Chuyến đi của chúng tôi đến Sentani, một trong những hồ nước lớn nhất trên đảo Papua – tỉnh cận đông thuộc Indonesia may mắn trùng với những ngày lễ hội Kalkote. Cuối tháng 6, cái nóng ẩm cao độ của miền nhiệt đới xích đạo như càng làm bầu không khí hội hè thêm sôi động. Không có nhiều du khách trong lễ Kalkote vì lễ hội hằng năm này được tổ chức theo lịch của thổ dân địa phương, ít người ngoài vùng biết được chính xác ngày Kalkote diễn ra theo Dương lịch.
Năm nay, lễ hội kéo dài bốn ngày, có sự tham gia của 19 bộ lạc với những màn trình diễn văn hóa đa dạng, các buổi triển lãm hàng thủ công và lễ hội ẩm thực khá phong phú. Một cuộc diễu hành văn hóa của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau tại Papua và từ khắp nơi trên đất nước Indonesia cũng diễn ra đầy màu sắc. Trong lễ hội, mọi người nhảy múa theo điệu isolo – vũ điệu truyền thống trên thuyền theo những làn điệu và câu chuyện dân gian trong khi 500 người khác mặc trang phục truyền thống cùng nhảy múa theo điệu nhạc Tifa. Người ta còn tổ chức những cuộc đua thuyền, cuộc thi đánh trống và thổi sáo rất hào hứng.
Tôi đặc biệt có ấn tượng với isolo, gồm các điệu nhảy tập thể biểu diễn trên mấy chiếc thuyền đậu gần bờ hồ. Mỗi màn trình diễn có năm hoặc sáu chiếc thuyền, mỗi thuyền có khoảng hơn 20 vũ công mặt mũi, thân hình được sơn vẽ rất đẹp. Lông chim quý nhiều màu sắc cũng được dùng để tô điểm cho các vũ điệu vừa có âm hưởng núi rừng, vừa mang màu sắc sông nước. Những chiếc thuyền được trang trí cầu kỳ, không cái nào giống cái nào. Hình như thuyền nào càng lộng lẫy, vũ công nhảy múa càng cuồng nhiệt và đàn hát, đánh trống càng lớn thì càng được đánh giá cao. Người Papua khá đẹp, thân hình cân đối, gương mặt tươi sáng, ưa chăm chút bề ngoài và rất thích nhai trầu cho môi luôn đỏ!
Mấy năm qua, từ khi có đường bay đến Sentani, vùng hồ này bắt đầu được giới du khách yêu thiên nhiên biết tới vì phong cảnh xinh đẹp tuyệt vời. Nằm gọn giữa dãy núi Cycloops với quần thể thực vật sum suê tươi tốt trải dài, hồ Sentani rộng gần trăm cây số vuông như viên ngọc quý giữa rừng xanh với nhiều loài cá cực kỳ quý hiếm. Một trong những đặc sản của hồ đang trên đà tuyệt chủng là loài cá kiếm. Dân địa phương yêu chuộng cá kiếm, thường làm những vật trang trí bằng gỗ có hình dạng loài cá này treo trên tường, như một cách giới thiệu về nét đặc trưng của hồ Sentani với du khách.
Đến Sentani, du khách cũng thường tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc ở các ngôi làng ven hồ. Chúng tôi chọn ghé thăm làng Asmat – nơi cư trú của một trong những bộ tộc sinh sống lâu đời tại đây. Người dân Asmat có nghệ thuật chạm khắc gỗ đậm chất mỹ thuật và vẫn thường mặc trang phục cổ truyền có phần sặc sỡ.
Chuyến đi thăm những căn nhà sàn của ngư dân ven hồ cũng khá thú vị. Gió thổi lồng lộng, không khí trong lành và nụ cười thân thiện của người dân khiến du khách khó lòng từ chối thưởng thức bữa trưa có món cá đặc sản kerambah. Người dân nơi đây rất hiếu khách vì đã quen thuộc với du khách đến tham quan hoặc nghỉ dưỡng tại Sentani. Du khách có thể dùng thuyền đánh cá của dân địa phương để khám phá hồ và tận mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp xung quanh cùng những ngọn đồi bao phủ đất khô giống như một thảo nguyên mênh mông.
Nhiều khách phương Tây thường ở lại đây cả tuần chỉ để bơi lội trong hồ, trò chuyện với dân địa phương, xem cách chế biến món bánh bột sago, nếm thử những món đặc sản địa phương và hương vị trái cây matoa bày bán dọc đường hoặc trong các khu chợ dân dã…