Các dự án BOT về giao thông đường bộ đang trở thành điểm nóng, qua đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang phải đối phó với những phản ứng gay gắt của dư luận, mà cao điểm là những khuất tất về trạm thu phí ở Cai Lậy (Tiền Giang).
Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT.
Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra bảy dự án gồm: dự án BOT hầm đường bộ đèo Phước Tượng – Phú Gia (Thừa Thiên – Huế); dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ (Hà Nội); dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình…
Thanh tra Chính phủ cho rằng trước thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia còn nhiều hạn chế, các dự án BOT, BT đi vào hoạt động đã góp phần mở rộng phương thức quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông mới, hiệu quả, người dân có thêm lựa chọn điều kiện giao thông thông thoáng an toàn hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện và quản lý một số dự án còn nhiều vi phạm.
Theo kết luận của TTCP, Bộ GTVT chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Bên cạnh đó việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả những nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực vẫn được lựa chọn.
Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án. Kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư có nhiều sai lệch nên vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án không chính xác. Tại bảy dự án được thanh tra, TTCP phát hiện các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp không đúng thực tế với số tiền hơn 316 tỉ đồng.
Theo kết luận của TTCP, các dự án BT, BOT hầu hết thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người – phương tiện tham gia giao thông lớn, đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác (điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình…).
Mặt khác, việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án thiếu chuẩn, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài.
Có dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới 30%) nhưng giá thu phí đã tương đương dự án đầu tư mới, có dự án chỉ sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ nhưng giá phí thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến nội dung vi phạm đã nêu tại quyết định thanh tra.
Thất bại của các dự án BOT, theo một số chuyên gia, có thể khái quát qua các nguyên nhân sau đây: khung pháp lý và chế tài không tốt, chiến lược phát triển yếu, ước tính chi phí và doanh thu không thực tế, cách chia sẻ rủi ro không phù hợp, thiếu đấu thầu, phản ứng của đối tượng sử dụng và công chúng.
Trở lại với điểm nóng trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), dư luận bày tỏ phản ứng không đồng tình về giải trình của chủ đầu tư và Bộ GTVT bào chữa cho những sai trái của dự án này.
Từ ngày 13-8, nhiều tài xế đã nộp toàn tiền lẻ khi đi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy khiến hàng trăm xe tải, ôtô kẹt cứng trên đường. Trước tình hình này, trạm thu phí đã phải xả trạm, không thu phí để giải tỏa kẹt xe.
Khác với quan điểm của Bộ GTVT, các chuyên gia khẳng định việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 là không hợp lý.
Chủ đầu tư trạm cho rằng có đóng góp xây dựng, làm lại mặt đường đường tránh, đường quốc lộ nên có quyền được thụ hưởng, đặt trạm thu phí cả hai con đường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần phải phân định rõ việc sửa chữa đường sá đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của chính quyền. Ngân sách đường bộ của người dân vẫn đóng, tại sao không sử dụng để sửa chữa đường sá mà phải nhờ đến nguồn vốn tư nhân. Nhà nước luôn luôn phải đảm bảo hạ tầng giao thông tối thiểu cho người dân đi lại. Còn những dự án đường tránh, đường cao tốc làm thêm cần kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thì phải rõ ràng, minh bạch. Chính quyền có trách nhiệm cung cấp cho toàn dân được biết số vốn như thế nào và thu phí trong thời gian bao lâu để người dân đóng góp ý kiến.
Trong trường hợp này, đường quốc lộ 1 phải được sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách, cho nên không thu thêm bất kỳ chi phí nào nữa. Đường tránh do tư nhân xây dựng thì trạm thu phí phải dời vào vị trí đường tránh. Về phần chi phí cải tạo quốc lộ mà tư nhân đã bỏ ra, Nhà nước phải hoàn trả cho nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Chung Thành Tiến nhận định trạm thu phí Cai Lậy đặt ở vị trí hiện nay là chưa phù hợp, nếu không có hướng giải quyết thích hợp thì sẽ bị người dân tiếp tục phản đối. Quốc lộ 1 là con đường tồn tại từ xưa đến nay, mới đây nhà đầu tư chỉ sửa chữa lại rồi đặt trạm để thu phí cả hai tuyến đường rõ ràng là bất hợp lý.
Theo thống kê, mỗi ngày có đến 50.000-60.000 lượt xe đi qua trạm thu phí này. Như vậy, nếu thu theo đúng thời gian quy định thì số tiền thu được là một con số khủng khiếp, cao hơn rất nhiều so với số vốn ban đầu 1.400 tỉ đồng. Vì thế nhà đầu tư phải nhanh chóng có kế hoạch giảm phí thu cho phù hợp và không kéo dài thời gian thu phí.
Hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư BOT cùng đồng ý điều chỉnh giảm phí (mức giảm 22 – 30% đối với các loại xe) cho thấy họ cũng đã chấp nhận sự phi lý của mức phí cao. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì vẫn chưa giải quyết được sự phi lý của việc lập trạm để thu tiền của tất cả xe di chuyển trên quốc lộ 1.
Ngay cả giảm phí đi 22 – 30% (theo các loại phương tiện) rồi điều chỉnh tăng thời gian thu phí lên hơn gấp đôi (từ sáu năm lên trên 12 năm) thì gánh nặng tài chính cũng đổ lên người dân và doanh nghiệp, có khi cao hơn.
Để giảm gánh nặng thực sự và đảm bảo công bằng, giải pháp tốt hơn là không thu phí đối với xe đi quốc lộ 1 hiện hữu qua thị xã Cai Lậy, chỉ thu phí đối với xe đi đường tránh được đầu tư mới theo hình thức BOT.
Việc hoàn tiền cho chủ đầu tư đã cải tạo, nâng cấp đoạn quốc lộ 1 hiện hữu nên lấy từ ngân sách. Đó sẽ là tiền lệ tốt cho các dự án giao thông có thu phí: tạo lựa chọn cho người đi đường.
Quan ngại của cơ quan quản lý nhà nước là vì áp lực xã hội mà phải điều chỉnh hợp đồng thì sẽ gây nản lòng các nhà đầu tư BOT hiện tại cũng như trong tương lai. Nhưng việc điều chỉnh một quyết định đầu tư cho dù không sai về quy trình, nhưng đúng về hiệu quả kinh tế cũng như công bằng về xã hội thì lại là một tiền lệ tốt.
Các nhà đầu tư BOT cần phải biết rằng nếu công khai, minh bạch, không dùng những thủ thuật để lách quy định nhằm tăng tính khả thi tài chính thì dự án của họ sẽ được pháp luật bảo vệ và người dân ủng hộ.
- Gia Minh