Theo ông Trung, Chính phủ dự kiến sẽ bán các mảng kinh doanh không trọng yếu của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian đến năm 2015, đồng thời sẽ chỉ giữ lại cổ phần 50 – 75% trong hầu hết các doanh nghiệp này. Đây được xem là tín hiệu đầu tiên về một mục tiêu giữa năm cho kế hoạch tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước, đánh dấu nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay của Chính phủ nhằm thanh lọc các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang chuẩn bị để bán cổ phần lần đầu vào tháng 7-2013
Trong khi đó, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là việc quan trọng nhất cần làm ngay để thúc đẩy nền kinh tế, điều này sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho khu vực tư nhân và các khu vực khác có mức độ hiệu quả cao hơn.
Khu vực kinh tế nhà nước hiện chiếm 60% vốn tín dụng và quá nửa số nợ xấu của các ngân hàng, gây cản trở tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, sau khi tái cơ cấu, Chính phủ sẽ duy trì mức nắm giữ 100% ở rất ít doanh nghiệp nhà nước. Đó sẽ là những doanh nghiệp trong một vài lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không thể tham gia, chẳng hạn dịch vụ công cộng, an ninh và quốc phòng, và một số rất ít doanh nghiệp ở những lĩnh vực chủ chốt tạo nên nền móng cho nền kinh tế.
Gia Minh tổng hợp