Thời điểm đẹp nhất để đi Pù Luông là vào tháng 5 và tháng 10, mùa lúa chín. Khi đó ruộng bậc thang như được phủ thảm vàng ươm, hương thơm dìu dịu phảng phất núi rừng. Bên đường, những bản làng dựa lưng vào núi, thấp thoáng giữa những đồi cọ xanh mướt. Để đến với Pù Luông, du khách có thể đi từ Hà Nội qua ngả Mai Châu, Hòa Bình, rồi từ đấy đi tiếp đến ngã ba Sại sẽ gặp đường 15C chạy dọc sông Mã, vắt ngang khu bảo tồn thiên nhiên này. Con đường 15C rải đá cũng chia cắt Pù Luông thành hai hệ sinh thái khác biệt với một bên là hệ sinh thái núi đá vôi, một bên là hệ sinh thái núi đất. Đường dài khoảng 50km với nhiều dốc cao. Trong những ngày nắng, ôtô, xe máy có thể vượt suối và đi lại dễ dàng. Trong những ngày mưa gió, đường rất trơn trượt và nguy hiểm.
Qua khảo sát của các nhà khoa học, sự phong phú và đa dạng sinh học của Pù Luông chỉ đứng sau Vườn quốc gia Cúc Phương. Đây hiện là nơi cư trú của hàng chục đàn voọc quần đùi trắng – loài linh trưởng quý hiếm. Không chỉ có vậy, hệ sinh thái núi đá vôi nơi đây còn lưu giữ nhiều hang động huyền bí. Trong rừng, các loài hoa lạ và phong lan quý hiếm tạo nên những cảnh sắc xinh đẹp, quyến rũ. Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, lại có rừng già bao quanh, Pù Luông có khí hậu rất lý tưởng: một ngày có bốn mùa và nhiệt độ không bao giờ vượt quá 23 độ C. Bên cạnh những khu rừng già hoang dã là những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng tuyệt đẹp. Các loại rau quả như bầu bí, su su, rau cải… đơm hoa kết trái quanh năm với hương vị đặc biệt thơm ngon. Nằm giữa đại ngàn có các bản người Mường, người Thái. Bản nào cũng có một vài nhà nghỉ phục vụ du khách. Người Thái vốn nổi tiếng thân thiện lại yêu văn nghệ, luôn sẵn sàng cùng du khách đàn hát, múa xòe… Chiều xuống, tiếng mõ trâu lốc cốc khi làn khói bếp hòa quyện cùng sương mờ lan trên những mái tranh tạo nên một không gian thật đầm ấm.
Để vãn cảnh, đẹp nhất ở Pù Luông có Kho Mường – Phố Đoàn, con đường mòn nhỏ dài khoảng 10km quanh co men theo sườn núi. Nếu đi vào thứ Năm và Chủ nhật, hai ngày họp chợ phiên Phố Đoàn, du khách sẽ gặp người Thái, người Mường váy áo xúng xính chen nhau mua bán rộn ràng. Ở sâu hơn có bản Cao Hoong và bản Kít, hai bản đẹp nhất Pù Luông với những mái nhà sàn nằm chênh vênh trên sườn núi cao giữa núi rừng nguyên sơ. Xa nhất là bản Eo Điếu. Đường đi vào Eo Điếu rất dốc, núi đá lô nhô hùng vĩ. Bản này nằm trên núi cao, qua nhiều cây cầu tre sơ sài bắc ngang suối, nếu đi vào cuối thu sẽ gặp nhiều hoa trạng nguyên đỏ thắm.
Dưới hình thức du lịch cộng đồng, những giá trị về tiềm năng du lịch của Pù Luông đang bắt đầu được biết đến. Nếu đường sá được nâng cấp và khai thác đúng cách, chắc chắn đây sẽ là một điểm đến sinh thái hấp dẫn trong tương lai.