Trong những năm gần đây, Hollywood bắt đầu có nhiều hứng thú với dòng phim khám phá vũ trụ mà mở màn là tác phẩm Gravity vô cùng ấn tượng của đạo diễn Alfonso Cuarón được ra mắt vào năm 2013. Dù ngoài vũ trụ không một âm thanh nào cả, nhưng bộ phim lôi cuốn khán giả trong từng thước phim của mình, và khán giả cảm nhận được sự chân thật của vũ trụ trong bộ phim. Năm 2014, đạo diễn Christopher Nolan cho ra mắt bộ phim Interstellar đưa khán giả khám phá lỗ đen của vũ trụ, lỗ sâu của vũ trụ, không gian năm chiều… Và năm nay, đạo diễn Ridley Scott sẽ đưa khán giả sống những tháng ngày lẻ loi trên sao Hỏa trong bộ phim The Martian. Khám phá sao Hỏa không phải là câu chuyện mới lạ đối với Hollywood, nhưng một phi hành gia bị bỏ rơi lại một mình trên sao Hỏa, vật lộn với sự sống và nỗi cô đơn khi mà sự cứu rỗi nằm cách xa anh hàng trăm triệu km trong The Martian thì lại vô cùng mới mẻ và đầy cuốn hút. Là một bộ phim và thuộc dòng khoa học viễn tưởng, chắc chắn sẽ có những sự vô lý, tuy nhiên The Martian cũng như Gravity hay Interstellar đều dựa vào những nghiên cứu khoa học có thực, những tài liệu nghiên cứu sao Hỏa của NASA để thực hiện bộ phim khiến cho nó trở nên thật chân thật, biến những sự vô lý kia trở về số 0.
Xây dựng nên sao Hỏa
Bộ phim The Martian bắt đầu được bấm máy vào ngày tháng 11-2014 tại Budapest. Thành phố nằm ở Trung Âu này từ lâu đã được biết tới là một địa điểm nổi tiếng để thực hiện các bộ phim có kinh phí lớn của Hollywood nhờ vào những cảnh đẹp nổi tiếng cũng như đội ngũ các nhà sản xuất điện ảnh dày dạn kinh nghiệm làm việc ở đây. Nhưng điều hấp dẫn đối với đạo diễn Ridley Scott và nhóm sản xuất chính là các sân khấu của phim trường Korda Studios. Sân khấu 6 thuộc Korda vốn được cho là có kích thước lớn nhất thế giới là một lựa chọn lý tưởng để dựng nên những cảnh quan trên bề mặt sao Hỏa. Cảnh dựng này chủ yếu được sử dụng để ghi lại các cuộc trò chuyện, kiến trúc bên trong của Hab (khu trú ẩn nhân tạo) và trận bão cát khổng lồ.
Nhà sản xuất Mark Huffam hồi tưởng: “Lúc đầu chúng tôi đã lựa chọn vùng đất xa xôi hẻo lánh ở Australia để ghi lại những hình ảnh của bề mặt sao Hỏa. Nhưng phương án này không khả thi, vì vậy, nhóm làm phim đã quyết định thực hiện phần lớn các cảnh quay này trên sân khấu bởi điều đó giúp chúng tôi có thể kiểm soát mọi thứ tốt hơn. Sau đó nhóm sẽ tiến hành lồng ghép với các cảnh quay ngoài trời được thực hiện tại Wadi Rum ở Jordan”.
Toàn bộ đoàn phi hành của con tàu Hermes đã phải hứng chịu một trận bão cát dữ dội trên sao Hỏa. Không muốn phụ thuộc vào hiệu ứng hình ảnh đặc biệt, đạo diễn Ridley Scott mong muốn sẽ dựng được những hình ảnh vô cùng chân thực và sống động đối với cả dàn diễn viên và khán giả xem phim. Cảnh quay này đã mất tới ba ngày để hoàn thiện và cần tới sự hỗ trợ của hàng loạt chiếc quạt công suất lớn cùng nhiều đống cát bụi khổng lồ. Vào ngày đầu tiên bắt tay thực hiện cảnh quay này, tất cả các thành viên của đoàn làm phim đã phải nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình.
Ngay cả những chiếc mặt nạ phòng hộ cũng không thể ngăn cản cát bụi bám vào mắt, tai và miệng của dàn diễn viên. Vì thế trong lúc chuẩn bị cho cảnh quay tiếp theo, các thành viên của bộ phận phục trang lại phải tới tháo những chiếc mũ bảo hiểm ra để các diễn viên có thể hít thở dễ dàng hơn. Nam diễn viên chính Matt Damon cho biết: “Tôi có cảm giác như thể mình đang đi ở tâm của một trận cuồng phong vậy”.
Phục trang ở sao Hỏa
Những bộ đồ bảo hộ trong The Martian là sản phẩm của nhà thiết kế phục trang Jany Yates và chuyên gia về trang phục bảo hộ của giới du hành vũ trụ Michael Mooney. Với độ dày từ 1 cho tới 4 milimét, chiếc mũ bảo hộ đã được Mooney điều chỉnh để giảm trọng lượng tối đa, xuống còn khoảng 4kg nhưng đây vẫn là một điều khó khăn đối với các diễn viên khi phải đội chiếc mũ này trong suốt 10 tiếng đồng hồ quay phim mỗi ngày.
Trước khi bắt tay thiết kế trang phục, Yates đã có cuộc gặp gỡ với người phụ trách bảo tàng Smithsonian tại Washington D.C, nơi lưu giữ bộ sưu tập các mẫu trang phục của giới du hành vũ trụ kể từ thời điểm dự án Mercury được chính phủ Mỹ tiến hành, cũng như tiến hành các nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Johnson và JPL (Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực có trụ sở tại California). Nhà thiết kế này cho biết: “Những bức ảnh mà họ gửi cho tôi thực sự rất hữu ích trong quá trình thiết kế trang phục cho The Martian”, ông tiếp: “Ngay từ đầu, Ridley nói rằng ông ấy mong muốn các mẫu thiết kế trông phải gọn gàng để giúp việc chuyển động của các diễn viên được dễ dàng hơn. Những bộ trang phục của NASA thường có gắn sẵn mũ bảo hộ, nhưng nếu làm như vậy thì sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình diễn xuất của diễn viên. Chúng tôi đã phải tiến hành một số chỉnh sửa cần thiết, đảm bảo được cả tính thực tế lẫn tính thẩm mỹ cho trang phục”.
Cuộc sống trên sao Hỏa
Sao Hỏa vốn dĩ không phải là một hành tinh mến khách. Nhiệt độ của nó dao động liên tục từ khoảng -153 độ C cho tới 22 độ C trong một ngày mùa hè. Hô hấp cũng là cả một vấn đề khó ở đây vì gần 95% thành phần của không khí là carbon dioxide. Đất đai thì thiếu nhiều loại vi khuẩn cần thiết để có thể tiến hành trồng trọt. Nước cũng tồn tại trên hành tinh này, nhưng lại ở dạng băng. Bản thân màu đỏ của sao Hỏa cũng là một dấu hiệu cảnh báo với “du khách”: Bạn chẳng thể mong đợi gì ở hành tinh này – ngoại trừ cái chết do bị ngạt thở và thân nhiệt bị giảm đột ngột. Nhưng loài người vốn chưa bao giờ nhụt chí trong công cuộc khám phá những hành tinh mới, kể cả ở những nơi vốn không được chào đón. Thế nên, chúng ta vẫn quyết định sẽ thám hiểm sao Hỏa.
- Thanh Vân