Nhiều doanh nghiệp nhỏ trong khu vực Đông Nam Á có lẽ chỉ muốn tập trung vào thị trường địa phương, nhưng công ty khởi nghiệp 1Export của Philippines muốn cùng họ phát triển ra thị trường toàn cầu. Ý tưởng này đến với nhà sáng lập Mel Nava khi cô làm việc ở vị trí chuyên gia về xuất khẩu cho một công ty hàng tiêu dùng nhanh.
“Các chủ doanh nghiệp nhỏ quan tâm đến việc xuất khẩu và thấy được tiềm năng của thị trường quốc tế nhưng họ chọn cách không vươn ra khỏi thị trường nội địa vì thiếu kiến thức và e ngại sự rắc rối, phức tạp của quy trình xuất khẩu. Họ muốn tập trung phát triển thị trường hiện tại hơn là phải tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng cho việc xuất khẩu sang thị trường khác”, nhà sáng lập của 1Export nói.
Cùng với người đồng sáng lập Clive Lim, Nava muốn sát cánh cùng các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực Đông Nam Á để giúp họ khai thác cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
“Chúng tôi muốn giảm bớt những rào cản trong việc xuất khẩu hàng hóa bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xử lý tài liệu, định giá, làm nhãn sản phẩm và thuận lợi hóa giao dịch thương mại. Các chủ doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian, tiền bạc để tập trung vào khâu sản xuất và tiếp thị”.
Mục tiêu lâu dài của họ là tạo ra một nền tảng tự động hóa nhiều khâu phức tạp liên quan đến việc xuất khẩu một sản phẩm. Theo Nava, một hành trình lý tưởng cho người dùng là các doanh nhân có thể đăng nhập vào nền tảng, tạo đơn đặt hàng để xử lý các yêu cầu cụ thể trong quy trình xuất khẩu và sẽ được cập nhật thông tin cho từng yêu cầu.
Hiện tại, 1Export (www.1export.net) đang hoạt động theo mô hình trợ giúp, làm dịch vụ thủ công cho từng khách hàng cần hỗ trợ khi muốn xuất khẩu sản phẩm. Dịch vụ của họ bao gồm khâu đánh giá, chuẩn bị hồ sơ, xử lý hồ sơ và phản hồi của khách hàng.
Hầu hết các khách hàng đến với 1Export là qua kênh hội chợ thương mại hoặc do truyền miệng. Cho dù còn đang thực hiện các dịch vụ bằng phương pháp thủ công, 1Export vẫn có thể mang lại giá trị cho khách hàng. “Chẳng hạn, một công ty đã xuất khẩu số lượng nhỏ sản phẩm đến thị trường Mỹ và nhận được phản hồi rằng sản phẩm của họ quá đắt. Nhưng sau khi doanh nghiệp này tiếp cận và sử dụng dịch vụ định giá của 1Export, chúng tôi tìm thấy rằng sản phẩm của họ được định giá ngang bằng với sản phẩm của các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ. Từ đó, doanh nghiệp có thể thương lượng với bên mua, chứ không giống như trước kia, họ sẽ không biết cần phải làm gì khi khách hàng nói rằng sản phẩm của họ quá đắt”, Nava nói.
Chuyển dịch sang một nền tảng tự động sẽ là thách thức lớn nhất mà 1Export phải đối mặt. Mọi thứ liên quan đến xuất khẩu đều cần phải “tự thân vận động”. Doanh nghiệp phải tìm kiếm đối tác đáng tin cậy tại các hội chợ thương mại và muốn vậy thì họ cần phải di chuyển, đến tận nơi để tạo quan hệ. Họ cần nhân sự để chuẩn bị, tập hợp, hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu. Để số hóa quy trình này, cần phải tập trung vào những gì người dùng thật sự cần và làm cho quá trình vận hành đạt hiệu quả tối ưu.
Và để có thể phục vụ tốt cho các khách hàng là nhà xuất khẩu, 1Export cũng phải cố gắng tìm hiểu hành vi của bên mua hàng. Mel Nava cho biết hiện tại họ đang tìm hiểu cách thức để có thể làm cho bên mua quyết định nhanh hơn khi chọn nhà sản xuất. Họ cũng hy vọng sẽ tích hợp được yếu tố này vào nền tảng của công ty vì dịch vụ của họ sẽ có giá trị hơn nếu bên mua sẵn sàng nhập khẩu hàng hóa của bên bán hàng.
Từ những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng 1Export, Nava cũng có lời khuyên chia sẻ với các doanh nhân khởi nghiệp của Đông Nam Á, những người muốn xuất khẩu hàng hóa ra thị trường toàn cầu. “Trong những năm qua, thương mại quốc tế đã trở nên chặt chẽ hơn trong các quy định và xem xét kỹ mọi thứ từ nguyên liệu, bao bì được sử dụng cho đến thông tin trên nhãn hàng. Những quy định này khác nhau tùy theo quốc gia và châu lục. Vì vậy, việc tuân thủ theo đúng quy định là chìa khóa cho thành công trong thương mại quốc tế”, cô nói.
“Cho dù giá cả vẫn là yếu tố quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ những quy định của nước sở tại sẽ tiến nhanh hơn vì họ có thể xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi và bán hàng đến nhiều kênh hơn”.
– Theo INC