Vùng thôn quê miền sông nước Tây Nam bộ có không ít loài rau dại mọc hoang, đa dạng về chủng loại; từ thuở đi mở cõi khai phá vùng đất này người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng chúng làm thức ăn hằng ngày. Rau dại có loài thân bò chằng chịt, quấn quanh các cây gỗ lớn như rau choại, nhãn lồng (lạc tiên) hay bò là đà mặt đất như rau trai, rau má…; có giống thân gỗ gốc to cả người ôm như nhàu, cách, lụa, sộp…; có thứ sống nổi trôi lềnh bềnh trong nước như rau dừa, rau ngổ, rau dịu… hoặc mọc ở ven mương, mé đìa gần nhà như rau ráng, rau mui…; có giống mọc giữa đồng hoang như lá hẹ, rau mác, năng, bông súng…
Bồn bồn
Người ta thường ăn sống nhiều loại rau dại. Khi thì chấm nước mắm, mắm kho, cá kho như lá hẹ, bông súng… hoặc ăn kèm với cá lóc nướng trui như lá lụa, đọt sộp, lá cách, lá cát lồi, lá nhàu… Có loại trụng qua nước sôi trước khi ăn như đọt ráng, choại, đọt nhãn lồng… Có thứ nấu canh như lá huyết bò, mỏquạ…, để nấu canh chua như bông so đũa, cù kèo, điên điển… Có loại xào với tóp mỡ, với tép, nhái như năng bộp, bồn bồn, rau mui… Rau càng cua thì vừa ăn sống vừa làm gỏi chua chấm cá kho…
Dưa môn muối chua
Bông điên điển, bồn bồn, môn dại thì làm dưa để dành ăn dần. Đáng nói nhất là cây môn nước hay còn gọi là môn ngứa, mọc hoang ở mương vườn, đầm lầy, ven sông rạch, thân có một thứ nhựa gây ngứa khi ta lỡ chạm vào. Tuy nhiên, dân gian có cách độc đáo chế biến chúng thành món dưa ăn với cá kho, mắm kho, cơm nóng tuyệt ngon. Người ta chọn bẹ non của những bụi môn dầm mình trong nước, cắt từng khúc dài chừng ngón tay, đem muối trong cần xé đến khi chất nhầy tiết ra gần hết thì đổ vô khạp ủ, thêm nước vo gạo và ít đường mía, ít tép tỏi đập dập, ớt sừng trâu xắt miếng… rồi đậy kín, phơi nắng, phơi sương, chừng 4-5 ngày môn ngả màu vàng, chua là ăn được!
Rau choại
Người dân quê miền sông nước Nam bộ còn lấy lá rau dại gói thịt để nướng, hay hấp, um.Thịt cóc, thịt chuột làm sạch, băm nhuyễn rồi gói lá nhàu hay lá mãng cầu nướng trên than hồng, ôi thôi thơm hết chịu nổi. Lươn thì um rau ngổ, lá nhàu, cá lóc hấp với lá bầu, thịt chồn bằm nhuyễn gói lá bầu, lá mướp hấp cách thủy…
Rau má mọc hoang
Bông súng
Không chỉ giúp cho thức ăn thêm ngon miệng, nhiều loại rau còn tạo sự cân bằng, hòa hợp âm dương cho món ăn. Lá gừng, lá nghệ chấm cá trê kho, tép bạc luộc ăn với chuối chát là những ví dụ cụ thể.Nhiều loại rau dại còn được dùng để chữa bệnh. Thịt cóc gói lá mãng cầu theo dân gian lưu truyền có tác dụng trị bệnh trẻ em còi xương, bụng chướng hơi, nổi gân xanh. Rau má xay uống với nước dừa tươi vừa giải khát vừa có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Bông so đũa nấu cá rô đồng được nhiều người cho là có tác dụng tăng cường sinh lực cho nam giới, thể hiện trong câu ca dao:
Canh chua nấu cá rô đồng
Nửa đêm thức dậy nhớ chồng đi xa.
Trần Minh Thương