Nằm trong mục tiêu biến khái niệm “bay” thành khái niệm “tận hưởng” đã được các hãng hàng không có khai thác các khoang hạng cao cấp triệt để áp dụng để tạo nên sự khác biệt nhằm lôi kéo hành khách.
Mặc dù bị giới hạn về không gian và thời gian trong môi trường phục vụ, nhưng các hãng hàng không vẫn đang chứng tỏ rằng, không hề có rào cản nào có thể ngăn chặn việc đem đến cho hành khách những trải nghiệm về ẩm thực và thư giãn đạt tiêu chuẩn cao cấp dù đang ở độ cao hơn 30.000 feet (trên 9.000km).
Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, thiết kế để tạo các khoang khách có trang thiết bị và không gian cao cấp, sang trọng được xem là phát triển về “phần cứng” thì các hãng hàng không cũng không ngừng phát triển những dịch vụ được xem là “mềm” hơn dành cho hành khách như chương trình hỗ trợ hành khách trong chuyến bay – Inflight Concierge, Sky Nannies – chăm sóc trẻ em hay pha chế tại chỗ các loại thức uống – Onboard bartenders.Một trong những dịch vụ mềm được cạnh tranh nhất đồng thời là một trong những dịch vụ được chọn để đánh giá xếp hạng các hãng hàng không là phần ẩm thực trong chuyến bay. Không dừng lại ở những bữa ăn được thiết kế và chuẩn bị bởi những nhà chuyên cung cấp thực phẩm cho hàng không, các bữa ăn trên các chuyến bay ngày nay đang được nâng cấp hơn khi có sự kết hợp với những đầu bếp và những thương hiệu nhà hàng nổi tiếng.
Không chỉ trên chuyến bay
Việc chỉ giới thiệu những phần đặc sắc của mình cho hành khách trên những chuyến bay nhằm lôi kéo họ là một hình thức marketing khá lạc hậu đối với ngành dịch vụ hàng không ngày nay. Để có thể đạt được số lượt khách ấn tượng trong tình hình kinh tếảm đạm, các hãng hàng không phải nỗ lực tìm đến những khách hàng tiềm năng bằng những hoạt động marketing phổ biến trong bán hàng. Và một trong những hình thức được vận dụng chính là những chiếc xe tải phục vụ các món ăn, đồ uống vốn đang được phục vụ trên các chuyến bay của hãng một cách miễn phí trên các con phố.
Năm 2010, Austrian Airlines đã thực hiện việc lái chiếc xe tải “Café-to-go” vòng quanh các con phốở New York trong vòng 10 ngày để phục vụ miễn phí cho tất cả người đi đường những tách cà phê xuất xứ từ Vienna nổi tiếng mà hãng phục vụ trên các chuyến bay của mình. Các điểm dừng chân của “Café-to-go” được thông báo cho những người có quan tâm thông qua mạng Twitter trước đó. Sau đó vài tháng, hãng cũng tiếp tục thực hiện một chiến dịch tương tự với món ăn chủ đạo là thịt cốt lết “The Schnitzel and Things Truck” phục vụ miễn phí các món ăn khác nhau của người Áo trong một tuần lễ.
Tiếp bước theo sau, hãng hàng không hàng đầu châu Âu – Air France cũng theo trào lưu xe tải với tên gọi “Gourmet Food Truck” thực hiện chương trình phục vụ thức ăn miễn phí trong năm ngày vòng quanh các con phốở Manhattan, New York. Ước lượng có đến 600 suất ăn đã được phục vụ ba bữa mỗi ngày.Tất cả các món ăn được phục vụ từ “Gourmet Food Truck” đều được chuẩn bị từ các công thức chế biến của đầu bếp cao cấp của Air France.
Tạo ấn tượng bằng ẩm thực cao cấp trên không
Đã có rất nhiều hình thức dịch vụ được nâng cấp trong phần phục vụẩm thực cho hành khách, đặc biệt là trên các khoang hạng nhất và hạng thương gia từ các hãng hàng không. Đó là Inflight Chefand Sommelier của Asiana Airlines, Flying Chef của Turkish Airlines, Onboard Chef của Austrian Airlines, Sky Chef của Gulf Air… với đặc điểm chung là các bữa ăn và thức uống pha chế trên khoang hạng cao cấp của một số đường bay lựa chọn, sẽ được phục vụ bởi những đầu bếp hoặc những tiếp viên có chứng chỉ về kiến thức cũng như kỹ năng chuẩn bị các món ăn. Hành khách có thể nhận được những sự phục vụ cũng như tư vấn một cách chuyên nghiệp về các loại thức ăn hay thức uống trên bảng thực đơn của chuyến bay hoặc thậm chí, trong điều kiện khá hạn hẹp về không gian lẫn trang thiết bị nhà bếp thì những đầu bếp hay tiếp viên vẫn có thể chế biến tại chỗ món trứng chiên hay món bít tết để phục vụ cho buổi sáng trên độ cao hơn 30.000 feet.
Tiến xa hơn, một vài hãng hàng không bắt đầu kết hợp với các thương hiệu nhà hàng địa phương nổi tiếng để triển khai các chương trình ẩm thực trên các đường bay. Estonian Air là một trong số các hãng hàng không đưa ẩm thực địa phương lên phục vụ trên một vài đường bay của mình với chương trình “Restaurant in the Sky”. Việc kết hợp với các đầu bếp tại các nhà hàng không phải là một khuynh hướng mới, nhưng cách thức mà Estonian Air thực hiện có phần đặc biệt hơn khi họ hợp tác với 12 nhà hàng địa phương, mỗi tháng một trong số nhà hàng này sẽ thiết kế thực đơn và gửi các đầu bếp của mình phục vụ trực tiếp hành khách trên các chuyến bay của Estonian Air. Điểm đáng chú ý của chương trình này chính là Estonian Air có thể thuyết phục các nhà hàng thiết kế thực đơn các món ăn vừa đặc biệt và vừa phải đảm bảo chi phí bằng với mức mà các nhà cung ứng hàng không đang thực hiện.
Nâng cấp hơn, hãng Air France vào năm 2013 cũng bắt đầu triển khai hình thức này trên một số đường bay lựa chọn, nhưng những đầu bếp có mặt trên các chuyến bay của Air France là những đầu bếp cao cấp Servair chefs và thực đơn các món ăn cũng được thiết kế và chuẩn bị bởi những đầu bếp đạt danh hiệu nổi tiếng thế giới Michelin-starred chefs. Mỗi tuần, trên các chuyến bay dài, hành khách hạng nhất và thương gia của Air France sẽ được các Servair đón tiếp ngay tại cửa máy bay, sau đó trong suốt chuyến bay những vị đầu bếp nổi tiếng này sẽ giới thiệu cặn kẽ bản thực đơn cho từng khách và giúp họ chọn được món ăn phù hợp nhất. Bên cạnh việc nâng cấp về bữa ăn, Air France cũng mời Colin Peter Field, một chuyên gia pha chế hàng đầu tại Hemingway Bar nổi tiếng của Khách sạn Ritz tại Paris, để đảm nhiệm việc pha chế tạo nên những loại thức uống ngon và mới lạ cho khách khoang hạng thương gia và hạng nhất vào tháng 11-2013 với tên gọi của chương trình “Bar Hemingway in the sky”. Chương trình được Air France thực hiện tiếp tục trên các đường bay đến Hongkong, Sao Paulo, Shanghai, Moscow, Singapore và Seoul trong năm 2014.
Một trong những Servair nổi tiếng trên các chuyến bay của Air France cho rằng, việc xuất hiện của các đầu bếp trên các chuyến bay sẽ giúp hành khách có cơ hội hiểu được một cách chi tiết về quy trình cũng như khâu chuẩn bị của các bữa ăn được phục vụ trên chuyến bay như thế nào. Đồng thời, các đầu bếp cũng như các hãng hàng không cũng nhận những phản hồi bổ ích từ phi hành đoàn về trang thiết bị nhà bếp trên máy bay để chế biến và chuẩn bị món ăn tốt nhất bên cạnh nhu cầu thực tế của hành khách về thực phẩm trên độ cao.