Chị Lý Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH TM – Vận Tải Quốc Tế Ngôi Sao Mỹ, khá quen thuộc trong giới nữ doanh nhân Việt Nam. Chị là người thường truyền cảm hứng cho mọi người về các vấn đề trong cuộc sống bằng nguồn năng lượng tích cực và mạnh mẽ.
Mỗi ngày của chị hầu như không có thời gian cho những chuyện buồn phiền. Buổi sáng, người ta thấy chị chụp hình hoa cỏ trên đường chạy thể dục, sau đó lại thấy chị uống cà phê với nhân viên tại của hàng An Chơn. Mới thấy chị xuất hiện tại sự kiện của WLIN Charming, lại thấy chị cười rất tươi chụp ảnh cùng các thành viên của Chi hội BNI Việt Nam…
____
Thời gian và năng lượng đâu ra để chị “xông pha” khắp nơi, mà vẫn kinh doanh hiệu quả trên thương trường?
Người ta thấy tôi làm nhiều thứ một lúc nhưng thực tế tôi làm việc không bao nhiêu. Công việc tại Công ty Ngôi Sao Mỹ cũng như việc tại An chơn, tôi đều giao lại cho nhân viên. Chồng tôi là người chu đáo, cẩn trọng, anh giữ vai trò cố vấn và luôn chịu khó đứng sau lưng hỗ trợ vợ mình. Nhân viên của tôi là những người đã làm việc cùng tôi từ 8 năm trở lên, nên hầu hết đều hiểu tính cách, phương pháp làm việc, cũng như mong muốn của tôi. Thế nên, tôi nhận dự án về giao lại cho nhân viên và an tâm là sẽ nhận kết quả như mong đợi.
____
Trao quyền là việc “nói dễ mà làm thì không dễ”, chị đã làm điều đó như thế nào?
Mọi người chủ đều muốn trao quyền cho nhân viên, không ai muốn “ôm đồm” quá nhiều. Họ chưa trao quyền đơn giản vì chưa đủ sự tin tưởng. Nhân viên của tôi đã gắn bó “vào sinh ra tử” hơn 10 năm trời, họ quyết tâm ở lại khi tôi thất bại, nên không có lý do gì để tôi không tin họ.
Rất nhiều khách hàng ngạc nhiên khi thấy nhân viên của tôi báo giá dịch vụ logistics rất nhanh và có thể tự mình ra quyết định ở hầu hết công việc mình phụ trách. Nếu nhân viên phải trình cấp trên phê duyệt như ở công ty khác thì mất rất nhiều thời gian. Trong giao dịch quốc tế, sự nhanh nhạy rất quan trọng, nếu không nói là yếu tố quyết định thành công. Thực tế, việc trao quyền giúp cho nhân viên xử lý tình huống rất linh hoạt mà vẫn bảo đảm nguyên tắc căn bản. Điều này vừa thể hiện lòng tin trong nội bộ cũng vừa là tinh thần trách nhiệm của nhân viên, và mỗi cá nhân trong công ty đều tự hào về điều đó. Thậm chí, việc tham gia cuộc họp quan trọng với 500 doanh nghiệp trên toàn cầu của Hiệp hội Combined Logistics Networks (CLN) để thiết lập quan hệ đối tác và đại lý, cũng đã có một cậu nhân viên trẻ tuổi làm thay, nên tôi mới có thời gian để “tả xung hữu đột” khắp nơi.
____
Làm thế nào để có thể tham gia Hiệp hội CLN, chị có thể chia sẻ để mở đường cho cộng đồng các doanh nghiệp Logistics Việt Nam?
CLN là một tổ chức có uy tín cao, chỉ cho phép một số lượng ít ỏi doanh nghiệp ngành Logistics của mỗi nước tham gia với tư cách là thành viên chính thức. Doanh nghiệp tham gia mỗi năm sẽ đóng 100 triệu phí thành viên chưa kể chi phí hoạt động khác, số tiền mà không phải doanh nghiệp nào cũng chịu bỏ ra. Nhưng về lâu dài, lợi ích về thông tin quốc tế từ CLN rất lớn. Ngoài ra, nơi đây sẽ cho doanh nghiệp cơ hội kết nối và tìm kiếm nhà đầu tư từ nước ngoài.
Mọi người chủ đều muốn trao quyền cho nhân viên, không ai muốn “ôm đồm” quá nhiều. Họ chưa trao quyền đơn giản vì chưa đủ sự tin tưởng. Nhân viên của tôi đã gắn bó “vào sinh ra tử” hơn 10 năm trời, họ quyết tâm ở lại khi tôi thất bại, nên không có lý do gì để tôi không tin họ.
____
Chị là một trong số ít những người bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành Logistics khá sớm. Mười bảy năm trong ngành này, chị được và mất gì?
Chặng đường với Logistics cho tôi những thời điểm thất bại tận cùng lẫn những giây phút thành công thăng hoa. Thời điểm 5 năm trước, tôi thất bại thảm hại, khi mà việc làm ăn thua lỗ, bị lừa gạt, khách hàng kiện tụng… Tôi rơi vào trầm cảm, rồi bệnh nặng. Chồng tôi đã bán hết tài sản, đưa tôi về nghỉ ngơi và điều trị tại một căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Tôi cảm ơn chồng con vì họ đã ở bên tôi qua giai đoạn tăm tối đó.
Gần hai thập kỷ gắn bó với logistics cũng cho tôi những kiến thức quan trọng để truyền đạt lại cho các bạn sinh viên. Ngoài việc tham gia giảng dạy tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chúng tôi còn tổ chức các chương trình đào tạo nghiệp vụ logistics cho sinh viên. Để cho các bạn trẻ môi trường học trên thực tế, chứ không học chỉ trên sách vở trong lớp học. Ngoài giờ học tại công ty, các bạn sinh viên sẽ theo các anh chị nhân viên đến cảng, sân bay, kho hàng… để tự tay làm công việc như một nhân viên chính thức. Điều này sẽ giúp cho các bạn dễ dàng có một công việc tốt vì đã có kinh nghiệm làm việc thực tế.
____
Đây là một chương trình rất hay, vì đã có nhiều nơi đào tạo ngành này nhưng vẫn còn thiên về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng vào thực tiễn. Vì sao không nhiều doanh nghiệp làm chương trình này?
Đúng vậy, chương trình đào tạo này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho đào tạo. Một nhân viên làm việc trong mảng xuất nhập khẩu – logistics có rất nhiều công việc khác nhau phải làm, từ việc tìm kiếm khách hàng trong ngoài nước, xem xét hợp đồng và thực hiện vô số các công việc có liên quan đến vận chuyển quốc tế như: Chuẩn bị bộ chứng từ khai báo hải quan, đăng ký chất lượng, kiểm định, chuẩn bị bộ hồ sơ lệnh giao hàng, bill tàu, mở tài khoản thanh toán, theo dõi tiến trình công việc với kho hàng, tiến độ làm hàng, giám sát đóng container, cùng rất nhiều công việc khác có liên quan… Để làm tốt công việc, nhân viên cần phải nắm vững kiến thức nền tảng, kỹ năng làm việc và đồng thời phải có kinh nghiệm thực tế về các thủ tục vận chuyển hàng hóa, cách làm chứng từ xuất nhập khẩu… Vì những yêu cầu như vậy nên một sinh viên mới tốt nghiệp nếu không trải qua một khóa đào tạo nghiệp vụ thực tế thì khó lòng làm tốt công việc của mình. Hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp mở ra chương trình đào tạo vì họ ngại có thể bị “mất mối” làm ăn. Bởi vì khi đào tạo, các bạn sẽ làm tất cả tờ khai, hiểu rõ thông tin khách hàng. Chỉ có những doanh nghiệp vững vàng và tự tin về thương hiệu mới làm các chương trình thế này.
Năm 2021 sẽ là năm sôi động của ngành vận tải và logistics. Sau một năm tạm đóng băng vì Covid, thì nhiều công ty trên thế giới sẽ tìm địa chỉ mới để hoạt động sản xuất kinh doanh thay thế cho cơ sở tại Trung Quốc, trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầu. Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành này phát triển, nhiều Hiệp định thương mại được ký kết, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện… mặt khác, Việt Nam còn hội tụ nhiều lợi thế khác để trở thành một “Air logistics hub” của khu vực, nên nhu cầu về lao động trong ngành này rất lớn. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì nhân lực sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
____
So với Ngôi Sao Mỹ thì An Chơn là một hướng đi rất khác. Cơ sở kinh doanh này ra đời thế nào?
An Chơn ra đời vì tôi muốn mọi người quan tâm hơn đến đời sống tâm trí của mình. Ở thời đại mà mọi người cứ mãi chạy theo sự phát triển không ngừng của công nghệ, của đời sống công nghiệp, thì tình trạng stress, căng thẳng và trầm cảm ngày càng nhiều trong xã hội, nhất là phụ nữ. Nếu tôi khuyên ai đó hãy thiền đi, họ sẽ cảm thấy khó khăn vì nghĩ rằng thiền là cái gì đó cao siêu, khó lòng với tới. Nhưng nếu khuyên họ ngửi một chút tinh dầu, đốt chút hương trầm hay nghe nhạc thiền, thì sẽ giúp họ cải thiện các vấn đề tâm lý dễ dàng hơn.
Vì tôi mong muốn chia sẻ nguồn năng lượng tích cực của mình đến mọi người, để giúp người khác hiểu được giá trị của bản thân, mở rộng kết nối ngày càng phát triển kinh doanh và sự nghiệp.
____
Và chị cũng tham gia rất nhiều các hoạt động cộng đồng hướng tới phụ nữ, trẻ em, sinh viên…
Vì tôi mong muốn chia sẻ nguồn năng lượng tích cực của mình đến mọi người, để giúp người khác hiểu được giá trị của bản thân, mở rộng kết nối ngày càng phát triển kinh doanh và sự nghiệp. Hơn nữa, sự kết nối và chia sẻ sẽ giúp cho mọi người phát huy thế mạnh của họ, góp phần to lớn trong việc thực hiện những dự án cộng đồng hiệu quả.
Tôi cũng là người đã từng bị trầm cảm nên rất thương những người bị trầm cảm hoặc chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, nhất là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, tôi mở ra cửa hàng An Chơn chuyên cung cấp các sản phẩm thuần tự nhiên giúp cho khách hàng không chỉ có được sự khỏe mạnh, mà còn giúp cho mọi người.
Mặt dù việc kinh doanh khá thuận lợi, nhưng mục tiêu cuộc đời tôi không phải kiếm nhiều tiền mà tôi muốn làm nhiều hơn cho trẻ em. Trong tương lai gần, tôi sẽ chuyển giao lại việc kinh doanh của mình cho lớp trẻ, những người giỏi và năng động hơn. Tôi sẽ về Buôn Mê Thuột để xây dựng một ngôi nhà thiền, nơi điều trị tâm lý dành cho trẻ em. Đó mới là mục tiêu lớn của đời tôi.
____
Cảm ơn chị về những chia sẻ trên.