Ngoài các ngân hàng quyết tâm niêm yết trên HoSE năm 2019, một số ngân hàng hiện đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM cũng có kế hoạch chuyển sang HoSE trong năm nay.
“Thúc” ngân hàng lên sàn
Cuối tháng 2-2019, đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng phê duyệt với việc đề ra một loạt các giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, bắt buộc các ngân hàng thương mại lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường.
Cụ thể, đề án yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng TMCP theo hướng: đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại sẽ niêm yết, đăng ký giao dịch trên ba sàn HoSE, HNX và UPCoM.
Trên thực tế, yêu cầu “lên sàn” đối với các cổ phiếu ngân hàng đã được đề ra trước đó tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8-2018. Theo chiến lược này, một trong các mục tiêu của ngành ngân hàng đến năm 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nghĩa là niêm yết trên HoSE hoặc HNX mà không còn được đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 17 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết/đăng ký giao dịch trên cả ba sàn. Con số trên chỉ tương đương hơn một nửa số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần (31 ngân hàng).
“Lỡ hẹn” lên sàn trong năm 2018
Năm 2018 có tới hàng chục ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thế nhưng hết năm mới chỉ có ba ngân hàng thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.
Với giá chào sàn 128.000 đồng/cổ phiếu, Techcombank tạo nên hiện tượng với giá cao nhất trên sàn trong nhóm các cổ phiếu ngân hàng thời điểm bấy giờ, và sau đó chia tách theo tỷ lệ 1:2 để tăng vốn, hiện giao dịch quanh 27.500 đồng/cổ phiếu.
HDBank chào sàn với giá 33.000 đồng/cổ phiếu, hiện giao dịch quanh vùng 30.000 đồng/cổ phiếu còn TPBank chào sàn 32.000 đồng, hiện giao dịch quanh 21.000 đồng/cổ phiếu.
Trong số ba cổ phiếu mới lên sàn năm 2018 nêu trên, chỉ có HDB đạt mức tăng trưởng dương trong năm (đã tính tới các yếu tố điều chỉnh). Không chỉ lên sàn thành công, đây cũng là ba ngân hàng có kết quả kinh doanh nằm trong nhóm ấn tượng nhất năm qua, trong đó Techcombank vươn lên vị trí thứ 2 trong hệ thống chỉ sau Vietcombank với lợi nhuận 10.700 tỉ đồng, TPBank lợi nhuận tăng gần gấp đôi năm 2017 còn HDBank đạt kỷ lục hơn 4.000 tỉ đồng.
Với các ngân hàng còn lại, sau khi lỡ hẹn lên sàn năm 2018, sang đầu năm nay một số ngân hàng đã và đang rục rịch chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết. Nam A Bank chắc chắn sẽ niêm yết cổ phiếu trên HoSE năm nay. Sau đại hội cổ đông 2019, Nam A Bank sẽ mời đối tác tham gia để tăng vốn, trong đó chủ yếu là đối tác nước ngoài.
Còn OCB năm ngoái đã chuẩn bị đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE, tưởng chừng sẽ hoàn tất nhưng cuối cùng đến hết năm vẫn chưa thực hiện được. Năm 2019, lãnh đạo OCB cho thấy quyết tâm rất lớn sẽ niêm yết trong năm nay.
Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) là trường hợp hiếm hoi khi đa số các cổ đông của nhà băng này những năm vừa qua chưa “mặn mà” với việc lên sàn sớm. Đến tận đại hội cổ đông 2018, MSB mới bàn sâu hơn về việc lên sàn song cũng chưa vội vàng khi quyết định chờ đến quý I-2019. Với nền tảng đã tạo được trong năm qua, điển hình là lợi nhuận vượt 1.000 tỉ đồng – gấp hơn năm lần so với kế hoạch và xử lý được các vấn đề tồn đọng cũ nhất là nợ xấu, nhiều khả năng MSB sẽ sớm hiện thực hóa kế hoạch lên sàn.
Ngoài các ngân hàng quyết tâm niêm yết trên HoSE năm nay, một số ngân hàng hiện đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM cũng có kế hoạch chuyển sang HoSE năm nay. Ngân hàng TMCP Quốc tế chào sàn UPCoM đầu năm 2017 và trong đại hội cổ đông năm 2018 đã thông qua kế hoạch chuyển sang giao dịch ở HoSE vào thời điểm phù hợp.
LienVietPostBank cũng dự kiến sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019 vào cuối tháng 3; trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội LienVietPostBank thông báo sẽ chuyển niêm yết sang HoSE trong năm nay cùng với kế hoạch tăng vốn và bứt phá trong hoạt động sau năm 2018 kinh doanh không mấy thuận lợi.
Trong vài năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất và dẫn dắt thị trường. Các ngân hàng đã niêm yết hầu hết kinh doanh thuận lợi và có triển vọng tươi sáng, do vậy việc niêm yết hay chuyển sang sàn giao dịch HoSE tới đây được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cao hơn cho các cổ đông của họ cũng như những nhà đầu tư mới.