Đa phần phụ nữ Việt Nam chỉ quan tâm hai bước chăm sóc da cơ bản là rửa mặt và dưỡng ẩm. Nếu từng bước vào một cửa hàng mỹ phẩm cao cấp, chắc chắn bạn sẽ nhận ra mỹ phẩm chăm sóc da không chỉ dừng lại ở hai dòng sản phẩm rửa mặt và dưỡng ẩm, mà rất đa dạng với nhiều công dụng khác nhau.
Trên thực tế, tại các nước công nghiệp phát triển, chăm sóc da hằng ngày của phái đẹp là một quy trình cầu kỳ với nhiều sản phẩm chuyên dụng mà phụ nữ nước ta cũng nên tham khảo, học tập.
1. Tẩy trang
Nhiều người cho rằng sữa rửa mặt có tác dụng tẩy trang, nhưng nó chỉ có tác dụng làm sạch bụi bẩn và lớp nhờn trên da. Sau một ngày làm việc, bạn không nên bỏ qua bước tẩy trang vào buổi tối để loại bỏ phấn trang điểm, bụi bẩn nằm sâu trong lỗ chân lông, từ đó giúp ngăn ngừa tình trạng viêm da, mụn.
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm chuyên tẩy trang từ thực vật (dầu olive, dầu dừa, dầu hạt nho…) hoặc sản phẩm công nghiệp (cleansing oil, cleansing cream, makeup remover cleansing water…). Bạn cần biết chính xác loại da và tình trạng da để lựa chọn sản phẩm tẩy trang phù hợp nhất.
Cụ thể, nếu da dầu và hỗn hợp dầu thì nên chọn loại sản phẩm tẩy trang có gốc dầu hoặc dạng bọt để lấy đi lớp bã nhờn cùng với lớp trang điểm. Đối với da khô hoặc hỗn hợp khô, nên chọn sản phẩm tẩy trang dạng sữa (lotion), dạng sáp (balm) hoặc dạng kem.
Vì đậm đặc hơn, ngoài khả năng lấy đi lớp trang điểm, chúng còn cung cấp cho da độẩm cần thiết, không làm da khô căng, khó chịu. Lưu ý là vùng mắt và môi rất mẫn cảm, cần có sản phẩm tẩy trang riêng.
2. Rửa mặt với sữa rửa mặt
Sau khi tẩy trang, khuôn mặt cần được làm sạch với sữa rửa mặt. Cũng tùy theo loại da mà bạn chọn rửa mặt cho phù hợp (sữa, gel hoặc foam) nhưng chỉ nên dùng những loại sữa rửa mặt có độ pH dưới 7, cao hơn sẽ làm ảnh hưởng đến lớp màng chắn bảo vệ da. Cho sữa rửa mặt lên lòng bàn tay, tạo bọt rồi massage xoay tròn trên mặt trong hai phút. Cuối cùng, rửa sạch mặt bằng nước ấm rồi bằng nước lạnh để se khít lỗ chân lông.
- Xem thêm: Cách sử dụng kem tẩy da chết đúng cách
3. Tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết giúp lấy đi lớp sừng trên da, trả lại cho da vẻ tươi trẻ. Chỉ nên thực hiện từ một đến hai lần mỗi tuần và chú trọng vào các vùng da có lỗ chân lông lớn trên má và khu vực mụn đầu đen trên mũi. Đừng quên tẩy tế bào chết trên môi để có được một lớp môi hồng.
4. Sử dụng nước hoa hồng (Toner)
Đây là bước cuối cùng để giúp làn da thật sạch trước khi bôi các loại tinh chất dưỡng khác. Nước hoa hồng sẽ lấy sạch những bã bẩn còn sót lại, se lỗ chân lông và giúp cân bằng lại độ pH trên da. Ngoài ra, hoạt động như chất nền, nước hoa hồng giúp cho việc trang điểm hiệu quả hơn. Chỉ nên sử dụng nước hoa hồng dịu nhẹ, không chứa cồn (alcohol-free) để tránh làm da bị đỏ rát.
5. Mặt nạ
Nên sử dụng mặt nạ dưỡng da mỗi tuần hai lần để đạt hiệu quả chăm sóc da tối ưu. Trên thị trường có nhiều sản phẩm đắp mặt nạ dạng gói chứa các dưỡng chất cần thiết, nhưng để an toàn, bạn có thể tự làm tại nhà bằng mật ong, trái cây, nha đam, lúa mạch, sữa chua… Vào cuối tuần hoặc ngày lễ, bạn nên tham dự một giờ massage mặt để cải thiện tuần hoàn máu, tập trung vào các phương pháp điều trị mục tiêu như nếp nhăn, vá lỗi collagen mắt và mặt nạ dưỡng ẩm môi.
6. Tinh chất (Essence-Serum-Ampoule)
Các loại kem dưỡng chỉ gây tác động trên lớp thượng bì, còn các tinh chất có thể thẩm thấu xuống tận hạ bì để nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong mà công dụng là cấp ẩm, dưỡng trắng, phục hồi, trị mụn, chống lão hóa… Tùy theo nhu cầu của làn da, có thể chỉ cần một hay nhiều loại tinh chất. Quy tắc chung dùng tinh chất là “Lỏng trước đặc sau”, giữa mỗi loại nên cách nhau chừng năm, bảy phút để dưỡng chất kịp thấm vào da.
7. Cấp nước, dưỡng ẩm (Emulsion-Lotion)
Đây là hai bước chăm sóc da rất quan trọng, có tác dụng bổ sung cho nhau: các sản phẩm chuyên cấp nước cho da có hàm lượng nước lớn, thường ở dạng gel hay sữa dưỡng trong suốt, phù hợp với làn da nhờn. Còn các sản phẩm dưỡng ẩm có độ ẩm cao, thường ở dạng kem đặc, thích hợp cho làn da khô, đặc biệt khi thời tiết lạnh.
8. Kem mắt
Da quanh mắt rất nhạy cảm nên phải dùng kem dưỡng mắt chuyên dụng để tăng cường độẩm, tránh tình trạng lên bọng, hiện nếp nhăn và quầng thâm. Kem mắt có các dạng lỏng, gel, chứa SPF hoặc không. Nên đọc kỹ nhãn trước khi sử dụng vì mỗi nhà sản xuất có yêu cầu riêng về thời điểm sử dụng kem mắt (ví dụ sau hoặc trước kem dưỡng ẩm).
9. Kem dưỡng ẩm (Cream- Oil-Moisturize)
Có thể gọi đây là bước “khóa ẩm” vì kem tạo thành một lớp màng bảo vệ giúp tất cả những bước dưỡng trước đó được giữ lại dưới da và không bị bốc hơi. Kem dưỡng ẩm chỉ hoạt động ở lớp biểu bì bên trên, giúp cho bề mặt da mềm mại. Nên kết hợp massage mặt và cổ khi thoa kem dưỡng để thúc đẩy máu lưu thông.
10. Kem dưỡng ban đêm (Night cream)
Bước cuối cùng của quy trình chăm sóc da là sử dụng kem dưỡng ban đêm. Đây là lớp thứ hai sau kem dưỡng ẩm, giúp giữ độ ẩm cho da suốt đêm và góp phần vào chế độ bảo vệ, tái tạo da 24/24. Có thể bôi kem ban đêm, mỗi tuần từ hai đến ba lần. Khi bôi kem dưỡng ban đêm nhớ phải chừa chỗ cho làn da của bạn thở.