Ngày 12-10 vừa qua, tại Trường Đại học Hoa Sen, ban chủ biên của tủ sách gồm các đạo diễn Việt Linh, Vinh Sơn, Phan Xi Nê, Lê Hồng Lâm đã cùng phối hợp với Ban Tu thư Đại học Hoa Sen tổ chức buổi giao lưu, ra mắt sách đợt sáu với ba đầu sách dịch có nội dung rất giá trị trong ngành điện ảnh.
Đạo diễn Việt Linh và ban chủ biên tại buổi ra mắt tủ sách
Tại buổi ra mắt, đạo diễn Việt Linh cho biết Tủ sách điện ảnh hiện đã xuất bản gần 20 đầu sách. Lần này, tủ sách giới thiệu đến bạn đọc ba tác phẩm có cách viết gần gũi và dễ hiểu. Đầu sách thứ nhất có tên Bài học cho đạo diễn (On directing film) của tác giả David Mamet do NXB Penguin xuất bản năm 1992, người dịch là Nguyễn Lệ Chi. Philip Kemp, nhà phê bình điện ảnh Anh đã nhận xét về tác giả như sau: Trong lĩnh vực phim ảnh, địa vị của Mamet hiện nay là nhà biên kịch và nhà đạo diễn. Mặc dù hai chức danh này có thể không bao giờ sánh bằng sự nổi tiếng của ông trong vai trò nhà soạn kịch, nhưng chúng lại là nghề nghiệp thứ hai đáng được trân trọng ở ông. Còn Hà Bình, đạo diễn Trung Quốc thì đánh giá rất cao cuốn sách: David Mamet nói tất cả các bộ phim đều là xâu chuỗi những giấc mơ. Vì thế tôi đã mua cuốn sách này. Đọc xong, tôi tự nhủ hai việc: Một, mình phải dùng cuốn này làm giáo trình dạy học. Bởi nó mỏng, gọn nhưng có hiệu quả phát huy rất lớn đối với những người đang cần tư duy thị giác. Hai, đây là cuốn sách có tính thực tiễn rất cao. Nó nói cho chúng ta biết Làm thế nào để làm được phim hay, chứ không hề tranh luận với chúng ta Điện ảnh là gì.
Tác phẩm thứ hai của Tủ sách điện ảnh lần 6 có tên Trong chớp mắt hay Đường đi của Dựng phim (In the blink of an eye). Sách của tác giả Walter Murch do NXB Silman-James Press xuất bản năm 1995. Người dịch là Nghiêm Quỳnh Trang.
Tác phẩm thứ ba ra mắt lần này là Những bài học điện ảnh 2 (Leçons de cinéma 2) của tác giả Laurent Tirard do NXB Nouveau Monde xuất bản năm 2006 do Trương Quế Chi dịch. Sau thành công của tập sách đầu tiên mang tựa Việt 20 bài học điện ảnh, đây là loạt đàm thoại mới theo cùng công thức với một số nhà điện ảnh lớn đương đại như Pen, Polanski, Soderbergh, Jarmusch, Arcand, Annaud và nhiều đạo diễn khác… Cuốn sách là một cơ hội để mỗi đạo diễn giải thích rõ ràng – với những thí dụ cụ thể – phương pháp làm việc riêng ở mỗi cung trình sáng tác: chọn đề tài, viết kịch bản, phân cảnh, chỉ đạo diễn viên, tổ chức quay… Những đàm thoại lý thú này cho ta hiểu rằng tính nhận cảm khác nhau khiến cho cách làm phim cũng khác nhau. Và, thay vì cung cấp cho ta những công thức nấu ăn gọi là có tính phổ quát, chúng trình ra nhiều “bí quyết sản xuất” của những “đầu bếp lớn”.
Tiếp theo đạo diễn Việt Linh, đạo diễn trẻ Phan Xi Nê đã hào hứng giới thiệu quyển Trong chớp mắt với những sinh viên đang theo học ngành điện ảnh và hy vọng các bạn trẻ xem đây là quyển sách “gối đầu giường” cho mình. Anh chia sẻ: “Vì điện ảnh đã được xem là nghệ thuật tổng hợp các ngành nghệ thuật khác như văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc… nhưng riêng công đoạn dựng phim là nghệ thuật của riêng điện ảnh. Vì vậy, quyển sách này sẽ cho bạn góc nhìn sâu hơn về nghệ thuật này”.
Cho đến nay, sự thiếu thốn sách chuyên ngành vẫn là điểm yếu kém trong nền điện ảnh Việt Nam. Từ lâu, sách điện ảnh được xuất bản lác đác, phần lớn ở dạng tư liệu, chưa có hệ thống… Vì thế, với việc thành lập tủ sách điện ảnh đầu tiên của Việt Nam từ năm 2006, những người chủ trương dự án này đã thực hiện được phần nào mong mỏi bù đắp khoảng trống trong đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh nước nhà, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức điện ảnh cơ bản cho công chúng…
Mỗi cuốn sách có giá từ 70 đến 90 ngàn đồng. Sách hiện có bán tại Ban Tu thư, phòng 0808, lầu 8, Trường Đại học Hoa Sen số 8 Nguyễn Văn Tráng, Q.1.
Cẩm Tú