Dù đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, nhưng hành trình trước mắt của các doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều chông gai. Khôi phục và mở rộng sản xuất, nỗ lực cải tiến để vượt qua áp lực cạnh tranh khi thị trường mở rộng cho các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập theo các hiệp định thương mại tự do. Vậy nên, mong muốn của giới doanh nghiệp dĩ nhiên là tiết giảm chi phí, trong đó có chi phí vốn, đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ giảm thêm. Nhưng điều này sẽ khó trở thành hiện thực, khi mà những số liệu thống kê gần đây cho thấy các ngân hàng đang có lý do để duy trì mức lãi suất cho vay như hiện nay, bởi họ đang phải đối mặt với một thực tế là tốc độ tăng của huy động vốn đang chậm hơn tốc độ cho vay. Điều này đồng nghĩa với việc “cầu” vốn ngày càng lớn hơn “cung” và đến một lúc nào đó sẽ khiến cho giá vốn tăng lên. Cũng may là chuyện này nếu xảy ra cũng là chuyện tương lai, vào dịp cuối năm hoặc trong năm tới, chứ hiện tại thì tình hình vẫn trong mức kiểm soát. Từ đầu năm đến nay thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định, không những vậy khối lượng giao dịch trên thị trường này còn giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm ngoái, chứng tỏ nguồn tiền mặt của các tổ chức tín dụng vẫn đang dồi dào.
Để các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, lãi suất huy động luôn cần phải giảm trước. Lãi suất này thường lấy chỉ số lạm phát để làm quy chiếu, sao cho người gửi tiền có được mức lãi suất thực dương. Từ đầu năm đến nay, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức thấp, tuy nhiên hai tháng gần đây chỉ số CPI có dấu hiệu tăng trở lại, nguyên nhân chính trong đó là do giá điện và giá xăng tăng. Từ nay đến cuối năm, tác động của sự tăng giá các mặt hàng, vật tư quan trọng như vậy sẽ còn ảnh hưởng đến giá cả chung và sẽ có tác động không nhỏ đến lạm phát. Một khi lạm phát tăng, lãi suất sẽ khó giảm, nếu không muốn nói là cũng sẽ nhích lên.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về tình hình kinh tế xã hội năm tháng đầu năm, trước sức ép gia tăng của tỷ giá, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá thêm 1% vào ngày 7-5, tình hình lạm phát vẫn ổn định, đó là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong tương lai, khi nhập siêu vẫn tiếp tục tăng, tiền gửi ngoại tệ vào các ngân hàng giảm, cầu USD tăng… thì áp lực tỷ giá sẽ ngày càng lớn. Nếu nhà điều hành phải bán ra USD phục vụ nhu cầu nhập khẩu, thu về tiền đồng, lãi suất tiền đồng có thể tăng lên do cung tiền yếu đi. Trong khi đó, nền kinh tế đang trong giai đoạn đáy và có dấu hiệu đi lên, thể hiện ở chỗ cả thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đều bắt đầu khởi sắc trở lại. Nếu điều này xảy ra, một dòng tiền đáng kể sẽ đổ vào khu vực này, tạo ra một lực cầu mạnh trong ngắn hạn. Điều này có thể khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong khu vực dân cư và doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng có thể thực hiện được điều này mà không ngại rủi ro vì từ tháng 2-2015, theo Thông tư 36, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng sử dụng đến 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, do khoảng cách lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và dài bị thu hẹp, đường cong lãi suất sẽ không còn được như trước, có thể khiến cho thị trường tài chính – tiền tệ thời gian tới đối mặt với khó khăn. Sức ép dành cho lãi suất và gánh nặng đặt lên vai nhà điều hành để duy trì sự ổn định là có, trong bối cảnh hiện nay.
Minh Hằng (DNSGCT)