Tập sách Điện gió & Quạt gió bơm nước do Nguyễn Ngọc biên soạn và được biên tập bởi GS-TS Nguyễn Thế Mịch, Đại học Bách khoa Hà Nội, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện gió tại Việt Nam, là một cuộn sách mang lại cho độc giả nhiều thông tin và kiến thức về nguồn năng lượng sạch này.
Tỷ lệ sản lượng điện từ điện gió tại nhiều nước trên thế giới đang mỗi ngày một tăng, điển hình là tại Mỹ, kế hoạch phát triển điện gió của Bộ năng lượng Mỹ năm 2030 là 300.000MW tương đương 20% lượng điện tiêu dùng của nước Mỹ. Tại Đức, năm 2010 tỷ lệ điện gió chiếm 7,7% nhưng đến cuối năm 2012 là 9,8%, Đức đã có kế hoạch đến năm 2020 lắp đặt 1.200 tua-bin điện gió trên biển với công suất dự tính là 10.000MW và tăng lên 25.000MW vào năm 2030. Trong khi đó tại Đan Mạch tỷ lệ điện gió hiện nay là 26% và theo Nhà nước Đan Mạch thì tỷ lệ này sẽ là 50% vào năm 2020.
Ngoài điện gió công nghiệp, trong thập niên vừa qua công nghiệp tua-bin điện gió loại nhỏ dưới 100kW phát triển nhanh nhờ kỹ thuật đã tương đối hoàn chỉnh, sản lượng điện thu được có tính kinh tế cao nên được lắp đặt tại nhiều nơi trên thế giới. Theo báo cáo tháng 10 năm 2012 của Hiệp hội điện gió thế giới WWEA (World Wind Energy Association) thì năm 2009 số tua-bin điện gió loại nhỏ được lắp đặt trên thế giới là 521.102 nhưng hiện nay số tua-bin này đã lên đến 700.000 đơn vị. Ngoài việc đưa thông tin về công nghệ sản xuất tua-bin điện gió loại lớn từ 1 đến 10MW, tập sách còn đề cập đến công nghiệp tua-bin điện gió loại nhỏ trục ngang và trục đứng công suất dưới 100kW, trong đó có nguyên tắc kỹ thuật, phương án nối điện, sản lượng điện hằng năm, việc chọn lựa loại tua-bin điện gió cũng như những yếu tố cơ bản trong việc lắp đặt tua-bin theo Tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế IEC (International Electrotechnical Commission), Hiệp hội điện gió Anh quốc BWEA (British Wind Energy Association), Hiệp hội điện gió Đức BWE (Bundesverband Wind Energie e.V) và Hiệp hội điện gió Mỹ AWEA (American Wind Energy Association)…
Nguồn điện tái tạo từ sức gió cho loại tua-bin dưới 20kW hoặc từ tia nắng mặt trời hiện nay được nhiều Nhà nước trên thế giới bảo đảm thu mua với giá hỗ trợ đặc biệt, thí dụ như tại Italy là 33 US Cent, tại Anh quốc từ 39 đến 56 US Cent, tại Bồ Đào Nha là 57 US Cent và tại Nhật bắt đầu từ tháng 7 năm 2012 là 57,75 JPY/kWh, tương đương 70 US Cent/kWh (tua-bin điện gió công suất dưới 20kW). Tất cả giá thu mua này được Nhà nước bảo đảm trong 20 năm. Tại những nơi mà sự hỗ trợ về giá điện gió cao, phần lớn việc kết nối chuyển toàn bộ số điện sản xuất vào lưới điện quốc gia, tương tự như phần lớn điện mặt trời và điện gió tại châu Âu.
Tập sách Điện gió & Quạt gió bơm nước cũng đề cập chi tiết đến quạt gió bơm nước sử dụng tưới tiêu, quạt gió xay ngũ cốc, nguyên tắc kỹ thuật về chi tiết truyền động, các loại máy bơm cũng như những thông tin mới nhất về công nghiệp điện gió tại nước ta và trên thế giới năm 2013.
Nước ta là một nơi có tiềm năng gió rất tốt, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 về mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có điện gió lên 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Với sự phát triển không ngừng của công nghiệp điện gió và giá thành công nghệ giảm, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của nước ta sẽ được điều chỉnh để sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào điện từ than đá, dầu, khí đốt và điện hạt nhân cũng như góp phần quan trọng vào vấn đề an ninh năng lượng và loại bỏ được những nguy cơ tiềm ẩn của điện nguyên tử, giảm ô nhiễm do nhiệt điện gây ra, môi trường sống được an toàn hơn, hệ sinh thái không bị đảo lộn và người dân bớt đi được nỗi lo phải sơ tán do nguy cơ vỡ đập hoặc ngập lụt do thủy điện. Sự phát triển của xã hội, của nền kinh tế quốc dân được bền vững và có trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Tập sách do Nhà xuất bản Bách khoa – Hà Nội, Công ty TNHH Truyền thông My TP.HCM và Công ty Văn hóa Phương Nam TP.HCM in ấn và phát hành.