Với mức giảm giá trị từ đầu năm đến nay chỉ là 1,3% so với USD, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền duy trì được giá trị ổn định trong khu vực châu Á. Điều này không chỉ có tác động tích cực lên nền kinh tế, mà quan trọng hơn sẽ có tác động tích cực đến tâm lý người dân, đến kỳ vọng lạm phát và niềm tin đối với đồng nội tệ. Khi niềm tin đối với tiền đồng gia tăng, ngày càng có nhiều người tự tin hơn khi đầu tư vào các tài sản bằng tiền đồng, vì không còn lo tài sản sẽ bị giảm giá trị như trước. Niềm tin ấy rất quan trọng, là tiền đề của sự ổn định và tăng trưởng.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại là nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn còn cao và tăng trưởng tín dụng sẽ trải qua năm thứ hai liên tiếp ở mức thấp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chưa đến hai tháng nữa là hết năm, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống vẫn chưa đến 7%, việc đạt chỉ tiêu 12%/năm là khó. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng không nên dựa vào mức tăng trưởng tín dụng của các năm trước, giai đoạn nền kinh tế đổ vốn vào đầu tư chứng khoán, bất động sản, hay dựa vào một chỉ tiêu ấn định trước để rồi lo lắng. Tăng trưởng tín dụng cao lên đến 30 – 40%/năm như những năm trước là do ngân hàng dễ dàng cho vay, doanh nghiệp vay lại không xem trọng hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn. Chất lượng tín dụng bị xem nhẹ thì tăng trưởng kinh tế cũng không cao tương ứng. Cũng chưa có một nghiên cứu định lượng nào chứng tỏ có mối quan hệ giữa tốc độ tăng tín dụng với tăng trưởng kinh tế ở nước ta. Ngoài ra, trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình từ sử dụng nhiều vốn sang ít vốn hiện nay, chúng ta ít dựa vào nguồn vốn ngân hàng hơn so với trước. Nếu như năm ngoái, tăng trưởng tín dụng là 8,91% tương ứng với mức tăng GDP 5,03% thì chín tháng đầu năm nay tăng trưởng GDP là 5,14%, tương ứng với mức tăng 6,05% của tín dụng. Điều đó hàm ý rằng tốc độ tăng GDP không nhất thiết phải tương ứng với tốc độ tăng của đồng vốn.
Lý giải điều này, các chuyên gia kinh tế cho rằng sau một quãng thời gian dài tín dụng tăng trưởng nóng, đến nay tổng quy mô tín dụng của nước ta vẫn còn khá lớn so với quy mô của nền kinh tế. Chính vì hiệu quả sử dụng vốn những năm trước không tương xứng với tăng trưởng kinh tế, nên trong ngắn hạn không nhất thiết phải tìm cách đẩy cao tốc độ tăng trưởng tín dụng. Việc cần làm là đề ra các biện pháp, chính sách để giúp nền kinh tế sử dụng hiệu quả nguồn vốn rất lớn đã tung ra.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng đang trong quá trình tái cấu trúc rất cần phải cân nhắc. Mỗi ngân hàng có cách thức quản trị rủi ro, khả năng thanh khoản cũng như những tính toán riêng. Có ngân hàng hiện không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng mà tập trung vào việc thu hồi nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu. Các ngân hàng khác thanh khoản dồi dào và tìm được khách hàng tốt để cho vay hoàn toàn có thể tăng mạnh tín dụng, miễn còn trong giới hạn an toàn… Nếu nới lỏng tín dụng một cách đại trà, hy sinh một phần chất lượng tín dụng để có tốc độ tăng trưởng cao hơn thì nguy cơ tỷ lệ nợ xấu lại tăng trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa là chúng ta không nên đánh đổi chất lượng tín dụng để đổi lấy việc cố gắng theo đuổi một mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho trước.
Minh Hằng