Số vụ tự tử ở châu Á chiếm đến 60% tổng số vụ tự tử trên toàn thế giới. Cứ sáu người dân Hong Kong (HK) lại có một người mắc các triệu chứng tinh thần thường gặp.
Dù thua tỷ lệ tự tử của Nhật Bản và Hàn Quốc, tự tử là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu tại HK: khoảng 900 người tự tử mỗi năm trong 10 năm qua. Tỷ lệ tự tử tại HK cao thứ 6 châu Á, chỉ thua Hàn Quốc, Kazakhstan, Sri Lanka, Nhật Bản và Đài Loan.
Từ câu chuyện của Laurence Grant
Laurence Grant chết vào tháng 10-2017 khi mới 30 tuổi. Trước đó, Grant muốn tìm người điều trị bệnh tâm thần của mình nhưng tại HK anh khó làm được điều này hơn tại Anh, quê hương anh.
Là một trong những lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất thế giới, HK là nơi có nhiều người phải lao động miệt mài nhiều giờ mỗi ngày, không khí thì ô nhiễm, chi phí nhà đất tăng nhanh và bất ổn chính trị luôn tiềm ẩn. Hệ quả là 1/6 cư dân HK mắc phải một căn bệnh tinh thần nào đó, từ lo âu, trầm cảm đến rối loạn tâm thần.
Đây là phát hiện của hai nghiên cứu mới nhất do Sherry Kit Wa Chan, giảng sư tại Khoa tâm lý, Đại học HK tiến hành.
Trước khi qua đời, Grant phát hiện ra HK không đủ cơ sở vật chất lẫn đội ngũ nhân viên y tế để đối phó với số bệnh nhân tậm thần ngày càng tăng. HK thiếu nghiêm trọng lực lượng hỗ trợ, tư vấn và điều trị.
Tháng 10-2017, Olivia Parker, bạn gái của Grant, thấy anh nằm chết trong khách sạn Laos, nơi hai người lưu trú. “Thủ phạm” là hỗn hợp rượu, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm và an thần.
“Tại HK, hầu như người bệnh tâm thần không thể tìm được nơi để giúp giải quyết vấn đề của mình. Nếu có, anh ấy đã không chết vì anh ấy không hề có ý định tự tử. Anh ấy chỉ tự chữa bệnh do không có tiền” – Parker nói.
Chứng trầm cảm tấn công Grant khi anh còn là một thiếu niên ở Anh. “Anh kể lại, thế giới lúc đó như trở thành màu đen. Không thể thoát khỏi nó nên anh không thấy gì thú vị để tiếp tục sống. Làm như tất cả mọi thứ tốt đẹp đều bỏ anh mà đi” – Parker nói.
- Xem thêm: Tối ưu hóa sức khỏe tinh thần
Parker và Grant sống cùng nhau được bốn năm rưỡi. Hai người gặp nhau ở Scotland vào năm 2012, ba tuần trước khi Grant đến Afghanistan tham gia lực lượng Anh tại đây với cấp bậc trung úy rồi đại úy. Khi Grant về phép tháng 5-2013, hai người hẹn hò trở lại và Parker bị bạn trai chinh phục.
“Anh ấy là người luôn vui vẻ, thích chăm sóc bạn bè và chỉ hạnh phúc khi người khác hạnh phúc” – Parker nói.
Tình hình tồi tệ khi Grant xuất ngũ từ Afghanistan và chuyển hẳn từ một môi trường khốc liệt với cái chết rình mò sang công việc văn phòng tại Công ty kiểm toán KPMG, nơi có nhiều nhân viên thường xuyên bị stress dù không chịu áp lực giữa sự sống và cái chết.
Để thoát khỏi căng thẳng, tháng 1-2017, Grant và Parker quyết định bắt đầu cuộc sống mới tại HK. Họ chấp nhận thử thách và chia tay với những thứ có thể làm Grant tái phát bệnh cũ. Điều duy nhất họ không biết: chọn HK là một quyết định sai lầm.
Cuộc sống tại HK cũng không kém khắc nghiệt với áp lực thành công và ổn định rất lớn. Trong khi đó, công việc của Grant còn nặng nề hơn tại Anh khi anh được giao phụ trách thương thảo hợp đồng với khách hàng bên kia biên giới cho Công ty Deloitte.
“Grant luôn lo lắng về nhiệm vụ được giao, đến nỗi thường bị đau thắt ngực. Áp lực công việc đã vượt quá sức chịu đựng của anh” – Parker nói.
Đến câu chuyện của diễn viên hài Cheuk Wan Chi
HK không chỉ có số giờ làm việc cao nhất thế giới trong tuần (khoảng 50 giờ) mà còn là nơi có hơn 60% lao động bị stress hay lo lắng vì công việc ở những cấp độ khác nhau (nghiên cứu của UBS).
Phân nửa nhân viên văn phòng được hỏi trong cuộc khảo sát năm 2014 của Hội Sức khỏe tinh thần (MHA) cho biết sức khỏe tinh thần của họ không được tốt.
“Lối sống, sự chật chội, áp lực thành công và cạnh tranh đã kết hợp lại để cùng tấn công sức khỏe người dân” – Hannah Reidy, Giám điều hành sáng kiến mới Mind HK về sức khỏe tinh thần nói, “Vấn đề bắt đầu từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, áp lực thành tích học tập và thi cử khiến nhiều học sinh tự sát”.
Mới đây, diễn viên hài Cheuk Wan Chi tâm sự về việc bà từng nảy ra ý định tự tử vào năm 2006 sau khi người mẹ chết vì ung thư.
Trước những áp lực từ mọi phía, nhiều người dân HK cảm thấy cuộc sống của họ rất mong manh và yếu đuối trong cách phản ứng.
“Hôm nay, số người muốn kết thúc cuộc sống như tôi không còn cá biệt mà đã thành bình thường” – Cheuk, 39 tuổi nói, “Tự tử không còn là vấn đề cá nhân mà là vấn nạn xã hội”.
Là một cựu phát thanh viên, DJ và phụ trách chương trình truyền hình, Cheuk quyết định tiết lộ bí mật của mình để giúp gửi thông điệp đến công chúng về vấn nạn tự tử.
Ngay sau đó, bà nhận được nhiều tin nhắn đồng cảm từ những người đã và đang rơi vào trường hợp tương tự.
“Qua những tin nhắn này, tôi cảm thấy có rất nhiều người chỉ chờ có ai đó lên tiếng để phụ họa. Họ muốn nói lên một sự thật giấu kín trong lòng. Cũng giống như phong trào #MeToo ở Mỹ. Vấn đề không còn là cá biệt mà đã trở thành vấn nạn lớn mà xã hội cần sự chung tay giải quyết của chính quyền và cộng đồng” – Cheuk nói.
Bà rất vui khi có nhiều người tin mình và chia sẻ. Những ai muốn tìm hiểu về bà có thể xem chương trình hài Two Night Stand phát trên Netflix.
Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, “cái nôi” của tự tử!
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy có đến hơn phân nửa số vụ tự tử trên thế giới diễn ra tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Tự tử là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu tại HK, kể cả số học sinh và sinh viên tự lấy đi mạng sống của mình do áp lực học tập và thi tuyển từ gia đình và xã hội. Nhưng chiếm đông nhất vẫn là đàn ông và người cao tuổi dù cách chết của họ ít được báo chí nói đến.
Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu và ngăn chặn tự tử Jockey Club cho thấy tỷ lệ tự tử ở những người trên 65 tuổi cao gấp 40 lần dưới 15 tuổi. Tỷ lệ tự tử ở nam giới cao gấp đôi nữ giới.
“Đàn ông với tính tự tôn ít muốn nói về tình trạng tâm thần của mình, và nhiều người già chọn cái chết vì thấy mình không còn giá trị và không muốn là gánh nặng cho gia đình” – Clarence Tsang, Giám đốc điều hành của Samaritan Befrienders Hong Kong, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người có biểu hiện và tác phong dễ dẫn đến tự tử, nhận định. Đây cũng là công ty đầu tiên mở dịch vụ này ở châu Á.
- Xem thêm: Tập thể dục tốt cho sức khỏe tinh thần
Reidy tin rằng nếu điều tra kỹ lưỡng, số người bị một triệu chứng tinh thần tiêu cực nào đó còn cao hơn tỷ lệ 1/6. Lý do: nhiều người ngại tiết lộ rối loạn tâm thần mà họ mắc phải, nhất là nam giới.
“Hiện nay mới chỉ có 1/4 bệnh nhân tinh thần tìm đến sự trợ giúp y tế để nhờ giải quyết vấn đề của mình” – Reidy, một người có thâm niên 10 năm trong lĩnh vực này, nói.
Cụ thể, số người khám chữa bệnh tinh thần tại HK đã tăng 18%, từ 187.000 của năm 2011 đến hơn 220.000 của năm 2016. Số thiếu niên được khám chữa cũng tăng từ 18.900 đến 28.800 trong cùng thời gian trên.
Dù có nhiều người chưa khám chữa bệnh, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần tại HK vẫn rất thiếu cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ y bác sĩ.
“Trong khi bệnh nhân ngày càng đông, sự đáp ứng chỉ có giới hạn. Việc tuyên truyền cho người dân cách nhận biết bệnh tật của mình và chữa trị kịp thời cũng còn yếu. Công chúng thiếu kiến thức bệnh tinh thần nên khi bệnh trở nặng thì đã quá muộn. Số người tự tử cao là do đó” – Reidy nói.
Để lấp đầy khoảng trống, WHO đề nghị mỗi 100.000 người dân phải có 10 bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Nhưng HK mới đạt đến 4,9/100.000 dân; trong khi tại Anh, tỷ lệ này là 14,6/100.000.
Thiếu thốn cơ sở và nhân lực khiến người bệnh không được điều trị đúng lúc và bệnh sẽ nặng hơn. Đó là trường hợp của Yan, 39 tuổi vào năm 2016.
Sau khi Yan tiết lộ là có “sức mạnh” nào đó khống chế, bắt cô làm những việc mình không muốn và nói lảm nhảm suốt ngày, tòa án sợ cô tự tử đã buộc gia đình phải đặt cô vào diện theo dõi của bác sĩ tâm thần.
Trước khi tòa ra lệnh, Yan không bao giờ thừa nhận mình mắc bệnh. Theo một nghiên cứu mới đăng trên tập san Journal of the American Medical Association, các triệu chứng tâm thần nếu được chăm sóc sớm sẽ giảm được phân nửa nguy cơ tự tử.
Tốn kém là một yếu tố
Một thách thức khác đối với người bệnh tâm thần là tốn kém, đặc biệt là khi phải nhờ sự can thiệp của bác sĩ. Nếu tại quê nhà, Grant sẽ được chữa trị miễn phí theo luật chăm sóc y tế và quy định của Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) thì tại HK, anh phải trả cho bác sĩ khoảng 400 USD mỗi giờ trị liệu.
Phí tổn này là quá sức chịu đựng dù Grant có thu nhập khá cao. Vì vậy, anh chọn cách tự điều trị, mua thuốc ngủ và các thuốc khác tại các nhà thuốc địa phương và dùng rượu đưa chúng vào cơ thể.
Nhà tâm lý Klaris Leung cho biết HK không thanh toán bảo hiểm cho nhiều dạng bệnh tinh thần, khác hoàn toàn với khu phố Tàu tại New York, nơi ông làm việc.
Andrew Welling từ Úc đến HK làm việc vào năm 2012 cũng gặp tình cảnh này. Những gì bảo hiểm thanh toán cho anh tại Úc thì tại HK không có.
“Mỗi lần gặp bác sĩ tôi phải trả khoảng 320 USD dù bác sĩ ở đây trình độ không cao” – Welling, 34 tuổi, nói, “Rất khó tìm được bác sĩ giỏi, có thể trò chuyện và hiểu mình”.
Tuy nhiên, anh không đồng ý với cách tự chữa bệnh của Grant. Sau khi chứng kiến một người bạn tự tử, Welling thành lập hội từ thiện Blue Tie Ball chuyên quyên tiền cho những bệnh nhân tinh thần thiếu thốn.
Năm 2017, anh huy động được 650.000 đôla HK và năm nay anh có kế hoạch quyên góp 1 triệu đôla HK nữa. Trước khi chết, Grant tham gia hội từ thiện Help Me. Nay, Parker đang hợp tác với Mind HK để giúp những người bệnh gặp khó khăn về tài chính. Parker hy vọng sẽ biến giấc mơ “trị liệu miễn phí” của Grant thành thực tế. Cô tin rằng chính quyền và người dân HK đã đánh giá đúng hơn và ý thức hơn về hiểm họa của bệnh tinh thần.
Tháng 11 qua, Hội nghị Sức khỏa tinh thần HK (Hong Kong Mental Health Conference) thu hút hơn 400 khách tham dự và 100 diễn giả. Mind HK ra đời nhân dịp này. Đây cũng là nơi cung cấp thông tin và đào tạo chuyên viên bệnh tinh thần.
Tháng 11 năm nay Mind HK sẽ công bố giải thưởng Mind Media Awards dành cho những bài báo hay trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần.
Năm 2017, chính quyền HK bắt đầu nghiên cứu có bài bản hơn về sức khỏe tinh thần và chính thức xem bệnh tinh thần là “mối quan tâm chính trong y tế công”.
Tháng 3-2018, chính quyền công bố kế hoạch Voluntary Health Insurance Scheme mở rộng thêm diện miễn phí cho một số ca bệnh tinh thần. Một mục tiêu khác là nâng cao tỷ lệ bác sĩ trên người bệnh lên 1/40.