Tết Nguyên đán đã cận kề. Mấy ngày tết, hầu như nhà nào ở miền Tây Nam bộ cũng làm bánh mứt, trước để cúng tổ tiên ông bà, sau để con cháu, anh em trong gia đình nhâm nhi bên chung trà sen tỏa khói. Ngày nay, tuy có nhiều loại bánh kẹo đựng trong hộp đẹp, truyền thống làm mứt vẫn được gìn giữ ở vùng đất này.
Phía sau vườn thường nhà nào cũng trồng giàn bí đao. Những ngày cận tết lựa những trái bí già để làm mứt bí. Bổ trái bí làm đôi, bỏ ruột và gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài, rửa sạch cắt thành từng miếng dài cỡ ngón tay. Sau đó, ngâm bí vào nước vôi (để có miếng mứt cứng) hoặc ngâm vào phèn chua pha nước (để miếng mứt trong), cách nào cũng phải đổ bí ra rổ, xả nhiều lần dưới nước lạnh, để ráo. Cuối cùng cho bí và đường vào chảo có lòng sâu, dùng đũa đảo nhẹ tay cho bí và đường trộn đều. Chờ thiệt thấm mới “sên” mứt. Khi nước đường đã gần cạn thì phải liên tục xốc đảo đều để bí được ráo đường đều và mỏng hơn. Cho nước hoa bưởi vào, đảo tiếp cho đến khi đường khô lại và bám đều quanh miếng bí làm cho miếng mứt tỏa ngát mùi thơm. Trải mứt phơi gió trong vài ngày để đường khô ráo hẳn và mứt sẽ trắng, đẹp hơn.
Để làm mứt dừa ngon, phải chọn dừa từ khi còn trên cây. Dừa còn tươi mứt sẽ mềm, dừa quá khô miếng mứt cứng và nhiều chất béo ăn mau ngán. Dừa làm mứt dân gian gọi là dừa cứng cạy, vỏ trái mới chớm chuyển từ xanh sang xám. Dừa hái xuống, lột bỏ vỏ ngoài, dùng sống dao phay gõ đều lên trái để khi cạy dễ tróc cơm. Dùng sống dao đập mạnh cho trái dừa bể đôi rồi tách cơm khỏi vỏ, công đoạn này phải thật khéo tay thì mới được miếng cơm dừa còn nguyên. Rửa từng miếng dừa sạch sẽ, rồi xắt thành từng miếng mỏng, dài. Bắc chảo lên cho đường vào thắng để sên mứt. Theo kinh nghiệm, người ta sẽ ước chừng lượng đường như thế nào cho phù hợp với cơm dừa. Khi cọng mứt khô giòn, có lớp đường “áo” bên ngoài thì nhắc xuống. Để tăng thêm màu sắc, khi sên chảo thứ hai, thứ ba, người ta cho thêm nước lá dứa vào để mứt có màu xanh nhạt. Trộn đều mứt xanh với mứt trắng trông ngon mắt lại ngon miệng mà không sợ bị ngộ độc phẩm màu.
Với hương vị cay nồng ngọt nhẹ, mứt gừng được nhiều người ưa thích khi thưởng thức cùng trà nóng trong những ngày tết. Củ gừng tươi rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài và thái thành từng lát mỏng theo hướng chéo ngang, ngâm vào thau có pha ít muối sau đó vớt ra rổ, để ráo nước. Cho gừng vào nồi, đổ nước ngập mặt và nấu sôi trong thời gian ngắn, vớt gừng ra, làm lại lần nữa rồi rửa đi rửa lại nhiều lần với nước lạnh để gừng bớt cay. Ướp gừng với đường và chờ cho đường tan, ngấm đều. Sên mứt trong chảo gang để nhỏ lửa dùng đũa đảo đều cho gừng thấm vừa đường không bị cháy xém, đến khi nước đường trong chảo đã cạn sền sệt thì cho thêm hương liệu để tạo mùi thơm. Khi thấy đường kết tinh trắng hoàn toàn và bám đều vào từng lát gừng là đã có món mứt thơm ngon.
Mứt mãng cầu là một loại mứt dân gian ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trái mãng cầu chín mọng được gọt sạch vỏ rồi tách múi, bỏ hết hột, đem ngâm trong nước phèn chua một lúc rồi vớt ra để ráo, đem trộn với đường và phơi nắng cho đường ngấm vào mãng cầu. Sên mãng cầu với lửa nhỏ, đảo đều tay cho đến khi múi mãng cầu trắng trong. Đem phơi nắng trước khi gói mứt bằng giấy kiếng màu, xoắn nhẹ hai đầu. Ngày tết, trẻ con, người lớn đều ưa thứ mứt này.
Mứt khoai được làm bằng khoai lang, loại hoa màu rất quen thuộc với người nông dân. Lựa ít củ khoai lang gọt sạch vỏ, cắt miếng đều để làm mứt. Cũng ngâm những miếng khoai đã xắt trong nước vôi, vớt ra, xả lại nhiều lần với nước lạnh cho thật sạch. Cho khoai vào chảo rải đường lên trộn thật đều cho khoai ngấm đường. Bắc chảo khoai đã ướp lên bếp, để lửa vừa cho đường sôi lăn tăn, thêm chút xíu muối cục để “dằn” lại, tăng thêm độ đậm đà của miếng mứt.
Năm thứ mứt bày ra trong quả vừa hài hòa về màu sắc vừa đậm đà vị ngọt, mỗi thứ lại mang một đặc trưng, là thứ không thể thiếu trong những ngày đầu xuân mới ở miền Tây sông nước Cửu Long.