Là một trong những người tâm huyết với lịch sử văn hóa thời Hậu Lê, Trịnh, Nguyễn, nhà cổ học Trần Đình Sơn đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi đến công chúng những tinh hoa mỹ thuật của người xưa. Sau Những nét đan thanh, Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Đồ sứ ký kiểu Việt Nam thời Lê – Trịnh, vừa qua tác giả đã cho ra mắt Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945, cuốn sách quý không chỉ về lễ phục mà còn về trình độ nghệ thuật, thẩm mỹ của một thời đại đã qua.
Có thể nói, ý tưởng về tác phẩm đầy giá trị này đã được tác giảấp ủ từ lâu như ông chia sẻ: “Áo xiêm thịnh hội chìm vào dĩ vãng, nhưng duyên nghiệp hãy còn vương vấn khiến tôi bị quyến rũ với niềm đam mê đồ vật xưa từ lúc nào không hay… Ngoài đồ gốm sứ lủ khủ đầy nhà, tôi còn gìn giữ một số phẩm phục của tổ tiên, hầu “xếp tàn y lại để dành hơi”. Gần đây, nhiều dịp trở về tham dự Festival Huế, thấy phục dựng các nghi lễ tế Nam Giao, Xã tắc, Đại triều… tuy chưa được hoàn chỉnh, nhưng lòng tôi vẫn dậy lên niềm vui mừng. Bởi thường, nói dễ làm khó. Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có ghi chú rõ ràng về việc chế tạo áo mũ cho hoàng gia, triều đình; nhưng ngày nay liệu còn ai hiểu biết rành mạch, đầy đủ kiểu thức, hoa văn, biểu tượng để phục chế đúng nguyên mẫu. Lâu nay tôi lưu tâm và ước mong biên soạn tập sách chuyên đề này hầu góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu Huế xưa. Rất tiếc, bột đường còn thiếu, loay hoay mãi vẫn chưa làm thành bánh ngon trình làng…”.
Hoàng đế Đại Nam với lễ phục tế Nam Giao
Một duyên may đã đến với tác giả vào năm 2009 khi ông đón tiếp họa sĩ Nguyễn Trung Cang và em trai Nguyễn Trung Dũng – con của họa sĩ Nguyễn Văn Trung, một người chơi cổ ngoạn nổi tiếng ở Sài Gòn – từ Pháp về ghé thăm. Hai anh em họa sĩ đã tặng Trần Đình Sơn CD chép bộ tranh Grande tenue de la Cour d’Annam của Nguyễn Văn Nhân. Bộ tranh gồm 54 bức bọc trong túi vải lanh màu xám nâu; được bảo quản nguyên vẹn. Trên mỗi bức tranh đều có ghi chú các thông tin về địa vị, chức tước, phẩm hàm của các nhân vật bằng hai thứ chữ Pháp và Hán. Toàn bộ tranh được vẽ bằng màu nước và bột màu trên giấy. Ngoài bộ tranh ghi rõ dòng chữ Hán viết bằng son: Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất, chữ Pháp viết bằng mực: Grande tenue de la Cour d’Annam par Nguyễn Văn Nhân, Biên tu du Hàn lâm en disponibilité. Hué Décembre 1902 (Đại lễ phục của triều đình An Nam, do Nguyễn Văn Nhân, chức Biên tu Viện hàn lâm hưu trí [vẽ]. Huế, tháng 12 năm 1902).
Trang phục Phò mã – Hoàng tử – Công chúa
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết: “Khảo sát các họa phẩm của Nguyễn Văn Nhân hiện còn bảo tồn tại cố đô Huế, đặc biệt là bộ tranh Đại lễ phục của triều đình An Nam mới phát hiện, chúng tôi nhận thấy ông xứng đáng được tôn vinh là truyền nhân của dòng nghệ thuật truyền thần Việt Nam, thế kỷ XVII-XVIII, thời Lê-Trịnh. Ông kết hợp khá nhuần nhuyễn hội họa truyền thần truyền thống với hội họa phương Tây mới du nhập, đưa nghệ thuật truyền thần phát triển đến đỉnh cao. Chân dung của các nhân vật thời Nguyễn qua ngọn bút tài hoa của Nguyễn Văn Nhân thể hiện thần thái sinh động, trung thực và một tỷ lệ nhân thể hợp lý và chuẩn xác so với tranh truyền thần của các thế hệ đi trước. Các loại phẩm phục, trang phục hoàng gia, triều thần, tăng sĩ, binh lính… được miêu tả hết sức chi tiết từ màu sắc đến các hoa văn trang trí. Vì thế, tác phẩm của Nguyễn Văn Nhân là di sản quý báu, có giá trị và trở thành tài liệu quan trọng để phục vụ nghiên cứu, tái hiện lịch sử Việt Nam cận đại”.
Lính thân vệ – Lính dẫn đạo – Lính giám thủ
Cùng với 54 bức tranh quý mới được giới thiệu rộng rãi lần đầu ở Việt Nam, Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945 còn đưa ra nhiều tư liệu quý như bản dịch Việt văn phần Mũ Áo – Bộ lễ trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ gồm có các mục: Mũ áo Hoàng đế, mũ áo Hoàng hậu, mũ áo Hoàng thái hậu, mũ áo Cung giai, mũ áo Hoàng thái tử, mũ áo Hoàng tử, Hoàng thân và các tôn tước; mũ áo Công chúa; mũ áo Hoàng tôn và các Công tử; mũ áo các quan văn, võ; mũ áo vợ chính các quan văn, võ và cha mẹ, con trai thừa kế của quan viên. Ngoài ra sách còn có nhiều hình ảnh đẹp và giá trị về Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái hậu và triều thần nhà Nguyễn…
Sách dày 270 trang, bìa cứng, khổ 30×30 in trên giấy màu láng do nhà sách Hồng Đức xuất bản.
Cẩm Tú