Trong tháng 05/2024, Phanbook giới thiệu hai tác phẩm nổi bật từ hai tác giả danh tiếng. “Đập Chắn Thái Bình Dương” của Marguerite Duras mang đậm chất tự truyện về cuộc sống đầy biến động tại Đông Dương thuộc Pháp, còn “Đường Xa Nắng Mới” của Nguyễn Tường Bách là hành trình tâm linh đầy màu sắc qua các xứ sở Phật giáo. Cả hai cuốn sách đều hứa hẹn mang đến cho độc giả những trải nghiệm sâu sắc và cảm xúc mạnh mẽ.
Đập Chắn Thái Bình Dương (Marguerite Duras)
“Đập Chắn Thái Bình Dương” là một trong những tác phẩm đầu tay của Marguerite Duras, nữ nhà văn nổi tiếng người Pháp. Tác phẩm này ra mắt năm 1950, lấy cảm hứng phần lớn từ thời niên thiếu của chính tác giả ở Đông Dương thuộc Pháp. Đây là một cuốn tiểu thuyết mang tính chất tự truyện, kể về câu chuyện của một gia đình người Pháp di cư đến Đông Dương với hy vọng đổi đời.
Bối cảnh thập niên 1900, đôi vợ chồng trẻ người Pháp xuống tàu thủy sang Đông Dương lập nghiệp. Chẳng may, người chồng qua đời khi hai đứa con còn thơ dại. Người vợ phải bươn chải bằng nghề dạy tư tiếng Pháp và chơi dương cầm suốt 10 năm để dành dụm tiền mua đất trồng lúa. Tuy nhiên, không có tiền lót tay cho quan chức địa chính, bà chỉ nhận được một miếng đất xấu, ngập lụt vào mùa triều cường.
Cuốn tiểu thuyết là bức tranh đậm chất phương Đông, nơi những xung đột tình cảm và khác biệt văn hóa tạo nên những lớp sóng xúc cảm mạnh mẽ và cuốn hút. Con đập chắn sóng biển Thái Bình Dương trong câu chuyện là biểu tượng cho những nỗ lực trong tuyệt vọng của con người trước một hệ sinh thái đầy bất trắc và số phận tàn nhẫn.
Đường Xa Nắng Mới (Nguyễn Tường Bách)
“Đường Xa Nắng Mới” là tập bút ký của tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Tường Bách, tập hợp những bài ký sự du hành của tác giả đến nhiều xứ sở trên thế giới. Trong mỗi bước đi của hành trình du lịch hành hương, tác giả luôn kiếm tìm điểm ngầm nối với mạch tâm linh để cảm nhận chuyến đi cũng chính là trở về với cội nguồn thiêng liêng trong tâm tưởng.
Tác phẩm gồm hai phần, là những ghi chép về các chuyến hành hương qua nhiều vùng, nhiều quốc gia và thắng tích Phật giáo. Hơn phân nửa tập sách ghi lại cuộc hành hương chiêm bái núi Kailash (Ngân Sơn) ở Tây Tạng, nơi đầu tiên trong bốn ngọn núi thánh và là ngọn núi chung của bốn nền tôn giáo lớn: Bon, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Phật giáo. Tác giả đã biến cuộc hành trình này thành cuộc tận hưởng thời gian, không gian, tự tại và tinh tấn.