Mặc tạp dề, đeo kính bảo hộ để chống ánh lửa chói chang từ mấy cái bếp đang rừng rực cháy, bà Jay Fai cúi xuống hai chiếc chảo chiên đang sôi sùng sục để làm món ăn, trong khi đó du khách bốn phương nhẫn nại xếp thành hàng dài trước quán ăn khiêm tốn của bà trên một đường phố ở Bangkok. Nhiều người đã phải chờ đến ba giờ đồng hồ mới đến lượt mình được ngồi vào bàn ăn. Kể từ khi quán ăn mang tên chủ nhân được phong sao Michelin, ngày càng có nhiều khách nước ngoài tìm đến đây để thưởng thức các món ngon đường phố Thái Lan.
Món trứng omelet nhồi thịt cua biển của nữ đầu bếp 73 tuổi này đã nức tiếng từ lâu đối với người sành ăn bản xứ, thế nhưng chỉ đến cuối năm 2017 khi quán Jay Fai nhận được một sao Michelin quý giá thì nó lập tức nổi danh toàn cầu. Bà Jay Fai dù rất tự hào với thành tựu của mình song vẫn luôn cân nhắc khi trả lời phỏng vấn của cánh nhà báo đã ào ạt đến với cái quán ăn nhỏ trong khu phố cổ của Bangkok.
Trò chuyện với phóng viên của hãng thông tấn AFP trong khi vẫn luôn tay bếp núc, Jay Fai cho biết bà chẳng có thời gian rảnh rang cho một cuộc phỏng vấn đúng nghi thức: “Có những thuận lợi và cả những bất lợi (khi nhận được vinh dự). Mặt tiêu cực là tôi bị mệt lử… Chính phủ cũng muốn tôi nhân dịp này quảng bá cho du lịch Thái Lan. Mà tôi chẳng có sự chọn lựa nào cả”. Bà cho biết đã được mời đến thành phố du lịch biển Hua Hin nhân có một giải thi đấu quần vợt quốc tế vào dịp cuối tuần, ở đó bà đã hướng dẫn cho các tay vợt hàng đầu cách làm món trứng omelet nhồi cua biển lừng danh cùng món canh chua tom yum đặc trưng ẩm thực Thái.
Rồi bà than thở: “Thế là tôi mất hai ngày bán quán” và nói thêm rằng sẵn lòng trả lại vinh dự nếu như được trở lại sống bình thường như trước. Bà không phải là đầu bếp đầu tiên có ý định đó: hồi tháng 9-2017, một bếp trưởng ở miền nam nước Pháp được phong tới 3 sao Michelin cho biết ông muốn được tước đi giải thưởng bởi không chịu nổi “áp lực kinh khủng” để duy trì danh hiệu đã nhận.
Cả đời đứng bếp nên bà Jay Fai không muốn bị mất khách hàng ngày nào cũng như không muốn nhịp sống thường ngày bị ngắt quãng. Với bà, một trong những sự hấp dẫn của cuộc sống chính là nấu ăn cho khách – một loạt những công việc nhộn nhịp, từ sơ chế mớ hải sản tươi rói cho đến đưa món ăn đã chế biến nóng hổi ra bàn ăn. Những tảng thịt cua và những con tôm “khủng” trong các món ăn của bà Jay Fai đã giải thích vì sao giá của chúng thường cao hơn nhiều so với các món ăn đường phố thông thường khác ở Bangkok, thậm chí có món lên đến gần 40 USD như omelet nhồi thịt cua (800-1.000 baht), còn các món khác giá đều trên 20 USD như mì xào giòn với hải sản (500 baht), cơm chiên càng cua (500 baht), canh chua tom yum (600-800 baht)…
Trừ ngày Chủ nhật nghỉ, hằng ngày mở cửa từ 3g chiều đến tận 2g sáng, quán Jay Fai giản dị với nửa số bàn ăn phải đặt ngoài trời là địa chỉ ẩm thực đường phố duy nhất trong số 17 đơn vị ở Bangkok được phong sao Michelin vào ngày 6-12-2017 khi lần đầu tiên tổ chức giải thưởng này công bố phong sao cho các nhà hàng, quán ăn ở thủ đô Thái. Tuy nhiên chỉ có bảy trong số đó chuyên bán món ăn Thái, và Michelin chỉ gắn sao cho các địa chỉ rõ ràng, cụ thể dù nhiều điểm bán món ăn đường phố ở Bangkok cũng rất nổi tiếng với du khách nước ngoài và dân bản xứ, mặt khác chính quyền thành phố cũng đang có ý định đưa các hàng quán này vào các khu chợ ẩm thực tập trung.
Có ba nhà hàng ở Bangkok được gắn 2 sao Michelin dịp này thì một bán món ăn Ấn Độ, hai bán món ăn Âu. Trước bà Jay Fai, năm 2010 có một quán cơm và mì gà với nước xốt tương ở Hongkong và năm 2016 quán Tai Hwa chuyên món mì thịt heo trên đường Hill ở Singapore cũng được phong sao Michelin cho ẩm thực đường phố. Sắp tới, Michelin có ý định sẽ gắn sao cho nhiều địa chỉ ẩm thực tại Chiang Mai, Hua Hin và Phuket, những vùng du lịch lớn của Thái Lan.
Chawadee Nualkhair, nhà báo cũng là blogger chuyên viết về ẩm thực đường phố Bangkok gọi đầu bếp Jay Fai là “bà hoàng của ẩm thực đường phố”. Cô nói với tờ Guardian: “Bà ấy có thể làm mọi thứ nhờ tiếng tăm của mình: mở một chuỗi nhà hàng, một chuỗi quán ăn đường phố hay đơn giản là mở một chi nhánh thứ hai của quán Jay Fai, thế nhưng bà ấy không làm. Jay Fai vẫn chỉ chung thủy với quán ăn cùng hai cái chảo. Thật tuyệt khi cuối cùng bà đã được vinh danh”.
Được ví như Oscar của điện ảnh hay Grammy của âm nhạc, sao Michelin là một biểu tượng quan trọng trong làng ẩm thực thế giới nhằm đánh giá chất lượng của một nhà hàng. Các nhà hàng được gắn sao Michelin sẽ được ghi tên trong cẩm nang ẩm thực The Michelin Guide vốn ra đời từ năm 1900. Hằng năm, các chuyên gia ẩm thực của Michelin Guide sẽ âm thầm đến các nhà hàng để “ăn thử”, sau đó họ sẽ đưa ra một bản đánh giá và chọn những địa chỉ xứng đáng được gắn sao Michelin, với ba thứ bậc 1 sao – 2 sao – 3 sao: 1 sao là nhà hàng rất tốt so với mặt bằng chung, 2 sao là nhà hàng có chất lượng xuất sắc, 3 sao là nhà hàng có phong cách ẩm thực đặc biệt, đạt đến đỉnh cao ẩm thực. Đặc biệt là nếu nhà hàng nào không duy trì được chất lượng tiêu chuẩn sẽ bị tước đi sao đã gắn.