Hai chị bạn ngồi cà phê hàn huyên sau bao năm xa cách, chị A từ nước ngoài về, còn chị B ở trong nước.
Trong câu chuyện, B cho rằng A thật sướng khi ở nước ngoài. Không nói về kẹt xe, ô nhiễm, đường phố bụi bặm…, riêng việc được hưởng khí hậu bốn mùa đầy đủ trong năm là thích rồi.
Phụ nữ da dẻ ai cũng đẹp, nhìn toát lên vẻ nhẹ nhàng, thơ thới, không lam lũ như dân xứ nhiệt đới. Chưa tính đến các tiêu chí quan trọng hàng đầu là thực phẩm sạch. Rau trái bốn mùa, không phân bón, hóa chất. Con cái có được nền giáo dục tiên tiến.
Chờ cho B nói hết những bức xúc của “người trong nước”, A mới kể chuyện xứ người mà theo cô, giờ đây nhiều cha mẹ người Việt gặp phải khi hai nền văn hóa Đông – Tây đụng nhau trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ không những không can dự vào quyền riêng tư của con cái mà tiếng nói chung giữa hai thế hệ càng hiếm! Cô ví dụ, con gái cô ngay khi vừa đúng 18 tuổi, đã có những hành động mà cha mẹ không có quyền can thiệp như: chọn trường đại học, bỏ ra ngoài ở với bạn, tập uống rượu, hút thuốc…
Ban đầu vợ chồng chị sốc lắm, cha con cãi nhau liên tục, thậm chí đến bây giờ cô tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm rồi mà mỗi lần về nhà, đối mặt cha, chỉ nói vài câu thôi đã thành tranh luận căng thẳng!
- Xem thêm: Sống nhẹ nhàng
Ở Việt Nam dù sao cha mẹ – con cái vẫn còn thân thiện kiểu tâm sự bạn bè, chứ bên Mỹ thì hầu như không. Ở trong nước, vợ chồng con cái có cơ hội ngồi cà phê, ăn uống chung, anh em họ hàng thỉnh thoảng có dịp ngồi lại, gắn kết tình thân bà con.
Với bọn trẻ bên Mỹ, anh chị em họ có gặp nhau cũng nhợt nhạt lắm. Ngồi ngay bên cạnh mà chúng không nói chuyện, đứa nào cũng dí mắt vào điện thoại “quẹt quẹt”. Từ trên lầu chat xuống dưới lầu, chơi game qua mạng, ngoài vườn chat vô trong nhà, chẳng buồn tìm nhau đối mặt.
Nghe xong B cười ngất, ở trong nước bây giờ có khác gì, đối thoại trong gia đình ngày càng ít, không phải vì mọi người quá bận mà giờ đây mỗi người đều có một thế giới khác biệt của riêng mình.
Trẻ con, người lớn gì cũng “quẹt quẹt” suốt ngày, mọi lúc, mọi nơi. Bốn người trong gia đình bước vào quán, vừa ngồi xuống gọi món xong là mỗi người lấy điện thoại trong túi ra mà “quẹt” rồi cười với cái điện thoại, chẳng ai nói với ai lời nào. Ở nhà cũng vậy, mỗi người cố thủ một không gian, thậm chí giao ước không ai xâm phạm không gian riêng của ai.
Bây giờ lại thêm không gian ảo, cha mẹ con cái đều có nick riêng, bạn riêng, có trời mà biết những gì khuất tất, đáng nghi ngờ trên mạng ảo ấy? Vợ chồng đồng sàng dị mộng, bởi anh còn tơ tưởng đến cô kia, bởi vợ còn bâng khuâng với lời tán tỉnh của một ai đó chưa biết mặt bao giờ. Một cái “like”, một câu bình luận cũng khiến mất ăn, mất ngủ!
- Xem thêm: Để hiểu con hơn…
Cô A phản biện, bên Mỹ cũng thế thôi, không gian ảo phát sinh “tình ảo”, có nơi giãi bày, tâm sự những chuyện không muốn nói với người cùng nhà. Biết bao cảnh tình tan bởi sự tiếp tay của mạng ảo và cuối cùng trắng tay!
Theo cô, ở Việt Nam, cha mẹ – con cái còn có điều kiện gần gũi, hỏi han, bảo ban nhau cho đến khi con cái có gia đình riêng. Văn hóa phương Đông xem tình cảm ruột rà là quý báu, không như phương Tây, không phải không quý báu nhưng can dự đời nhau là không được phép.
Người phương Đông quan trọng cái nhà, nề nếp gia phong, nên họ cảm thấy gánh nặng cuộc sống, lo cho con thành người rồi còn lo tài sản để lại cho con, lại lo không biết con mình có sử dụng đúng mục đích hay không. Trong khi đó, với người Mỹ, họ không quan tâm đến việc để lại tài sản cho con.
Ngay cả cái nhà họ cũng không xem là gánh nặng. Nếu họ có một cái nhà, khi về hưu họ có thể vay mượn ngân hàng để chi dụng cá nhân cho đến khi họ chết thì cái nhà thuộc về ngân hàng. Thật là nhẹ nhõm!
Cô B nghe nói mà thèm cái sự nhẹ nhàng cuối đời ấy, nhưng làm sao thay đổi quan niệm đã đè nặng ngàn đời. Sống nhẹ nhàng đâu phải muốn là được, nhất là giờ đây, thực phẩm bẩn, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Động viên rằng bình tĩnh sống nhưng bình tĩnh cách nào mới là chuyện khó.