Rồng, một biểu tượng văn hóa, ra đời từ sự nỗ lực của con người trong việc tìm hiểu và nhận thức thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, ở hai nền văn hóa Đông và Tây, sự nhìn nhận về rồng lại được quyết định bởi bản chất và đặc thù của mỗi nền văn hóa. Nếu phương Tây coi rồng là biểu tượng cho sự xấu xa, độc ác, là đối tượng mà con người cần phải chinh phục; thì ngược lại phương Đông lại xem rồng là biểu tượng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng.
Vì tính thần thoại của loài rồng mà các nhà làm phim có thể thoải mái khai thác đủ khía cạnh của sinh vật này. Mỗi nhà làm phim lại có cách thể hiện, khai thác hình tượng loài kỳ thú này một cách khác nhau.
Chúng ta cùng xem những chú rồng nổi tiếng nhất trên màn ảnh!
Rồng Smaug
Phim “The Hobbit: The Desolation of Smaug” trong loạt phim “The Habit” năm 2012, 2013, 2014
Bộ phim thần thoại sử thi 3D “The Hobbit: The Desolation of Smaug” là phần phim thứ 2 trong series 3 phần của loạt phim “The Hobbi”t, tiếp tục kể về cuộc hành trình của anh chàng hobbit bé nhỏ Bilbo Baggins (Martin Freeman) cùng 13 người lùn, dẫn đầu bởi Thorin Oakenshield (Richard Armitage), dấn thân vào cuộc hành trình đòi lại Ngọn núi Cô đơn và những báu vật trong đó từ con rồng Smaug.
Rồng Smaug là một con rồng lửa khổng lồ tham lam tột độ, có sức mạnh và hết sức ranh ma, tinh quái, độc ác khôn lường. Nó có khả nặng khạc ra lửa, tàn phá mọi thứ trên đường đi. Smaug đã chiếm cứ ngọn núi Cô đơn vùng Erebor cùng tất cả số kho báu. Trên bình diện nào đó, rồng Smaug tỏ ra khá thu hút và lôi cuốn người xem bởi sự bí ẩn của nó, đồng thời cũng chứa đựng đầy mối đe dọa và hiểm nguy toát ra từ vẻ ngoài đáng sợ của Smaug.
Để tạo ra được hình ảnh rồng khổng lồ uy vũ như thật và tràn đầy sức sống, các chuyên gia kỹ xảo hình ảnh đã “thai nghén” ra Smaug trong chính studio sản xuất kỹ xảo của đoàn phim. Trong quá trình tạo ra Smaug, các chuyên gia kỹ xảo đã sử dụng hiệu ứng 3D tái hiện và mô phỏng lại các hành động của người thật do Benedict Cumberbatch thể hiện.
Trong số các nhân vật chính, tạo hình rồng lửa ác độc Smaug cũng là một nhân vật khá thú vị, một sản phẩm của kỹ xảo vi tính lẫn người thật tạo nên. Ít ai biết, từ tạo hình, chuyển động cho đến biểu hiện cảm xúc trên gương mặt của rồng Smaug đều được các chuyên gia kỹ xảo hình ảnh sử dụng những nút cảm ứng trên cơ thể nam tài tử Benedict Cumberbatch. Chính Cumberbatch đã làm nên hình ảnh một rồng lửa ranh ma, tinh quái hết sức chân thật và sống động trên màn ảnh.
Để hóa thân thành rồng lửa khổng lồ Smaug hiện lên như thật trên phim, nam diễn viên Benedict Cumberbatch đã phải lăn lê bò toài trong studio, đối mặt với những tấm phông xanh cùng đám dây dợ, máy móc hết sức phức tạp. Cumberbatch đã phải thể hiện tất cả những cảm xúc, hành động thể hiện sự tức giận, phẫn nộ, vẻ mặt gớm ghiếc cũng như thốt ra những âm thanh gầm gừ hoặc kê la phẫn nộ, cốt làm sao thể hiện được đầy đủ trạng thái, cảm xúc của rồng Smaug.
Chú Rồng Răng Sún – Toothless
Phim “How to Train Your Dragon” năm 2010, 2014, 2019
“How to Train Your Dragon” là câu chuyện về một cậu bé người Viking lạc loài tên Hiccup, tình cờ gặp một con rồng Night Fury đang bị thương. Hiccup đã chăm sóc chú rồng, giúp chú bay trở lại bầu trời, và đặt tên chú là Toothless – Răng Sún. Một tình bạn đặc biệt và sâu sắc đã hình thành giữa Hiccup và Toothless.
Bộ ba phim “How to Train Your Dragon” đã theo Hiccup và Toothless khám phá bản thân mình, trưởng thành, nuôi dưỡng tình bạn, hàn gắn nỗi đau mất mát, chống lại thành kiến của loài người đối với loài rồng. Bộ ba phim đều nhận được đề cử Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc, thu về hơn 1,6 tỷ USD (khoảng 38 nghìn tỷ đồng) doanh thu phòng vé.
Mới đây, hãng Universal Pictures tuyên bố đã khởi động dự án “How to Train Your Dragon” phiên bản live-action (phim do người thật đóng). Dean DeBlois, người đã viết kịch bản và đạo diễn bộ ba phim hoạt hình cũng sẽ là người viết kịch bản và đạo diễn phiên bản live-action này. Được biết, đây là lần đầu tiên người đảm nhận phiên bản hoạt hình cũng đảm nhận luôn phiên bản chuyển thể live-action của phim đó.
Đứng trước phiên bản live-action của “How to Train Your Dragon”, khán giả có những ý kiến đa chiều. Người hứng thú, người lại e ngại bởi khi đưa thế giới rồng của “How to Train Your Dragon” lên phim live-action sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách. Trong đó, đáng bận tâm nhất là làm cách nào để những chú rồng trong phim chân thực nhưng đồng thời vẫn phải hấp dẫn, thân thiện như phiên bản hoạt hình.
Cô Rồng Dragon
Phim “Shrek” năm 2001, 2004, 2007, 2010
Hầu hết các phim đều phác họa rồng là giống đực (nghe có vẻ hơi phân biệt giới tính nhỉ). Và Shrek là một trong số những phim hiếm hoi có sự xuất hiện của một cô rồng. Dragon là nàng rồng có màu hồng thùy mị, bề ngoài tưởng dữ dằn nhưng bên trong lại nhạy cảm và mỏng manh.
Đi ngược lại mọi định kiến về loài rồng, các họa sĩ Dreamworks là biến Dragon trở thành một “mỹ nhân gặp nạn” thay vì hình tượng chiến binh như bao phim khác. Chưa kể, Dragon còn cùng với chú lừa Donkey lắm chuyện tạo ra mối quan hệ lãng mạn khác loài “có một không hai” trên màn ảnh. Dragon là một trong những con rồng đầu tiên được tái hiện bằng công nghệ CGI, và nó cũng nhân tố quan trọng, góp phần làm nên thành công của loạt phim Shrek.
Dù ban đầu xuất hiện như một nhân vật phản diện, chặn đường Shrek, nhưng càng về sau, Cô Rồng Dragon càng thể hiện mình là một người bạn đường đáng tin cậy khi hỗ trợ Shrek và những người bạn trong những tình thế ngặt nghèo.
Tuy không có quá nhiều đất diễn, nhưng hình tượng Dragon trong loạt phim “Shrek” xứng đáng là điểm nhấn trong cả loạt phim nhờ sự đột phá trong khâu tạo hình, thiết kế và nhờ thông điệp rất rõ ràng nhưng không kém phần khéo léo về sức mạnh của những người phụ nữ.
Rồng Draco
Phim “DragonHeart” năm 1996
“DragonHeart” là một bộ phim phiêu lưu giả tưởng năm 1996 do Rob Cohen đạo diễn và Charles Edward Pogue viết kịch bản, dựa trên một câu chuyện do anh và Patrick Read Johnson tạo ra. Phim có sự tham gia của Dennis Quaid, David Thewlis, Pete Postlethwaite, Dina Meyer và Sean Connery trong vai lồng tiếng cho Rồng Draco.
Nội dung phim là câu chuyện về hành trình tìm kiếm trái tim rồng của hiệp sĩ người Anh – Bowen (Dennis Quaid). Anh được nhà vua tin tưởng và lựa chọn trở thành người cố vấn cho con trai mình – hoàng tử Enion (David Thewlis). Tuy nhiên, khi tham gia đàn áp cuộc nổi dậy của nông dân, Enion bị một cô gái đâm vào tim, chỉ còn thoi thóp sống. Để cứu hoàng tử, Bowen có nhiệm vụ đi tìm và lấy trái tim của con rồng vĩ đại nhất thay thế trái tim bị thương của Enion.
Bộ phim tạo tiếng vang lớn khi mới công chiếu và xuất sắc đoạt giải Phim Khoa học viễn tưởng hay nhất tại Giải Sao Thổ năm 1997.
“DragonHeart” là bộ phim đầu tiên sử dụng phần mềm Caricature của ILM, được phát triển để giúp phần thoại của Rồng Draco với do tài tử nổi tiếng Sean Connery lồng tiếng. Lập trình viên Cary Phillips đã nhận được Giải thưởng Thành tựu Khoa học và Kỹ thuật của Viện hàn lâm vì đã tạo ra phần mềm này. Bộ phim được đông đảo công chúng chú ý khi khởi chiếu vì có nhân vật rồng CG thực tế đầu tiên trong phim, và Draco là con rồng đầu tiên ILM tạo ra có khả năng nói được tiếng người.
Thần rồng Haku
Phim “Vùng Đất Linh Hồn” năm 2001
Phim kể về câu chuyện của Ogino Chihiro, một cô bé 10 tuổi luôn buồn chán, trong khi chuyển đến ngôi nhà mới thì cô bị lạc vào thế giới linh hồn của tín ngưỡng dân gian Thần đạo Nhật Bản. Sau khi cha mẹ mình bị phù thủy Yubaba biến thành heo, Chihiro buộc phải làm việc tại nhà tắm công cộng của Yubaba để tìm cách giải thoát cha mẹ và mình và trở về với thế giới loài người.
Haku trong “Vùng Đất Linh Hồn” được xây dựng dựa theo truyền thuyết dân gian về thủy thần Mizuchi, vị thần của những dòng sông. Mizuchi là vị thần có hình dạng của một con rồng vảy bạc nên thường được người Nhật Bản xưa gọi là thủy long. Haku trong phim vốn có tên là Nigihayami Kohaku Nushi – thần sông Kohaku. Khi con sông bị lấp, cậu đã lang thang, vất vưởng không chốn dung thân rồi bị lạc vào Vùng đất linh hồn và sau đó gặp cô bé Chihiro. Haku là thần sông nên có khả năng biến hình thành một con rồng vảy bạc, bờm xanh. Đây là một hình tượng gắn liền với dòng sông trong quan niệm của người Nhật.
Thần rồng Sisu
Phim “Raya Và Rồng Thần Cuối Cùng” năm 2021
Khi vùng đất Kumandra bị những linh hồn tà ác Druun tàn phá, rồng thần Sisu quyết định dồn phép thuật vào một viên ngọc để cứu vương quốc. Sau cuộc chiến, bộ tộc Long Tâm được giao trọng trách bảo vệ viên ngọc. Năm trăm năm sau, do tham vọng thống trị Kumandra, bộ tộc Long Nha cướp viên ngọc khỏi bộ tộc Long Tâm. Nhưng sự biến mất của viên ngọc khiến Druun quay lại và toàn bộ Long Tâm bị biến thành đá.
Để giải cứu quê hương, Raya được giao trọng trách đi tìm rồng thần cuối cùng Sisu. Trong hành trình tìm kiếm rồng thần, cô bé đã nhận được nhiều bài học về tình yêu, tình đồng đội cũng như sự chia sẻ và tin tưởng vào bản thân, bạn bè. Tuy nội dung của “Raya và Rồng Thần Cuối Cùng” khá quen thuộc nhưng bộ phim vẫn gây ấn tượng bởi chú rồng nhiều màu sắc cùng những tình tiết gây hài mang đậm phong cách Á Đông.
Rồng thần Sisu không biết phun lửa như các chiến long khác, nhưng lại có thể giao tiếp thân hữu với loài người. Không chỉ thế, Sisu còn là “cây hài” của câu chuyện với những trò cười ngây ngô nhưng vẫn rất đáng yêu. Đặc biệt, Sisu còn có khả năng “biến hình” thành con người mà chẳng “ra dáng” nguy hiểm, uy nghiêm của loài rồng. Song đừng vì vậy mà đánh giá thấp Sisu, cô nàng là nhân vật có tâm hồn thuần khiết, hướng thiện nhất trong vùng đất Kumandra. Mang trong mình trọng trách cao cả – khôi phục viên ngọc rồng thần, Sisu luôn giữ mình trong sáng, luôn đặt niềm tin vào lẽ phải cũng như sự hòa hợp giữa loài người và rồng. Sisu còn là nguồn động viên lớn lao cho nhân vật chính Raya, giúp cô hoàn thành trách nhiệm.
Cuối phim, Sisu đã khôi phục sức mạnh “thiên biến vạn hóa”, trở thành rồng thần đúng nghĩa, nhưng cô vẫn là người bạn chân thành với những người đã cùng cô đồng cam cộng khổ. Sisu không chỉ là hình tượng rồng thần mới lạ trên màn ảnh, mà còn là biểu tượng cho những nét đẹp tinh túy nhất của người phụ nữ Á Đông.
Rồng Long Zhu
Phim “Wish Dragon” năm 2021
Din là một chàng sinh viên sống tại Thượng Hải. Một ngày nọ, cậu vô tình được một ông lão tặng một bộ ấm trà. Khi xoa ấm, một chú rồng màu “hường” xuất hiện, hứa ban cho chủ nhân 3 điều ước. Giờ đây, Din đã trở thành chủ nhân mới và cũng là chủ nhân cuối cùng của chú rồng tên Long Zhu. Thông qua các điều ước và những biến cố xảy ra, Long Zhu và Din dần học được ý nghĩa thật sự của cuộc sống.
Bộ phim rồng được sản xuất bởi Trung Quốc và Mỹ nên có sự kết hợp hài hoà giữa hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây. Phim phản ánh xã hội Thượng Hải hiện đại thông qua sự cách biệt giữa các tầng lớp trong xã hội. Đồng thời, phim vẫn giữ được nét Mĩ trong các phân cảnh phép thuật kì ảo.
Rồng trong phim Việt
Năm 2017, dự án phim hoạt hình “Con Rồng Cháu Tiên” được ra đời và đã thổi một làn gió hiện đại vào chuyện xưa tích cũ, làm cầu nối lan tỏa văn hóa dân gian với nhiều bài học ý nghĩa đến thế hệ trẻ Việt.
Đây là dự án phim hoạt hình, được kể lại với tất cả tình yêu dành cho văn hoá dân gian. Dự án được khởi xướng & thực hiện bởi thương hiệu Biti’s, hợp tác với các đơn vị sản xuất và sáng tạo bao gồm: Hãng Phim Trẻ, Redder Advertising, RedCat Motion, Freaky Motion, Digipost, cùng Novel Production, và nhà sử học Dương Trung Quốc giữ vai trò cố vấn nội dung.
Bộ phim được hoàn thành với 180 ngày tâm huyết, hơn 10.000 giờ sáng tạo của hơn 100 nghệ sĩ xuất phát từ mong ước làm sống lại câu chuyện cội nguồn, để truyền tải tốt hơn các bài học cốt lõi của văn hóa Việt. Đó là giá trị của sự lao động, chinh phục thiên nhiên, lòng tri ân, sự đoàn kết, tình yêu thương “đồng bào” và niềm tự hào dân tộc.
Phim hoạt hình “Con Rồng Cháu Tiên” đã tạo nên một thế giới hoàn toàn thuần Việt, được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng từ ngoại hình nhân vật, quần áo trang phục cho đến phong cảnh trong phim để người xem có thể cảm được từng thước phim sống động và có thể tự hào nói rằng đây chính là một bộ phim hoạt hình của Việt Nam chúng ta, không nhầm lẫn với một quốc gia nào khác. Đến nay, phim đã đạt con số 35 triệu lượt xem.
Hình tượng con rồng trong phim được lấy nguyên mẫu rồng thời nhà Lý. Từ xưa tới nay, biểu tượng rồng thời Lý thường được xuất hiện trong các công trình kiến trúc, mỹ thuật.
Với ý nghĩa thiêng liêng mang bản sắc dân tộc riêng, rồng thời Lý được khắc họa lại hình ảnh chân thật, gần gũi, chi tiết. Các nhà điêu khắc và kiến trúc sư đã “miêu tả” lại hình ảnh rồng của thời Lý với nét vui vẻ, hiền lành, có sống mũi to và rất nhiều lông, thường ngẩng cao đầu, miệng há to, mép trên miệng không có mũi và được kéo dài ra như một chiếc vòi với độ mềm mại uốn lượn, vươn cao. Đặc biệt, phần vuốt nhỏ dần về sau, một chiếc răng nanh mọc ở cuối hàm trên với độ uốn cong và vắt qua vòi mép phía trên. Mình rồng dài, dọc sống lưng là một hàng vảy thấp tỉa từng cái tách biệt, đầu vây trước tua vào hàng vây sau, bụng có đốt ngắn như của rắn. Cả 4 chân rồng đều có khủy phía sau và cũng có móng giống như chân chim.
Một điểm cộng lớn của bộ phim “Con Rồng Cháu Tiên” chính là sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh và âm thanh. Nếu như phần hình ảnh được chỉn chu từ tạo hình nhân vật đến từng khung cảnh thì phần âm nhạc cũng được đầu tư không kém, từ bản phối, âm nhạc cũng như ca từ trong ca khúc.
Bài hát chủ đề của bộ phim “Cùng Nhau Ta Thắp Sáng” do ca sĩ Thanh Bùi và Novel Production sáng tác – sản xuất, ca sĩ Bích Ngọc trình bày là sự cộng hưởng hài hòa giữa giai điệu hiện đại nhưng vẫn giữ được nét tinh túy của âm nhạc dân gian, hùng hồn và hào sảng nguồn gốc dòng máu Lạc Hồng.