Bên nhà gái ở tỉnh khác nên chủ yếu là khách của nhà trai. Nhạc nhẹ, thực khách ăn uống chuyện trò thoải mái với nhau. Một bàn là nhóm bạn cũ lớp mười hai của anh sui. Nhìn lên sân khấu, một chị kể chuyện: “Hồi đó ai cũng đậu đại học, cao đẳng lên đường đi học xa, mình với bạn ấy (chị sui) thi rớt.
Nhà có cửa tiệm nên mình phụ ba mẹ buôn bán. Bạn ấy không biết làm gì, chiều nào cũng ra nhà mình, hai đứa ngồi khóc. Một bữa, mình mách bạn ấy hay là mua thuốc (ăn trầu) ra chợ bán. Vậy mà, từ một thúng thuốc, trầu, cau, vôi ngồi dưới đất ở góc chợ, rồi chợ xây mới, vay tiền, mua sạp.
Lập gia đình được mấy năm, có hai con thì chồng đổ bệnh, nghỉ làm nhà nước. Giai đoạn đó chật vật kinh khủng. Vậy mà, từ sạp trầu cau ban đầu giờ thành nơi bỏ mối cho mấy chợ. Con cái học hành, dựng vợ gả chồng. Mới thấy khó khăn nào rồi cũng qua”.
Nhóm bạn có lẽ mỗi người một suy nghĩ. Có người là quan chức, người công chức đã về hưu, người làm nông, người buôn bán, người ở nhà phụ việc cho vợ… Rồi mọi người nhớ lại hoàn cảnh của chị bạn vừa kể chuyện, một câu chuyện cách đây mươi năm.
- Xem thêm: Quan niệm sống
Kỳ đó, chị phát hiện bị ung thư vú. Con trai đầu đang vào kỳ thi đại học, con gái sau mới học lớp bốn. Chồng chị là thợ điện, chị có cửa tiệm tạp hóa nhỏ ở nhà. Khỏi phải nói, khi ấy là… trời sập. Bạn bè hay tin, đến thăm, giúp đỡ, động viên chị thêm nghị lực để chữa bệnh.
Năm đó, chồng chị vào thành phố, một công đôi việc, đưa con đi thi và chăm chị ở bệnh viện. Sau phẫu thuật, chị phải điều trị hóa chất một năm. Con trai đậu đại học sư phạm, chị thấy như bệnh tình thuyên giảm phần nào và quyết tâm chữa bệnh. Khó khăn tiền bạc, thời gian, hay những lần bị hóa chất hành, chị vẫn mỉm cười.
Rồi cũng qua, con trai ra trường có được chỗ dạy tốt, thu nhập khá. Con gái đậu trường chuyên… Chị kể, vừa rồi con trai phụ cha mẹ xây lại nhà, sang năm cháu cưới vợ. Nhìn chị thấy trẻ ra. Chị nói: “Hồi các bạn đến nhà thăm mình, ai cũng nắm tay kiểu như giã biệt luôn. Nhớ lại mà rớt nước mắt”.
“Việc gì rồi cũng qua” là kết luận của chị ấy và cũng là bí quyết giúp cuộc sống lạc quan. Người quan chức nhớ lại, một đời lao tâm khổ tứ, đấu đá, tranh giành, có được chức vị như bây giờ cũng trầy vi tróc vảy.
Nhà cửa, xe cộ, tài khoản ngân hàng, con cái học trường quốc tế… mà thèm được vô tư như chị bạn. Thuyền to sóng lớn, vẫn còn bao thứ phải lo, tiềm lực không nhiều nhưng ước muốn lại đa dạng bởi đã vào cái guồng quay của một tầng lớp khác. Lại thêm, bao năm ăn nhậu, khách khứa, ăn không thiếu món gì, càng “độc” phải tìm ăn cho biết.
Đi nước ngoài như đi chợ, tưởng hạnh phúc hơn khối người, nhưng không phải! Bệnh tật giờ ào ạt đổ ra, huyết áp, “gút”, thận, gan… may mà chứng tiểu đường chưa mon men tới. Mỗi ngày, bước xuống giường phải “nốc” mấy trăm ngàn đồng tiền thuốc!
Người sắp về hưu bỗng thấy buồn, đi làm, lương không bao nhiêu nhưng còn có “lậu”, chức không cao nhưng cũng có kẻ nhờ vả. Về hưu là hết, lương giảm, lậu không còn, những kẻ nhờ vả xưa nay làm lơ coi như chưa hề quen biết. Thấm đòn nhân tình thế thái! May sao vẫn còn sức khỏe làm niềm tin và tự hào với bạn, nhưng không biết được bao lâu vì sức khỏe là của trời cho.
- Xem thêm: Hy vọng và quyết tâm
Tưởng chỉ người trí thức, công chức, quan chức mới suy nghĩ, ông bạn làm ruộng cả đời chưa ra khỏi lũy tre làng cũng có mối lo. Giá lúa rớt mà phân bón, thuốc trừ sâu ngày càng tăng. Mưa nắng thất thường. Ông bạn làm kinh doanh càng lo, mấy năm trước phất như diều, hợp đồng ký mỏi tay giờ đây cũng dài mặt, duy trì ngày nào hay ngày đó, không dám tính kế hoạch năm, đừng nói đến năm năm…
Xem ra, ai cũng có nỗi lo. Cuối cùng, chị đã về hưu chốt hạ: “Gì rồi cũng qua hết à, hồi mới nghỉ hưu mình cũng lo lắm, tiền đâu nuôi thằng con học đại học, các mối quan hệ xã hội ngày càng teo tóp, buồn lắm chứ. Vậy mà, ai cũng bảo mình trẻ ra. Phải quẳng gánh lo mà vui sống, bởi có lo cũng không được gì còn thêm bế tắc. Trong cái xấu nhất chọn cái ít xấu, mạnh khỏe là nhất. Mà, muốn mạnh khỏe phải lạc quan”.
Ừ nhỉ, ông bà xưa nói rồi, sức khỏe là vàng, có sức khỏe là có tất cả, muốn có sức khỏe phải tin rằng, việc gì rồi cũng qua. Lạc quan mới là chìa khóa mở nhiều cánh cửa của cuộc sống.