Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt tác phẩm hồi ký của các tướng lĩnh như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà; hồi ký của các nhà hoạt động chính trị như B. Clinton, B. Obama; nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc được xuất bản với số lượng lớn.
Trong văn bản phi hư cấu, người trần thuật luôn là người chứng kiến câu chuyện được kể lại. Đó không phải là câu chuyện được tưởng tượng mà là những sự kiện, biến cố có thật, có thể được kiểm chứng một cách khách quan. Những sự việc và con người ở đây đều phải được xác định rõ ràng về địa chỉ. Sức hấp dẫn mà văn xuôi phi hư cấu đem lại chính là sức hấp dẫn của sự thật. Vì vậy mà người viết văn phi hư cấu thường có tư chất của người nghiên cứu đi tìm sự thật.
Một số tác phẩm hồi ký được công chúng yêu thích
Điều chính yếu làm nên giá trị, phẩm chất và ưu thế của văn phi hư cấu là tính chính xác và trung thực của nó. Sự kiện đã xảy ra khi nào? Ở nơi chốn nào? Ai đã tham gia vào sự kiện đó? Trong tất cả những trường hợp này, người đọc đòi hỏi câu trả lời cặn kẽ và rõ nghĩa, dù đó là con số, ngày tháng, lời khẳng định hay phủ định.
Văn bản phi hư cấu giống như những mảnh tranh ghép, được xây dựng từ những bức chân dung nhân vật, những bức tranh miêu tả cảnh quan đời người và sân khấu chính trị – xã hội, những suy niệm và trầm tư thế sự… Mở một văn bản phi hư cấu ra, độc giả có niềm tin rằng đây là cuộc đời tự nó lên tiếng và người trần thuật không can thiệp làm méo mó bản chất của sự kiện. Nhưng đồng thời, độc giả cũng chờ đợi cuộc gặp gỡ với một người trần thuật sâu sắc và tinh tường, có năng lực phán xét thông minh và nhạy bén. Nếu không, bức tranh sự kiện có thể trở nên xanh xao, thiếu máu và tác giả có thể bị trách cứ là ngây thơ, ngờ nghệch, thụ động trước đời sống.
Những thể loại phi hư cấu được phổ biến rộng rãi trên báo chí trước khi in thành sách là ký sự, phóng sự, hồi ký, bút ký, nhật ký, tạp bút… Nhiệm vụ của ký sự là trình bày và giải thích những sự kiện mới và đặc biệt quan trọng nhưng lúc đầu chưa được công chúng chú ý thích đáng. Ký sự luôn ở vùng giáp ranh giữa báo chí và văn học, cho phép văn học nhanh chóng hưởng ứng những đề tài và vấn đề thời sự của xã hội và con người. Ký sự đa dạng về nội dung, nó liên quan đến những vấn đề chính trị, kinh tế, khoa học và văn hóa, miêu tả những hiện tượng trong đời sống xã hội, thiên nhiên và môi trường, những câu chuyện ở chiến trường và pháp đình, những điển hình tiêu biểu cho các nhóm lợi ích và nghề nghiệp khác nhau…
Phóng sự có đặc điểm là tính kịp thời, sự dồn nén thông tin và văn phong năng động. Là một thể loại phi hư cấu, phóng sự còn mang yếu tố chính luận: câu chuyện kể về các sự kiện được xen kẽ với những suy nghĩ và bình luận ngoại đề của tác giả. Đối tượng của phóng sự thường là những tình huống cực đoan: tai nạn, thảm họa, những sự kiện ở các điểm nóng, chẳng hạn ở vùng chiến sự, thiên tai…
Hồi ký là một dạng văn phi hư cấu, một dạng văn học tư liệu, đồng thời cũng là hình thức văn xuôi tự thuật. Đó là sự trần thuật về những sự kiện và hiện tượng trong đời sống xã hội, chính trị, văn hóa, nghệ thuật mà tác giả là người chứng kiến hay tác nhân của lịch sử, với những nhân vật mà người ấy tiếp xúc.
Ở Việt Nam, hồi ký của các nhà văn được chú ý: Cát bụi chân ai và Chiều chiều của Tô Hoài, Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương, Những nhân vật ấy đã sống với tôi của Nguyên Hồng, Từ bến sông Thương của Anh Thơ, Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê, Hồi ký song đôi của Huy Cận… Ngoài ra còn có hồi ký của một số nhà hoạt động nghệ thuật như Phạm Duy, Trần Văn Khê…
Trong văn học Việt Nam cũng như thế giới đã từng xuất hiện không ít trường hợp những tác phẩm phi hư cấu là đề tài tranh luận của giới sáng tác và phê bình, khi nó viết về những con người và sự kiện có thật nhưng đưa ra những nhận xét chủ quan và tùy tiện làm tổn thương không chỉ nhân vật mà cả niềm tin của độc giả. Điều này đặt ra một trong những vấn đề cốt lõi của thể loại phi hư cấu, đó là sự ràng buộc đạo đức của người viết và giới hạn can thiệp của người này vào cuộc đời riêng tư của người khác.
Huỳnh Như Phương