Ngày 19-9, nhà lãnh đạo Scotland Alex Salmond tuyên bố sẽ từ chức Thủ hiến Scotland cũng như vị trí lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland (SNP) sau khi cử tri đã chính thức nói “không” với việc tách khỏi nước Anh.
AFP đưa tin ông Salmond hy vọng rằng 1,6 cử tri bầu chọn cho nền độc lập của Scotland sẽ tiếp tục tăng áp lực lên chính phủ Anh để đưa ra những quyền hạn mới theo cam kết nếu Scotland không rời khỏi Anh.
“Chúng ta đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý nhưng Scotland vẫn có thể tiếp tục thực hiện các sáng kiến chính trị. Scotland vẫn có thể khẳng định mình như một người chiến thắng thực sự”, lãnh đạo đảng SNP chia sẻ.
Theo đó, ông Salmond, người đã lãnh đạo SNP trong gần 20 năm qua và dành cả đời hoạt động chính trị để đấu tranh cho độc lập tại Scotland, cho biết sẽ không tái tranh cử vị trí lãnh đạo đảng SNP vào tháng 11 này.
Ngoài ra, khi người lãnh đạo mới được chọn ra, ông Salmond cho biết sẽ từ chức Thủ hiến Scotland.
Theo AFP, ông Salmond nhậm chức lãnh đạo SNP vào năm 1990 và tại vị trong 10 năm, trước khi rời vị trí sau thất bại đầu tiên của đảng trong cuộc bầu cử đầu tiên ở quốc hội Scotland.
Ông Salmond trở lại bốn năm sau đó và tiếp tục lãnh đạo SNP thêm một thập niên nữa.
Scotland đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày 18-9 về việc có nên độc lập, tách khỏi Vương quốc Anh hay không. Đây là cuộc trưng cầu dân ý quan trọng nhất trong lịch sử Scotland hiện đại.
Cả châu Âu và Mỹ đều thở phào nhẹ nhõm sau khi cuộc trưng cầu dân ý có kết quả với đa số phiếu nói “Không”.
Nếu người Scotland bỏ phiếu ủng hộ độc lập thì đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm không chỉ với các vùng khác của Anh mà còn với nhiều nước trên thế giới vì điều này sẽ kích động mong muốn tự trị ở nhiều nơi.
Ngược lại, nếu người Scotland không muốn tách, thì việc chính quyền Anh cam kết sẽ chuyển giao thêm quyền lực cho Edinburgh sẽ khiến xứ Wales và Bắc Ireland đòi hỏi sự nhượng bộ tương tự.
Thêm vào đó, việc Scotland độc lập sẽ khiến sức mạnh quốc phòng của Anh suy giảm nghiêm trọng.
T.K