Nhằm tưởng nhớ người đã sáng lập và điều hành chính yếu của Hội từ năm 1967 tại Paris cho đến khi ông đột ngột từ trần năm 2010 cũng tại Paris. Sách là tập hợp những bài phỏng vấn, bài viết về các chương trình hành động của Linh mục G.B Nguyễn Đình Thi và những bài viết của ông đăng trên các tạp chí. Tác phẩm gồm ba phần:
Phần Một nói về con người và một số hoạt động của Linh mục như thành lập Hội Huynh đệ và tờ báo Công giáo và Dân tộc (1970), quá trình triển khai gần 200 dự án xã hội và giúp phát triển tại các tỉnh thành Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
Phần Hai bao gồm nhiều bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của Linh mục G.B Nguyễn Đình Thi trên hàng loạt các tạp chí dành cho các đối tượng độc giả khác nhau.
Phần Ba là nhiều bài viết xúc động tưởng nhớ đến những khía cạnh khác nhau của một con người đã dành trọn đời mình cho lý tưởng cống hiến: “Điều đặc biệt là Linh mục Nguyễn Đình Thi luôn mang theo mình tâm hồn của một văn nghệ sĩ, một người đặc biệt yêu văn hóa, văn nghệ và yêu bản sắc dân tộc. Dòng máu nghệ sĩ đã thấm trong ông khi còn là một cậu bé. Từ thời sinh viên ông đã làm thơ, viết kịch, sáng tác nhạc để tổ chức đội văn nghệ đi biểu diễn phục vụ nhân dân ở nhiều nơi trong nước cũng như ở nước ngoài nhằm vận động quyên góp tiền của giúp người nghèo khó. Cũng chính điều đó đã là động lực cho ông trở thành một tiến sĩ triết học, một nhà nghiên cứu về văn hóa các dân tộc trên thế giới, viết nhiều sách báo và đặc biệt chú trọng về việc bảo tồn những bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam…” (trích bài viết Quên mình cho người khác của tác giả Nguyễn Tiến Khởi).
Không chỉ để lại tình cảm sâu đậm trong lòng nhiều người Việt Nam, Linh mục Nguyễn Đình Thi cũng sống mãi trong tâm trí của nhiều nhà hoạt động văn hóa nước ngoài: “Ông là một người nổi tiếng trên bờ sông Seine cũng như trên bờ sông Cửu Long, là một người – như người ta nói – tinh thần thì ở Pháp, nhưng trái tim thì ở Việt Nam, chứ không phải ngược lại; nhà nghiên cứu ấy, nhà văn ấy và con người nhiệt thành với nền triết lý hành động ấy quả xứng đáng với quê hương cội nguồn của mình” (ông Pierre-Richard Feray, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu RIASEM của Pháp).
C.T