Một ngày bỗng “phát hiện” Sài Gòn có núi. Không chỉ thú vị, mà điều này còn gợi mở về những cách làm du lịch cũng như phát triển kinh tế ở vùng đất này.
Từ bé tới lớn ở Sài Gòn, bỗng một ngày tôi nghe bảo Sài Gòn có núi. Tôi trố mắt ngạc nhiên, lục tung trong đầu mọi ngóc ngách mà vẫn không hình dung ra được quả núi ấy nằm ở đâu trên đất Sài Gòn. Tôi cãi, Sài Gòn chỉ có gò thôi… Gò Vấp nè! Hay Củ Chi? Nhưng cái vùng đất cao ráo nhất Sài Gòn này bói hoài cũng chỉ toàn miệt vườn.
Cần Giờ ư? Tôi hoang mang. Anh Bùi Văn Dừa, 38 tuổi, màu da đậm nắng gió, nụ cười chất phác như tỏa nắng đang đứng trước mặt tôi là dân Cần Giờ. Dừa vừa cười cười vừa ráng chứng minh Sài Gòn có núi. Nhưng làm sao Cần Giờ có núi được. Nơi đây chỉ rặt hệ thống sông ngòi chằng chịt chiếm tới 32% tổng diện tích toàn huyện, và 57% là rừng ngập mặn. Vậy mà có!
Từ một con rạch nhỏ, chúng tôi đi sâu vào rừng phòng hộ, thuộc tiểu khu 14 phân khu 2, bên cạnh là một mảng ruộng muối nay đã gần như không còn làm nữa. Vẫn không thấy núi đâu. Đi bộ thêm một hồi, vừa đi vừa nghe anh Dừa kể thêm nhiều tích khác ở đây, chúng tôi đụng một quả núi thiệt! Là núi đá, tên Giồng Chùa. Núi nằm núp lùm giữa cây cối và chỉ cao bằng cỡ đám cây rừng xung quanh, khoảng 11m.
Thích thú nhất là được nghe anh Dừa khẳng định quả núi đá này cao lên từng chút một qua mỗi năm. Anh bảo ông nội anh kể rằng, nó là dấu tích còn lại của thời đất trời rạn nứt, bà Nữ Oa đội đá vá trời. Khi bà gánh đá đi ngang qua xứ này thì làm rơi một cục. Bằng chứng là vẫn còn dấu chân bà nơi chân núi.
Anh Dừa nói, hồi anh còn bé, dấu chân ấy to và rõ lắm. Theo năm tháng, bàn chân bé dần lại, nhường cho cục đá lớn lên. Ông Tư Đạo, một diêm dân gần 70 tuổi kể hồi ông 11 – 12 tuổi, quả núi chỉ mới là một mô đá nhỏ, cao tới đầu. Hồi xưa đào ruộng muối bên cạnh, ông vẫn gặp nhiều đá cục lổn nhổn bên dưới…
Chia sẻ với chúng tôi, PGS-TS. Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nói, việc có một diện lộ đá gốc (khối đá) dù lớn hay nhỏ ở giữa một vùng bùn đất mới như Cần Giờ không lạ. Vịnh Hạ Long ngày xưa cũng là hàng ngàn khối núi lớn nhỏ trên đất liền, sau đó biển tiến vào làm ngập và lắng đọng bùn đất biến chúng thành các hòn đảo. Cái lạ ở đây, theo người dân là khối đá cứ cao dần lên. Thí dụ, trước đây cao hơn mặt đất khoảng 1 m, hiện giờ sau 50 năm khoảng 11m. Vậy là mỗi năm cao lên khoảng 0,5m. Tốc độ này là chưa bao giờ gặp cả.
Theo ông Văn, trên thế giới hiện tượng nâng lên, hạ xuống do các vận động địa chất là bình thường, nhưng thường phải là cả một vùng lớn, và tốc độ, nếu là nâng/hạ kiến tạo thông thường thì cũng chỉ tối đa khoảng 1 cm/năm, hoặc vài mm/năm. Ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại, ghi nhận sụt lún cỡ 1 – 3cm/năm, nhưng sụt lún do kiến tạo cũng chỉ khoảng đó. Còn những mức sụt lún được ghi nhận cao hơn thì đang được cho là do chủ yếu khai thác nước ngầm, nhưng cũng chỉ xảy ra ở cục bộ xung quanh các cụm giếng khoan khai thác nước ngầm.
Trên thế giới, một số nước Bắc Âu như Na Uy, Phần Lan… còn gặp hiện tượng nâng cả vùng, nhưng tốc độ cũng chỉ dưới 1cm/năm, và không phải do kiến tạo hoặc khai thác nước ngầm. Nguyên nhân do trước đây những vùng này bị một lớp băng dày hàng km phủ lên. Đất đá bên dưới đã quen chịu một tải trọng rất lớn. Nay lớp băng đó dần bị tan chảy. Mặt đất không còn chịu một tải trọng lớn như thế nữa nên dần phình lên.
Ông Văn đưa ra một giả thiết khác, cũng có thể có một hiện tượng là do lực kiến tạo của Trái đất và thành phần đặc biệt của một lớp/khối đá. Chẳng hạn, ta có một lớp/khối đá muối rất mềm. Dưới áp lực nén ép của các vận động kiến tạo của vỏ Trái đất, lớp/khối đá muối đó bị ép và dần dần trồi lên, nhưng cũng không phải với tốc độ tên lửa 0,5m/năm.
Khá tương đồng với lý giải của PGS. Văn, các nghiên cứu của cố TS. Lê Xuân Thuyên (Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM) và các cộng sự với sự trợ giúp kỹ thuật từ Cục Địa chất Hoa Kỳ, đã lắp đặt quan trắc lún dài hạn đầu tiên vào tháng 6.2010 ở rừng ngập mặn Cần Giờ cho thấy, tốc độ lún có thể tới 3 cm/năm ở nơi không có rừng, và 23 – 36mm/năm ở rừng. Khuynh hướng tốc độ lún đang giảm dần dưới rừng, cho thấy rõ vai trò có rừng như thế nào, và nếu quản trị tốt thì nền còn được nâng lên.
Núi đá Giồng Chùa có thực sự đang cao lên hay không, và nếu có như người dân nơi đây kể thì nguyên nhân vì sao, vẫn là một bí ẩn. “Để biết chính xác, cần đến tận nơi khảo sát, lấy mẫu đá phân tích, xem ảnh viễn thám…”, PGS. Văn nói.
Dẫu vậy, câu chuyện Sài Gòn có núi đá vẫn thật thú vị. Chất liệu làm du lịch là đây, thêm sự nồng hậu của người dân, đặc biệt ở vùng ngoại thành. Xu hướng du lịch cộng đồng, bản địa ngày càng được thế giới quan tâm, không chỉ cho con người có thêm trải nghiệm phong phú, mà còn giúp vùng đất ấy không mất đi bản sắc – một trong những điểm quan trọng để làm du lịch. Đặc biệt, Cần Giờ lại là một khu dự trữ sinh quyển thế giới, mang ý nghĩa và vai trò giúp phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, phát triển giáo dục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó người dân địa phương phải được đóng vai trò chủ chốt.
Cũng vậy, việc cần thêm các nghiên cứu khoa học, như dữ liệu diễn tiến lún nền về vùng đất mới này – còn khá ít ỏi, mà cố TS. Lê Xuân Thuyên từng nhiều lần lên tiếng – sẽ góp phần cho chính quyền thành phố có những quyết sách phù hợp hơn trong quy hoạch không gian phát triển vùng và phát triển kinh tế Cần Giờ.
- Xem thêm: Đi chơi Sài Gòn thu nhỏ xuyên thế kỷ
Mơ một Sài Gòn không chỉ là đô thị sầm uất
Từ lâu, Thái Lan đã nổi tiếng về du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng địa phương, những vườn rau biến thành resort, hoa quả thành sản phẩm du lịch và người nông dân trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp… giúp tăng thu nhập người dân tại chỗ. Có lẽ cách tốt nhất để trải nghiệm du lịch nông nghiệp là đến với cuộc sống ở nông thôn.
Chiang Mai là một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng đang được xây dựng trở thành “thành phố organic” của Thái Lan với trọng tâm phát triển du lịch xanh và du lịch nông nghiệp. Rất nhiều nông trại hữu cơ, hoặc mang tính chất nghỉ dưỡng cho du khách cơ hội trải nghiệm giữa thiên nhiên, thân thiện môi trường, hoặc theo dạng trung tâm giáo dục.
Hay Chiang Khong (ảnh), một huyện ở khu vực đông bắc tỉnh Chiang Rai, có vị trí địa lý tạo thành cửa ngõ giữa hai quốc gia Lào và Thái Lan, chủ yếu là tuyến đường thủy nối Thái Lan với Luang Prabang (Lào), thu hút du khách bởi một không gian nông thôn yên bình, sạch sẽ, bên dòng Mekong hiền hòa… Cách làm du lịch dựa vào bản sắc địa phương tạo thu nhập của Thái Lan khiến chúng tôi nghĩ tới Sài Gòn.
Việt Nam có 28 tỉnh và thành phố ven biển, nhưng chỉ TP.HCM có một khu rừng phòng hộ ven biển nằm trong thành phố. Đây cũng là nơi hiếm hoi có một khu đất ngập nước tự nhiên (wetland) ngay trong thành phố. Sẽ hơi mơ mộng khi trộm nghĩ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng như tài sản thiên nhiên đã quý và đang hiếm dần, thì việc phát triển Cần Giờ thành khu đô thị địa ốc du lịch nghỉ dưỡng – không mấy khác biệt so với những tỉnh thành khác trên cả nước có thực sự cần thiết?
Cũng vậy, việc giữ lại, quy hoạch và phát triển các vùng ngoại thành thành phố thành “vành đai xanh”, với những chính sách đảm bảo và giữ gìn đời sống yên bình cho người dân địa phương nơi đây cũng là một gợi mở cho một Sài Gòn không chỉ có đô thị mà còn có những tài sản sông nước, vùng quê miệt vườn, rừng biển yên bình kề cận. Sẽ không còn cảnh người dân địa phương mất mùa, ruộng vườn bỏ hoang, phải bán đất, bỏ xứ đi trong cơn sốt ảo đất đai ngoại thành bấy lâu nay. Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu và bàn luận sâu của giới chuyên môn, và sự cởi mở, mạnh dạn của chính quyền.
– Ảnh: Nam Phong