Bạn bước vào một cửa hàng quần áo. Một chiếc áo ngay lập tức thu hút ánh nhìn của bạn và chẳng cần so sánh chất lượng với những chiếc áo bên cạnh, bạn muốn có nó ngay.
Chúng ta thường không tỉnh táo và hợp lý lắm với những quyết định liên quan đến tiền. Khi có một cảm xúc nào đó trỗi lên, ta có thể lập tức muốn mua một món đồ hay thực hiện một quyết định tài chính nào đó mà không cần cân nhắc. Hãy cùng “đi qua” những cảm xúc có thể dẫn chúng ta đến các quyết định tài chính sai lầm.
Buồn, chán thì dễ “vung tay” hơn
Các nhà bán lẻ chắc hẳn rất thích khách hàng mỗi khi họ buồn hay chán nản. Mua sắm có thể làm mọi người thấy vui hơn, dễ chịu hơn và xua tan nỗi buồn dù chỉ là tạm thời.
- Xem thêm: Sành điệu thật không?
Theo nhà nghiên cứu Jennifer Lerner và các đồng nghiệp của bà ở Đại học Harvard, nỗi buồn làm ta mất kiên nhẫn và làm tăng số tiền mà chúng ta sẵn lòng tiêu pha. Khi buồn, chúng ta có nhiều khả năng từ bỏ một lợi ích lớn hơn trong tương lai để có ngay cái lợi nhỏ hơn.
Vì thế, mỗi khi buồn, bạn nên dành thời gian tập thể dục, đi dạo hoặc trò chuyện với một người bạn thân nhé.
Giận thì liều hơn
Người đang giận có xu hướng liều lĩnh hơn và từ chối thú nhận rằng họ đang phạm sai lầm. Chẳng hạn, các nhà đầu tư cần mạo hiểm để làm cho đồng tiền của họ tăng trưởng, cần gan lì để bám theo mục tiêu đầu tư. Nhưng, rắc rối sẽ đến khi họ từ chối bán một cổ phiếu đang rớt giá hoặc “chơi một canh bạc” khi chỉ mua vào toàn những cổ phiếu có tính đầu cơ cao.
Chính vì vậy, có những lúc chúng ta cần có một bên thứ ba (chẳng hạn một chuyên gia về kế hoạch tài chính) vì họ sẽ giữ vai trò khách quan, “tách” chúng ta khỏi cơn giận để có thể lựa chọn hợp lý hơn.
Khi sợ hãi
Nỗi sợ đóng một vai trò lớn trong đời sống tài chính của chúng ta. Với chuyện tiền nong thì sợ hãi có ảnh hưởng trái ngược với giận dữ, nỗi sợ sẽ “cường điệu” các nguy cơ rủi ro. Sợ hãi cũng làm ta tự chỉ trích bản thân khi chuyện đã rồi, làm ta từ bỏ một kế hoạch hành động dù nó chỉ hơi chệch hướng. Thí dụ, bạn có thể loại bỏ một cổ phiếu khi thị trường chạm đáy (và sẽ bỏ lỡ cơ hội khi thị trường bật tăng trở lại ngay sau đó).
Và rộng rãi hơn khi cảm thấy có lỗi
Cảm giác tội lỗi xảy ra khi ta cảm thấy mình đang vi phạm những tiêu chuẩn do chính mình đặt ra. Nếu như gia đình có ý nghĩa quan trọng với bạn nhưng bạn lại dành quá nhiều thời gian cho công việc thì bạn sẽ cảm thấy có lỗi và muốn cố gắng bù đắp bằng những món quà hay bữa ăn tối đắt tiền. Trong trường hợp này, các chuyên gia khuyên bạn nên xác lập rõ ràng ngân quỹ dành cho những khoản quà tặng.
- Xem thêm: Tính hoang phí là do nghèo hay giàu?
Shannon Ryan, chuyên gia về kế hoạch tài chính cá nhân khuyên chúng ta nên tự đặt ra cho bản thân câu hỏi sau đây để giúp ta giữ được sự kiểm soát đối với các quyết định tài chính. “Chuyện này sẽ giúp mình tiến gần hơn đến các mục tiêu hay thực ra mình chỉ đang thỏa mãn một cảm xúc nào đó?”. Dĩ nhiên, câu hỏi này chỉ hiệu nghiệm một khi bạn chịu “trả lời một cách trung thực với chính mình”. Và nên nhớ rằng cảm xúc của bạn không phải là “kẻ thù của bạn”.