Không phải các nhà phân tích không muốn cho VN-Index tiếp tục tăng cao nên liên tục đưa ra những nhận định thận trọng mang tính cảnh báo, mà rõ ràng là VN-Index đã tăng quá nóng (kéo dài từ ngày 21-12-2017).
Một vài phiên điều chỉnh để khối lượng cổ phiếu giá cao được hấp thu và tích lũy là rất cần thiết, giúp cho sự tăng trưởng trở nên bền vững. Và cuối cùng, đến phiên sáng 5-1, điều này mới diễn ra, dù chưa quá quyết liệt…
Điểm nhấn của phiên giao dịch này là sự chào sàn thành công của HDB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM), với mức tăng 5.900 đồng/cổ phiếu và thanh khoản “khủng” là 19.229.420 cổ phiếu được giao dịch, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 4,2 triệu đơn vị. Trong nhóm ngân hàng, chỉ thêm EIB tăng trần và VIB tăng nhẹ (100 đồng/cổ phiếu), còn thì tất cả đều giảm hoặc đứng giá.
Đó cũng là tình trạng chung của các nhóm ngành khác, khi số mã giảm giá nhiều hơn số mã tăng giá. Đặc biệt trong nhóm VN-30, có đến 20 mã giảm so với chỉ 8 mã tăng giá. Kết thúc phiên sáng 5-1, trên HSX, có 123 mã tăng giá so với 158 mã giảm giá, VN-Index giảm 4,21 điểm (-0,41%) xuống còn 1.015,54 điểm. Mới chỉ phiên sáng, đã có hơn 172,617 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá 4.441,008 tỉ đồng.
Việc VN-Index quay đầu giảm điểm, như đã nói, là điều đáng được chờ đợi. Sẽ có thêm áp lực chốt lời – đặc biệt ở nhóm cổ phiếu lớn – và sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới “nhảy vào” thay thế. Điều đó tạo thêm sự sôi động và ổn định hơn cho thị trường, thay vì chỉ đi lên một chiều (để rồi sau đó rất dễ đi xuống một chiều). Thêm điểm tích cực là thanh khoản tăng mạnh, chứng tỏ lực cầu cổ phiếu vẫn còn rất lớn.