Trong bản báo cáo toàn cầu cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2013, nhóm nghiên cứu của Standard Chartered cho rằng lãi suất cao có thể là nguyên nhân khiến cho hoạt động tín dụng tăng trưởng yếu ớt. Vậy vì sao khi lãi suất giảm xuống, hoạt động cho vay của các ngân hàng vẫn không được cải thiện?
Sau những nỗ lực giảm trần lãi suất huy động từ phía Ngân hàng Nhà nước và hạ dần lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất hiện đã trở về tương đương với giai đoạn 2005-2007 và với bối cảnh kinh tế nước ta như bây giờ, mức lãi suất này là khá hợp lý. Tuy nhiên, để sự hợp lý này tích hợp vào nền kinh tế, là tiền đề giúp cho các doanh nghiệp muốn vay và có thể vay vốn, cải thiện tình hình hoạt động sản xuất – kinh doanh, tiến tới phát triển ổn định, thì cần phải có thời gian và sự nỗ lực của nhiều phía. Từ thời điểm lãi suất hợp lý cho đến khi có chuyển biến tích cực trên thị trường cho vay phải rơi vào quý IV năm nay.
Những số liệu và thực tế cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện rất tốt, các ngân hàng đều rất muốn đẩy mạnh việc cho vay, nhiều ngân hàng đang tìm mọi cách để mở rộng kênh cung vốn cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Nhưng khả năng hấp thụ đồng vốn thì lại không phụ thuộc vào ngân hàng mà phụ thuộc vào cả nền kinh tế. Lãi suất đã giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với một năm trước, doanh nghiệp vẫn không mặn mà gõ cửa ngân hàng.
Để giải quyết được vấn đề này, cần đến một sự thay đổi về tổng thể, đó là tăng tổng cầu, tăng sức mua của xã hội song song với việc giải phóng hàng tồn kho và xử lý nợ xấu cho doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố trên, để giải quyết, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, đồng thời bản thân các doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc hoạt động sau một thời gian dài vay vốn, đầu tư ngoài ngành quá dễ dãi gây nên những khoản nợ xấu như hiện nay. Có một thực tế là trong khi thu nhập người dân giảm, sức mua cũng giảm… thì một thời gian dài chính sách của chúng ta lại thắt chặt tiêu dùng, giảm chi tiêu và đầu tư công, gây ra tồn kho cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ.
Muốn thay đổi những điều kể trên, cần phải có thời gian. Nếu tiếp tục can thiệp bằng lãi suất, chính sách rất dễ trở nên lệch lạc, đem đến tín hiệu không tốt cho thị trường. Không thể chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ để vực dậy nền kinh tế và giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi được. Đã có nhiều khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế về việc phải đẩy mạnh đầu tư và chi tiêu công một cách hợp lý, đừng quá đặt nặng vấn đề bội chi ngân sách trong ngắn hạn, điển hình là giai đoạn hiện nay. Việc nới lỏng chi ngân sách, tất nhiên là có chủ đích và được kiểm soát chặt chẽ sẽ giúp gia tăng tổng cầu. Kinh nghiệm từ các nước như Mỹ, Nhật…, khi kinh tế suy giảm, không có giải pháp nào hỗ trợ nhanh chóng bằng gia tăng đầu tư công, chi tiêu ngân sách của chính phủ một cách hiệu quả. Các nước châu Âu sau một thời gian áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng cũng đã phải thay đổi, ưu tiên nới lỏng chính sách tài khóa để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Nếu quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực đầu tư công được thực hiện tốt, đồng vốn được sử dụng hiệu quả, thì cộng với sự nỗ lực của khu vực tư, việc hồi phục của nền kinh tế chỉ còn là vấn đề thời gian.
Minh Hằng