Chân dung Cần Giờ thế kỷ XXI như thế nào vẫn đang là đề tài lớn để các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu, phác họa. Rất mong Cần Giờ sẽ không trở thành “bản sao” của một Vũng Tàu đông đúc.
Người Việt xây dựng Sài Gòn hơn 300 năm, nhưng tuổi đời vùng đất này đã bắt đầu từ trước thế kỷ thứ nhất. Ngày nay, ở đâu có đủ chứng tích của một Sài Gòn 21 thế kỷ sinh thành và lớn dậy? Mời các bạn cùng tôi xuống thuyền tìm đến một địa chỉ không xa lắm, còn hoang sơ nhưng lại rất thân quen.
Du hành vào huyền sử
Tại bến Bạch Đằng, khách hướng về tượng đài Trần Hưng Đạo thắp một nén tâm nhang trước lúc con tàu khởi hành trên dòng sông êm ả. Tàu ra Cần Giờ – “chiếc bao lơn biển” của Sài Gòn. Trời phú cho thành phố một dòng sông rộng, chỉ cách biển khoảng 80 cây số. Từ nội thành ra Cần Giờ nhiều năm nay đã có đường xe hơi, nay chỉ chờ thêm cầu Bình Khánh hoàn thành là đường đi thông suốt. Tuy nhiên, du khách phải đi bằng đường thủy mới cảm nhận đầy đủ không gian biển lớn lao đầy cổ tích của Sài Gòn.
Đầu tiên, sau khi qua ngã ba sông Nhà Bè, ta hãy ghé vào xã đảo Thạnh An – một thảm xanh bềnh bồng giữa mênh mông sông nước. Đảo nhìn từ trên cao mang hình dáng một chiếc rìu đá xưa. Trên đảo có đủ hương sắc mây nước, núi non, làng chài và ruộng đồng. Ngay sau khi cập bến, du khách được mời đạp xe thong dong qua các xóm nhỏ, bờ tre, hàng dừa nước… Khung cảnh vùng quê tại đây có nét quen thuộc của đất phương Nam thuận hòa. Vui sao, các em bé khi thấy khách lạ đi qua đều vòng tay chào hỏi thân tình. Còn người lớn – ngồi trước nhà đang uống trà hay đánh cờ vẫn ân cần trả lời các câu hỏi của khách. Ôi, cứ ngỡ như ta đang đi ở phố cổ Hội An thanh lịch nhưng đây lại là “thôn cổ” của đất nhà Sài Gòn!
Trên đảo Thạnh An có một ấp mang tên ngộ nghĩnh là Thiềng Liềng, có người cho rằng đó là biến âm của “Thiêng Liêng” hoặc “Thành Linh” theo nghĩa “thành kính” của gốc từ Hán Việt. Nhưng có lẽ đây là từ cổ trong tiếng Khmer hay tiếng Chăm chưa giải mã được. Càng lạ hơn, đảo này là nơi duy nhất ở Cần Giờ có núi, tên gọi là núi Chùa. Muốn vào khu vực ấy, ta phải đi ca nô qua những rẻo rừng đước hoang sơ. Sau đấy, du khách trải nghiệm đi bộ một hàng trên những bờ đất hẹp của những ô ruộng muối vuông vắn, dẫn đến một núi đá cao thoai thoải.
Trên đường vào núi đá, khách bắt gặp một ngôi miếu nhỏ nằm trên một bãi đá chênh vênh giữa đồng. Ngôi miếu Ngũ hành đơn sơ là nơi thờ thổ địa và linh khí đất trời. Khách dừng chân thắp nhang ở miếu rồi đi tiếp thong thả lên núi đá. Nói là núi nhưng còn có thể gọi là gò, cao nhất chỉ khoảng 10m. Đứng ở đây ta nghe như trong làn gió có tiếng sóng biển ngàn xưa thì thầm. Có cả vị mằn mặn của biển xanh và mồ hôi bao đời khi ta nghĩ đến lớp lớp người xưa khai khẩn vùng đất trinh nguyên.
Trên núi không có chùa nhưng tương truyền có vết đá lõm sâu là “dấu chân” của vua chúa nào đấy từng qua đây. Có thể chữ “núi Chùa” là từ biến âm từ “núi Chúa” để chỉ thánh thần vùng đất theo tín ngưỡng dân gian. Mong rằng nay mai bí mật của núi Chùa hay còn gọi là giồng Chùa sẽ được các nhà khoa học khám phá. Trong khi ấy, chính tại Cần Giờ, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 25 điểm có di tích người cổ sinh sống, đặc biệt là 300 “chum mộ”- người chôn trong tư thế ngồi bó gối trong lu.
Tất cả đều nằm trên các gò đất cao từ nơi sát biển hoặc ven sông với những cái tên đầy dân dã, phản ánh những đặc điểm thiên nhiên và dân cư thuần khiết như giồng Thị, giồng Cháy, giồng Dinh Bà, giồng Am ở xã Cần Thạnh. Kế đến là giồng Da, giồng Lá Buông, giồng Ông Trai, giồng Lò Than, giồng Cá Trăng, giồng Cây Trôm Lớn, giồng Chén, giồng Xưởng, giồng Chơn ở xã Long Hòa.
Khách nên đến ấp Hòa Hiệp ở Long Hòa để xem di tích giồng Cá Vồ. Địa điểm này là gò đất cao với diện tích 7.000m2, hiện là nơi trồng cây ăn trái. Tại đây, ngành khảo cổ đã tìm thấy hàng loạt đồ dùng bằng gốm, tiêu biểu là chiếc “cà ràng” bằng đất nung – dấu tích của cư dân sinh hoạt trên thuyền. Đặc biệt, những hạt chuỗi bằng thủy tinh làm bằng cát trắng ven biển, có kỹ thuật chế tác gần gũi với Ấn Độ.
Ngoài ra, còn có những chiếc vòng đeo tay và khuyên tai hai đầu thú bằng đá quý rất đẹp, được làm bởi kỹ thuật tinh xảo. Những chứng tích cổ xưa đó đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho thấy Cần Giờ cách đây hơn 2.000 năm đã là vùng chài lưới và bến thuyền tấp nập.
Địa danh Cần Giờ theo học giả Trương Vĩnh Ký bắt nguồn từ tiếng Khmer – Kanchoeu, có nghĩa là “cái thúng”. Rất có thể nó còn có nghĩa là chiếc thuyền thúng, một phương tiện di chuyển phổ biến ở duyên hải miền Trung và ngay cả Cần Giờ cho đến hiện tại. Người dân Cần Giờ từ xa xưa đã đi lại, mua bán không chỉ trong vùng sông Đồng Nai mà còn tiếp xúc với nhiều khách phương xa. Phải chăng điều đó chính là cái chất “keo sơn” phóng khoáng nguyên thủy đã làm nên Sài Gòn – một cảng thị giao thương, thu hút người tứ xứ cho muôn đời sau?
Khí chất Sài Gòn kiên cường
Khách đi thăm tiếp một vòng Cần Giờ bằng thuyền ở cả hai ngả sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp, đồng thời đặt chân lên nhiều xã ấp nằm giữa những cánh rừng xanh thắm. Càng đi, càng nhận ra Cần Giờ không chỉ là khu bảo tồn sinh quyển lớn lao mà còn là khu bảo tồn lịch sử quý hiếm của cả nước. Thật vậy, nếu đi vào mùa hè, từ phao số không trên biển, khách sẽ ngỡ ngàng trông thấy xa xa cả một rừng gòn nở bông trắng xóa trên núi Lớn và núi Nhỏ của Vũng Tàu. Hẳn đó là những cây gòn đầy ấn tượng thân thiện làm nảy nở cái tên “Sài Gòn” trong mắt người Việt khi lần đầu đến miền đất mới, vào khoảng thế kỷ XVII.
Cũng chính rừng gòn và khung cảnh thiên nhiên tươi vui ấy đã đón chào công chúa Ngọc Vạn từ Phú Xuân vào đây làm dâu vương quốc Chân Lạp. Năm 1620, nàng “Huyền Trân” thứ hai của nước Việt đã mở đường cho Chúa Nguyễn nhanh chóng đưa binh lính và di dân vào định cư và khai phá lãnh thổ tân lập. Có thể coi công chúa là “công dân Việt danh dự” đầu tiên ở phương Nam.
Nhiều thế kỷ sau, người Việt cùng với cư dân bản địa chung sống làm ăn trên các giồng đất cao. Trong đó, khu Bến Nghé tức quận 1 ngày nay là chốn thị thành, bến cảng đông vui. Còn Cần Giờ là vùng nước lợ và đất thấp, có nhiều cọp beo, cá sấu và thú rừng nên người dân tại đây thường xuyên đấu tranh vất vả với vùng “đất nghịch”.
Giờ đây các khu du lịch Vàm Sát, Đảo Khỉ có thể giúp du khách hình dung phần nào cuộc chinh phục thiên nhiên “gian lao mà anh dũng” của người Cần Giờ.
Sông nước Cần Giờ là nơi diễn ra nhiều trận thư hùng khốc liệt. Năm Nhâm Dần 1782, tại khu vực sông Ngã Bảy, còn gọi là Thất Kỳ Giang, nơi có bảy nhánh sông hợp vào đổ ra biển, đã diễn ra trận thủy chiến dữ dội giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Phía Tây Sơn sử dụng hỏa công thiêu cháy hạm đội của đối phương, bao gồm cả một số tàu chiến được chỉ huy bởi sĩ quan phương Tây. Ước chi nay mai trận Thất Kỳ Giang có thể tái hiện bằng một hoạt cảnh hoành tráng trên sông nước để người dân và du khách đến Cần Giờ có thể sống lại những thời khắc lịch sử oai hùng.
Sau khi lấy lại Sài Gòn và thu hồi non sông về một mối, vào đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn cho xây dựng ba pháo đài lớn ở cửa biển dẫn vào thành Gia Định. Đó là Bảo Tấn Cần Thạnh, Bảo Tấn Xoài Rạp và Tấn Đồng Tranh. Trên Cửu đỉnh ở Huế có khắc hình Bảo Tấn Cần Thạnh như một địa danh quan trọng của đất nước. Ba pháo đài cổ xưa này nếu được khảo sát và phục hồi sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn.
Sang thời hiện đại, giai đoạn 1966 – 1975, “đặc công rừng Sác” tạo nên huyền thoại quả cảm với nhiều trận đánh tiêu diệt tàu chiến, bắn cháy trực thăng và tập kích vào các căn cứ hậu cần, kho xăng. Hơn 800 chiến sĩ đặc công hy sinh không chỉ trong các trận đánh với quân địch mà còn trong các trận chiến với cá sấu hung dữ. Hiện tại, Khu di tích Chiến khu rừng Sác, đặt trong Lâm viên Cần Giờ đã hoạt động như một “bảo tàng sống” về cả chiến tranh và sinh thái. Như vậy, ngoài khí chất giao lưu rộng mở, đất Cần Giờ còn thể hiện rõ khí chất kiên cường của người Sài Gòn trong cuộc đấu tranh sinh tử với thiên nhiên và các cuộc binh lửa. Cả hai khí chất ấy đã hun đúc nên một thành phố năng động và bất khuất xuyên suốt các thế kỷ.
Đô thị biển tương lai
Những năm gần đây, Cần Giờ được định hướng phát triển mạnh kinh tế biển. Trong tương lai gần, Cần Giờ sẽ xây dựng nhiều cơ sở hậu cần về hàng hải, chế biến nông sản, công nghiệp năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, chắc chắn sẽ có thêm các cơ sở điều dưỡng và nghiên cứu y tế, các trường dạy nghề, các cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu liên quan biển. Nhiều nhà đầu tư đang lập dự án các khu vui chơi, giải trí lớn, các khu biệt thự và ngay cả chung cư cao cấp ở các nơi ven biển có cảnh quan đẹp.
Dân cư của Cần Giờ cũng như giá trị đất đai ở Cần Giờ đã và sẽ biến đổi lớn. Chân dung của Cần Giờ vào thế kỷ XXI như thế nào vẫn đang là đề tài lớn để các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu và phác họa. Rất mong Cần Giờ sẽ không trở thành “bản sao” của một Vũng Tàu đông đúc. Cần Giờ sẽ là một đô thị hiện đại nhưng quy mô dân số trung bình và có mật độ cao về thảm xanh, có cơ sở và trình độ cao về bảo vệ môi trường. Tài nguyên của Cần Giờ là thiên nhiên, lịch sử và con người sẽ được phát huy đúng cách và hiệu quả hơn trước. Khi ấy, Cần Giờ sẽ trở thành mô hình mơ ước của những đô thị tuyệt hảo và một Sài Gòn thu nhỏ tân kỳ có chất lượng sống nâng cao.
Hiện tại, du khách đến Cần Giờ để thưởng ngoạn du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, thăm viếng làng quê vùng biển, xem các nhà nuôi yến và động vật hoang dã. Mặt khác, tìm hiểu một số di tích lịch sử và các nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, cũng như các lễ hội và phong tục địa phương. Chỉ ngần ấy, hẳn nhiên chưa đủ để cho du khách nội thị của Sài Gòn cũng như du khách xa gần trở lại nhiều lần với Cần Giờ.
Làm sao để có thêm nhiều Võ Tòng, nhiều An Tiêm hào sảng và sáng tạo bồi đắp thêm cho Cần Giờ những cơ ngơi và giá trị mới? Hãy mau đi thăm Cần Giờ và đóng góp cho Sài Gòn thu nhỏ xuyên thế kỷ những ý tưởng và ngay cả con người như thế, bạn nhé!
Bảo tàng Phù Nam ở Cần Giờ
Các nhà khảo cổ học định danh ở Cần Giờ có cả văn hóa tiền Óc Eo và văn hóa Óc Eo thuộc phạm vi trước và sau khi ra đời vương quốc Phù Nam. Đây là vương quốc khai sinh từ thế kỷ thứ nhất trên một lãnh thổ rộng lớn, trải dài từ bờ Ấn Độ Dương (phía bắc bán đảo Malaysia) sang đến bình nguyên Campuchia và Nam bộ hiện giờ.
Dấu vết của vương quốc Phù Nam được tìm thấy ở nhiều quốc gia hiện tại, trong đó có nhiều tỉnh ở Nam bộ. Tiêu biểu nhất là vùng Óc Eo, thuộc huyện Ba Thê, tỉnh An Giang. Sang thế kỷ VII, đế chế Phù Nam tan rã, lãnh thổ được phân chia về nhiều vương quốc khác. Chân dung chi tiết của vương quốc Phù Nam vẫn còn là những trang sử bí ẩn đang nằm sâu trong lòng đất.
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã có dự án thành lập nhà trưng bày và nơi tham quan khu vực khai quật di vật tại di tích giồng Cá Vồ. Mong rằng dự án này có thể mở rộng thành Bảo tàng Phù Nam – một bảo tàng chưa có ở các nước Đông Nam Á. Bảo tàng này nên đặt tại xã Long Hòa, gần khu di tích.
Tại đây sẽ tái hiện sống động sinh hoạt của vương quốc Phù Nam qua các hiện vật khảo cổ và tư liệu thu thập không chỉ ở Cần Giờ mà còn từ nhiều nơi khác. Chắc chắn Bảo tàng Phù Nam sẽ trở thành một điểm đến du lịch độc đáo của Việt Nam, tương tự như Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng.