiana của Hàn Quốc sẽ chính thức khai thác chiếc superjumbo vào tháng 6 năm nay trên những đường bay khu vực trước khi đưa nó bay xa hơn trên trục đường bay Seoul – LAX vào tháng 7 hoặc tháng 8. Asiana sẽ nhận được tổng cộng sáu chiếc A380 theo lộ trình như sau: hai chiếc vào tháng 6, hai chiếc vào năm tới và hai chiếc vào năm 2017. Chiếc A380 của Asiana sẽ được cấu trúc với khoang khách hạng nhất 12 ô phòng “OZ First Suites” và 66 ghế hạng thương gia “Smartium” được xếp đặt so le ở trên tầng trên và 417 ghế hạng phổ thông (gồm 106 ghế thuộc tầng trên và 311 ghế thuộc tầng dưới), tổng cộng có 495 ghế.
Theo tạp chí Australian Business Traveller thì Qatar Airways sẽ nhận ba chiếc A380 vào tháng 6 này với mong muốn sẽ trở nên nổi bật với đội bay này tại dịp khánh thành sân bay mới Doha. Trục đường bay dành cho A380 của Qatar Airways là từ Doha đến London và Paris dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu quý III năm nay. Cấu trúc sắp đặt trên A380 của Qatar bao gồm một khoang khách hạng nhất nhỏ với tám ô phòng sang trọng sử dụng những thiết kế mới nhất và 52 ghế hạng thương gia với thiết kế giống với những chiếc ghế có mặt trên dòng B787 của hãng. Cả hai khoang hạng cao cấp này được đặt tại tầng trên cùng với một khoang khách hạng phổ thông nhỏ và một phòng khách dùng để phân cách giữa khoang hạng phổ thông và khoang hạng cao cấp. Tầng dưới là khu vực dành cho 517 ghế hạng phổ thông được trải dài chia thành ba khoang riêng biệt.
Etihad có đơn đặt hàng 10 chiếc A380 với kế hoạch giao nhận đầu tiên sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Chiếc A380 của Etihad sẽ được thiết kết gồm ba khoang hạng First, Business và Economy nhưng hãng vẫn chưa chia sẻ thông tin chi tiết về cấu trúc này. Etihad sẽ sử dụng A380 trên trục đường bay giữa Abu Dhabi đến Sydney và Melbounre vào cuối năm 2014, tiếp theo đó sẽ là London và New York.
Hãng hàng không kinh doanh đa dạng các loại hình dịch vụ và là hãng hàng không lớn nhất thứ 3 tại Nhật Bản – Skymark, gây bất ngờ vào năm 2011 khi công bố đặt hàng sáu chiếc A380 và chỉ thiết kế tổng cộng có 394 ghế cho cả hai khoang hạng cao cấp của chiếc superjumpo này bao gồm 114 ghế giường nằm hạng thương gia tại tầng trên và 280 ghế hạng phổ thông cao cấp tại tầng dưới (và đương nhiên không khai thác ghế hạng phổ thông bình thường). Skymark sẽ nhận chiếc A380 đầu tiên vào tháng 8-2014 và theo kế hoạch sẽ bay trên trục đường bay Tokyo, Narita và New York, điểm đáp tiếp theo sau đó có thể là London và Frankfurt.
Thay đổi để phù hợp và phát triển
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Airbus thông báo rằng đang tiến tới việc cung cấp cho A380 những động cơ mới hiệu quả hơn và có thể kéo dài kích thước của A380 cho những chiếc sẽ được bàn giao vào khoảng năm 2020 nhằm tạo sự lôi cuốn đối với khách hàng.
Mặc dù hầu hết các khách hàng
hiện nay đều tỏ ra khá hài lòng với mẫu hiện tại nhưng Airbus vẫn muốn cho họ thấy một phiên bản A380 tập trung vào việc gia tăng số lượng ghế lắp đặt hơn là hình ảnh của một chiếc máy bay sang trọng hàng đầu như hiện nay bởi thị trường mà Airbus đang nhắm tới chính là những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia.
Nằm trong xu hướng này, một khách hàng của Airbus, Transaero đang lên kế hoạch lắp đặt 652 ghế trên chiếc A380 với ba hạng ghế phục vụ bao gồm 12 ô phòng trên khoang hạng nhất, chỉ có 24 ghế ngả lưng của khoang hạng thương gia và có đến 616 ghế dành cho khách hạng phổ thông với khoảng trống để chân là 31 inch. Nếu hoàn thành, Transaero sẽ trở thành hãng hàng không có số lượng ghế lắp đặt trên máy bay cao nhất.
H.K