Raman Hui tên đầy đủ là Hứa Thành Nghị. Năm 1984, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hongkong với chuyên ngành thiết kế đồ họa. Hứa Thành Nghị từng vào đài TVB làm việc, tham gia công việc chế tác một số bộ phim hoạt hình. Trong một cuộc thi phim ngắn, Hứa Thành Nghị đoạt giải quán quân, và sau đó cũng nhận được một số giải thưởng ưu tú khác, nhưng Hứa Thành Nghị chưa gia nhập vào làng điện ảnh ngay lập tức, mà anh bắt đầu công việc trong một công ty quảng cáo do một vị giáo sưở trường đại học giới thiệu. Công ty này mang tên Quantum Studios, là một công ty về làm hình động trên máy tính. Lúc đầu, Hứa Thành Nghị không hẳn muốn làm việc tại Quantum Studios, nhưng sau đó đã bị những hình động thiết kế bởi máy tính phục vụ cho các thước phim quảng cáo thu hút, cho nên anh quyết định hướng theo công việc này để phát triển cho tương lai. Sau một thời gian làm tại đây, Hứa Thành Nghị quyết định tham gia một khóa học ngắn hạn tại Canada. Vì chưa bao giờ sống ở nước ngoài, anh chỉ muốn mượn cơ hội này xem như một trải nghiệm mới, nhưng không ngờ rằng sau khi kết thúc khóa học, Hứa Thành Nghị được thầy cô và bạn bè động viên ở lại Canada phát triển sự nghiệp, và nhờ đó mà anh có cơ hội đến làm việc cho hãng Dreamworks Animation.
Hứa Thành Nghị từng đạo diễn hai bộ phim ngắn là Sleepy Guy (1995) và Fat Cat on a Diet (2000). Anh được giao làm giám sát cho đội ngũ làm hoạt hình và trưởng nhóm thiết kế nhân vật cho bộ phim hoạt hình CGI đầu tiên của Dreamworks – Antz. Và từ đó, Hứa Thành Nghị được nhận trọng trách giám sát đội ngũ làm hoạt hình cho các bộ phim tiếp theo của Dreamworks như Shrek và Shrek 2. Đến Shrek the Third anh đã được tin tưởng giao cho vai trò đồng đạo diễn cùng Chris Miller. Giới truyền thông Hongkong từng tôn vinh Hứa Thành Nghị là “cha đẻ của Shrek” nhưng anh luôn khiêm tốn cho rằng mọi người quá lời. Năm 2001, khi Shrek lần đầu tiên ra mắt khán giả trên toàn thế giới đã tạo nên một cơn sốt bất ngờ đưa tên tuổi của hãng Dreamworks Animation lên tầm cao mới, trở thành một đối thủ mà Disney/Pixar phải dè chừng. Sự thú vị của Shrek nằm ở chỗ nó đi ngược hẳn với phim hoạt hình truyền thống mà trước đó Disney đã tạo dựng. Nhân vật chính không còn là hoàng tử xinh đẹp, người có vẻ ngoài hiền lành nội tâm chưa chắc là người tốt, bề ngoài xấu xí không hẳn là ác, và Shrek đem đến tôn chỉ “không nên nhìn nhận mọi thứ chỉ bằng vẻ bề ngoài”. Tuy nhiên, bên cạnh thành công của Shrek, cũng có những luồng ý kiến cho rằng, Shrek chỉ hợp cho người lớn, sẽ dạy trẻ con những điều không tốt, nhưng Hứa Thành Nghị đã phản bác lại và cho rằng sự trưởng thành và tâm trí của một đứa trẻ không thể chỉ do một bộ phim hoạt hình. Theo anh, tiếng cười trẻ thơ khi xem Shrek khác hẳn với tiếng cười của người lớn khi cùng xem bộ phim này.
Sau một thời gian gắn bó với phim hoạt hình, giờ đây Hứa Thành Nghị lại nung nấu ý định làm một bộ phim người đóng về đề tài yêu quái, và anh sáng tạo nên yêu quái củ cải có hình tượng rất đáng yêu trong bộ phim Monster Hunt (Truy lùng quái yêu). Có kinh nghiệm vô cùng phong phú đối với phim hoạt hình, nhưng khi dấn thân thực hiện bộ phim người đóng như Monster Hunt, quả không phải là điều dễ dàng chút nào đối với Hứa Thành Nghị. Anh nhớ lại, khi bắt đầu thực hiện Monster Hunt, phó đạo diễn hỏi anh: “Đạo diễn, hôm nay sắp xếp quay xong cảnh này, anh thấy được không?”, “Tôi làm sao biết được”. Trong lòng anh cảm thấy lo lắng, “nhưng bây giờ nếu hỏi tôi, tôi có thể trả lời ngay: một ngày không đủ, ít nhất phải hai ngày”, Hứa Thành Nghị có một sự đắc ý nhỏ, “Làm thế nào để trao đổi với diễn viên, làm thế nào để lợi dụng thời gian có hạn quay được thứ tốt nhất, bây giờ tôi đã có khái niệm rồi, bản thân từng bước một trưởng thành”. Tham gia vào phim người đóng là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với Hứa Thành Nghị, mà còn ngồi ghế đạo diễn nữa thì là một vai trò khác hẳn hoàn toàn, anh nói: “Trước khi làm đạo diễn, tôi cảm thấy đạo diễn giống như vị thần, nói gì mọi người phải theo đó, nhưng sau khi làm việc tại Dreamworks, tôi mới phát hiện, hóa ra đạo diễn chỉ là một mắc xích, và còn phải phục vụ cho những mắc xích của mỗi một người trong đoàn làm phim”.
Thanh Vân (DNSGCT)