Người xưa thường nói “phi thương bất phú” với ý nghĩa cổ vũ con cháu đi làm ăn để làm giàu. Doanh nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội vì họ là người đem “cung” đến gặp “cầu”. Họ là người trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra tài sản cho xã hội.
Xã hội giàu là nhờ khát vọng tự doanh cao, một môi trường kinh doanh lành mạnh, một “hệ sinh thái” có thể phát hiện các ý tưởng sáng tạo và nuôi dưỡng nó đến thành công. Và cộng thêm điều kiện “đủ” là một môi trường văn hóa có độ tương tín cao giữa con người với con người.
Giữa thập niên 1990, Ngân hàng Thế giới đã gửi một đoàn chuyên viên kinh tế cao cấp đến Việt Nam để đánh giá tinh thần khởi nghiệp tự doanh của người Việt, từ đó có thể thiết lập những chính sách hỗ trợ phù hợp cho sự xuất hiện một thành phần kinh tế tư nhân.
Sau một năm nghiên cứu, phỏng vấn trên 100 doanh nghiệp tư nhân thành lập vào thời điểm Luật doanh nghiệp ra đời năm 1991, đoàn chuyên viên nhận xét con người Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp ở mức cao nhất mà họ đã từng thấy tại những nước đang phát triển, cụ thể là tương đương với Hongkong trong hai thập niên 1950 và 1960.
Trong phần kết luận, Giáo sư – tiến sĩ James Riedel của Đại học Johns Hopkins – thành viên của đoàn nghiên cứu – khẳng định: “Đây là một xã hội đầy sức sống, nơi đâu cũng thấy có người mua kẻ bán, không có một tấc đất để trống”; “Thanh niên ai cũng khát thông tin, hừng hực khí thế muốn tìm cơ hội làm ăn”; “Là một môi trường lý tưởng để thành phần kinh tế tư nhân có thể phát triển tốt, với điều kiện doanh nhân Việt Nam được chơi trên một sân chơi phẳng”.
Và thực tế cho thấy trong 20 năm qua, doanh nhân Việt đã trưởng thành trong một môi trường kinh doanh mà cho đến hôm nay vẫn còn nhiều thách thức không đáng có.
Môi trường kinh doanh
Trong báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp hạng 68 trên 190 quốc gia được khảo sát về môi trường kinh doanh, trong đó có các hạng mục cụ thể về những khó khăn doanh nghiệp trong nước gặp phải như: quá trình khởi nghiệp (hạng 123/190), thuế (86/190), luật lệ phá sản/giải thể công ty (129/190); một điểm sáng là doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng tương đối tốt hơn (29/190). Đặc biệt, tham nhũng vẫn còn là một vấn đề nan giải làm giảm tính cạnh tranh, ngăn cản sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung.
Tổ chức Transparency International đầu năm 2017 đã xếp hạng Việt Nam 113 trên 172 quốc gia được khảo sát về môi trường kinh doanh – một phần không thể thiếu của “hệ sinh thái” để cá nhân có thể khởi nghiệp và phát triển thành công.
Hệ sinh thái là gì?
Hệ sinh thái quyết định mức độ thành công tuyệt đối của một ý tưởng khởi nghiệp. Hệ sinh thái là môi trường (cái “duyên”) để ý tưởng (cái “nhân”) có thể đơm “quả” tốt.
Điều gì khiến những ý tưởng khởi nghiệp có thể thành công rực rỡ ở Mỹ, từ những người tuổi đời còn non trẻ mà không ở chỗ khác?
Một Bill Gates 19 tuổi nếu không có một IBM để làm bước đệm thì cũng không có Microsoft.
Một anh hippy 19 tuổi (Steve Jobs) giã từ môn Đông phương học sau năm thứ nhất, cùng với một người bạn đồng trang lứa bỏ học ở ĐH Berkeley (Steve Wozniac) thành lập Apple với giấc mộng lớn là thay đổi thế giới, sao cho mỗi nhà đều có được một máy tính, vậy mà đi nói chuyện vẫn có người chịu nghe.
Ý tưởng chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội – một ý tưởng hoàn toàn đi ngược lại văn hóa truyền thống của người Mỹ là tôn trọng sự riêng tư – vậy mà cũng tìm được người đầu tư để làm nên Facebook.
Hai sinh viên đang học ở Stanford nảy ra ý tưởng thiết kế một hệ thống tìm kiếm thông tin mà ngay cả vị giáo sư đỡ đầu cũng thừa nhận là chưa được thuyết phục, vậy mà ông vẫn đến gặp người bạn ở câu lạc bộ đầu tư nổi tiếng tại Palo Alto để tìm nhà đầu tư giới thiệu cho sinh viên của mình làm nên Google.
Phần còn lại là lịch sử. Một trang sử thay đổi cả tương lai của thế giới, từ văn hóa, xã hội đến kinh tế, chính trị, từ những con người đang trong độ tuổi “teen”! Tất cả những người khởi nghiệp trên đây đã mạnh dạn chia sẻ ý tưởng của họ với đối tác để cùng nhau phát triển đến lúc thành công, đem lợi ích đến tận hang cùng ngõ hẻm trên thế giới. Họ làm được điều này vì có niềm tin rằng mình được bảo vệ bởi một nền pháp lý minh bạch, công bằng.
Hệ sinh thái gồm cả những điều kiện hữu hình như hệ thống pháp lý, các tổ chức tín dụng chuyên cho khởi nghiệp, một nền tảng lót đường (Gates/IBM…), và cả những điều kiện vô hình như một xã hội biết “nhìn” được giá trị thật, không có định kiến (với người vô danh tiểu tốt), một nền giáo dục tôn trọng giá trị sáng tạo và sự khác biệt, dạy cho con người mạnh dạn suy nghĩ độc lập để có thể tự chủ được cuộc sống của mình, một “vốn xã hội” trong đó con người mạnh dạn tự tin vào chính mình, nhưng không bao giờ nghĩ có thể làm chuyện lớn một mình mà cần phải có đối tác và có lòng tin vào đối tác.
Khởi nghiệp
Khởi nghiệp không nhất thiết là phải phát minh được cái gì chưa ai làm, mà có thể chỉ là sáng tạo ra một cách làm mới với những cái gì sẵn có để đem những lợi ích lớn hơn cho mọi người. Đó là bài học của Nhật, bài học của Hàn Quốc và ngay cả những cường quốc kinh tế châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Anh.
Họ tìm cách ứng dụng những phát minh khoa học, những ý tưởng của người khác, phần lớn là những công nghệ của Mỹ, để đem lại những lợi ích mới cho mình, nghĩa là làm những việc đang làm với một cách khác để tạo ra giá trị mới.
Vì vậy, trong khởi nghiệp quan trọng hơn cả là tư duy sáng tạo, cách nhìn mọi việc chung quanh và đặt câu hỏi có cách gì làm tốt hơn hay không, phù hợp với môi trường hoàn cảnh thực tế trước mắt để mọi người cùng có thể cải thiện môi trường sống ngày càng tốt hơn.
Nhưng “làm ăn” không phải ai cũng làm được. Ngoài ý tưởng sáng tạo đặc sắc, sự thành công trong kinh doanh đòi hỏi một nghị lực lớn, khả năng chấp nhận nhiều thử thách và rủi ro đa dạng không dễ vượt qua.
Người ta thường nhìn vào những trường hợp cá biệt của những người lập nghiệp từ lúc 19-20 trở thành những người tỉ phú giàu có nhất thế giới để làm thước đo. Nhưng bên cạnh đó có nhiều nghiên cứu cho thấy ngay cả ở Mỹ – nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp được cho là thuận lợi nhất thế giới – tỷ lệ các công ty “startup” nhận được nguồn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm là… dưới 1%.
Thành công trong kinh doanh còn phải dựa trên kinh nghiệm sống, trải nghiệm trong thương trường. Một nghiên cứu ở Mỹ mới đây cho thấy tuổi lý tưởng để khởi nghiệp là khoảng từ 37-45 tuổi. Và độ tuổi trung bình của những người khởi nghiệp có thể gầy vốn thành công là 47, độ tuổi chín muồi khi họ đã có đủ vốn trải nghiệm, vốn tài chính. Và quan trọng hơn nữa là vốn xã hội cùng uy tín cá nhân để có thể kêu gọi vốn tiền. (Azoulay, Jones, Kim, Miranda – NBER Entrepreneur Workshop, 17-7-2017).
Hữu xạ tự nhiên hương. Ở đâu cũng vậy, khi một người kiên trì tạo nên giá trị cho xã hội thì xã hội sẽ nhớ ơn và đền đáp. Có thể Việt Nam sẽ không bao giờ có được những điều kiện như ở Mỹ, nhưng nếu đa số thanh niên Việt Nam đều biết tự đặt vấn đề cho chính mình để có thể làm gì từ những chuyện nhỏ nhất đến những chuyện lớn hơn trong cuộc sống hằng ngày được tốt hơn, thì đó mới chính là cái mục tiêu của xã hội, là mục tiêu của giáo dục từ nhà trường đến gia đình đến xã hội. Để có được những con người thật sự có bản lĩnh có thể khởi nghiệp đem lại lợi ích cho xã hội thì một nền giáo dục phù hợp phải là điều kiện ắt có, đầu tư vào con người “từ thuở lên ba”.
Trong môi trường khởi nghiệp, Nhà nước có một vai trò quan trọng là cải thiện môi trường kinh doanh để ngày càng minh bạch, tạo được niềm tin để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào tương lai. Phần còn lại, bàn tay vô hình của thị trường sẽ tự điều tiết để cung ứng những điều kiện doanh nghiệp cần một cách tự nhiên và hiệu quả.
Hơn nữa, ngày nay cơ hội phát triển ý tưởng kinh doanh – đặc biệt trong mạng công nghệ thông tin – là không còn biên giới. Một phần mềm, một ứng dụng xuất sắc của người Việt trong nước cũng có thể được biết đến, được đầu tư và phát triển toàn cầu bởi những đối tác từ Boston hay Silicon Valley.
Nhưng một xã hội muốn có những con người xuất sắc, khởi nghiệp xuất sắc cũng phải bắt đầu từ những chuyện cơ bản: một nền giáo dục nhân bản, khuyến khích tư duy sáng tạo, phản biện; một thể chế phù hợp cho một xã hội công bằng, pháp trị, là cái duyên cần để những cái “nhân” ý tưởng khởi nghiệp được hái “quả” tốt.
8-1-2018