“Hành trình tạo nên cuốn sách này như một chuyến thám hiểm thú vị, bởi cuốn sách mà bạn cầm trên tay là điều tôi không thể hình dung trọn vẹn khi bắt tay viết những dòng đầu tiên. Cuộc đời này thú vị có lẽ bởi những điều ta không đoán được hết như thế, chỉ biết nỗ lực tiến về phía trước với trái tim chan chứa niềm tin mình sẽ làm được. Trong hai tháng viết sách, mỗi câu chuyện cứ nhẹ nhàng trôi ra, cứ như là chúng đã chờ đợi từ lâu trong thẳm sâu tâm trí. Câu chữ, có lẽ cũng vì thế, mà “ngang dọc”, có chút xen lẫn tiếng Anh, lúc nghiêm túc, khi nghịch ngợm, lúc quyết liệt, khi nhỏ nhẹ, lúc bác học, khi ngây ngô. Vì đó là tính cách thường ngày của tôi mà những ai đã quen biết đều hiểu”, Nguyễn Chí Hiếu nói về cuốn sách Nghiện giấc mơ – Bơ lối mòn của mình như thế.
Cuốn sách ghi lại một cách chân thực hành trình đó, từ khi Nguyễn Chí Hiếu 17 tuổi, một mình xách ba lô sang Anh du học, rồi qua Mỹ học tiếp, sau đó về Việt Nam làm việc, rồi quay lại Anh học nữa, xong lại về Việt Nam.
Hiếu hiện là CEO tại Tổ chức giáo dục IEG (Innovative Education Group), từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Kinh tế tại Đại học Stanford (Mỹ) với hai suất học bổng từ Đại học Stanford và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Vốn là người chăm chỉ học tập, suy nghĩ khác lạ, dũng cảm thực hiện cộng với cơ hội được thừa hưởng nền giáo dục phương Tây tiên tiến, anh nhìn ra con đường đưa quê hương phát triển là đầu tư vào giáo dục giới trẻ. Anh dấn thân với đam mê giáo dục, góp phần xây dựng các mô hình trường học từ mẫu giáo đến đại học, nghiên cứu và phát triển các chương trình học phổ thông và đại học, đào tạo chuyên môn giảng dạy cho giáo viên, xây dựng năng lực quản lý cho các nhà quản lý giáo dục, trực tiếp giảng dạy và chắp cánh ước mơ ra biển lớn cho những thế hệ học sinh Việt Nam.
Phần Nó học và Tôi đi là một chút trải nghiệm, chút kiến thức, chút ưu tư, chút chuyện trò, một chút giá trị và nhiều chút vừa lạ vừa quen cho những ai cần đọc và muốn đọc. “Nó” và “Tôi”, chủ ngữ khác nhau, giọng văn cũng đôi chút khác nhau ở mỗi phần, song đều là chuyện của một người trót dại nghiện những giấc mơ và sẵn sàng bơ đi những lối mòn để thấy mình thật sự thăng hoa, thật sự hạnh phúc. Còn phần Tôi đi – Đi như nước sẽ mang đến cho người đọc anh chàng Chí Hiếu tuổi đôi mươi, miệt mài rong ruổi đường xa để đi trốn chính mình sau những thất bại, đổ vỡ, để rồi cuối cùng lại tìm thấy… chính mình với trái tim tươi mới, thấu đời hơn. “Đi như nước” tức bước chân không ngừng nghỉ như dòng sông nhỏ háo hức vươn đến khơi xa, bất chấp đá sỏi, thác ghềnh.
Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang, một trong những độc giả đầu tiên của cuốn sách, nhận xét: “Từng câu chữ là những lời tự sự chân thành, là những sẻ chia gần gũi với những bạn trẻ đang hằng ngày học – đi – làm như Nguyễn Chí Hiếu, là những lời đốc thúc, kêu gọi thiết tha với các thầy cô, các cha mẹ cần thay đổi cách nhìn nhận và phương pháp giáo dục trẻ ngay từ hôm nay, là những lời nhắn nhủ, hy vọng và ước mơ của Hiếu – ước mơ gieo mầm cho những thế hệ sau”. Chắc hẳn những ai đã có duyên đến với cuốn sách này sẽ đọc chậm từng trang, với tấm lòng mở, để cảm từng chặng hành trình lẫn lộn buồn vui của “nó” – “tôi” – “mình”. Và cũng thật mong, những trang sách này có thể nhẹ nhàng đánh thức những giấc mơ “dữ dội và dịu êm” trong trái tim bạn như tiếng Sóng trong thơ Xuân Quỳnh, truyền thêm cho bạn “nội công” để sẵn sàng gia nhập thế giới của những kẻ “nghiện giấc mơ, bơ lối mòn”.