Đỗ Thẩm Ngôn (khoảng 645-708) tự là Tất Giản, là ông nội của Thi Thánh Đỗ Phủ. Ông đỗ Tiến sĩ năm thứ nhất niên hiệu Hàm Hanh, thời Đường Cao Tông (năm 670), đã từng làm Hiển Thành uý, Thiện bộ viên ngoại lang. Năm Thần Long nguyên niên, triều Trung Tông (705), ông đến Phong Châu (khu vực Hà Nội – Việt Nam ngày nay). Thời trẻ, Đỗ Thẩm Ngôn đã từng tề danh với Lý Kiều, Thôi Chúng, Tô Vị Đạo, được tôn xưng chung là “Văn chương tứ hữu”.
Cuối đời, Đỗ Thẩm Ngôn đã cùng Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn xướng hoạ, sáng tác nhiều thơ Đường luật nổi tiếng, cùng là những người đặt nền móng cho “cận thể thi” thời Đường. Thơ ngũ ngôn của Đỗ Thẩm Ngôn rất thành thục và đã chiếm một địa vị quan trọng trong thi ca thời sơ Đường. Đỗ Phủ từng ca tụng tổ phụ như sau: “Tổ ta trùm về thơ cổ” (Ngô tổ thi quán cổ). Đỗ Thẩm Ngôn có để lại cho đời “Đỗ Thẩm Ngôn tập”. Trong thời gian ở Việt Nam, ông sáng tác bài thơ Lữ ngụ An Nam.
Nguyên tác chữ Hán:
旅 寓 安 南
交 趾 殊 風 候,
寒 遲 暖 復 催,
仲 冬 山 果 熟,
正 月 野 花 開,
積 雨 生 昏 霧
輕 霜 下 震 雷,
故 鄉 逾 萬 里
客 思 倍 從 來.
Phiên âm:
Lữ ngụ An Nam
Giao Chỉ thù phong hậu,
Hàn trì noãn phục thôi.
Trọng đông sơn quả thục,
Chính nguyệt dã hoa khai.
Tích vũ sinh hôn vụ,
Khinh sương hạ chấn lôi,
Cố hương du vạn lý,
Khách tứ bội tòng lai.
Tạm dịch:
Ðất Giao tiết trời lạ.
Lạnh trễ, nóng tới mau.
Giữa đông trái rừng chín,
Tháng giêng hoa đơm màu,
Lắm mưa, mây giăng mắc.
Sương đổ, sấm rền sau.
Xa nhà hàng vạn dặm,
Về thôi, khách khẩn cầu!
(Người dịch: Hồ Bạch Thảo)
Chữ An Nam trong tiêu đề bài thơ Lữ ngụ An Nam xuất phát từ việc Năm Tân Tị (621) vua Cao Tổ nhà Đường sai Khau Hòa làm Đại Tổng quản sang cai trị Giao Châu. Đến năm Kỉ Mảo (671) vua Cao Tông nhà Đường chia đất Giao Châu là 12 châu, 59 huyện. Ở miền núi nhà Đường đặt các châu “kimi” (ràng buột lõng lẻo) và đặt An Nam đô hộ phủ. Nước ta gọi là An Nam khởi nguồn từ đấy.
Bài thơ đã “tả thực” đặc điểm thời tiết của đất Việt rất khác so với thời tiết ở Trung Quốc qua nhận định: Giao Chỉ thù phong hậu (Đất Giao Chỉ thời tiết rất lạ). Việt Nam là đất nước nhiệt đới với hai mùa mưa nắng, không phân biệt rõ bốn mùa xuân – hạ – thu – đông như những đất nước ôn đới, thế nên tác giả đã cảm nhận nhận cái nóng gay gắt: noãn phục thôi (nóng tới mau) thay vì những cơn gió lạnh giá trên đất Trung Hoa.
Ở cố hương của tác giả chỉ mới thu thôi, cái lạnh đã làm tê tái cả rừng phong:
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu Sơn, Vu Giáp khí tiêu sâm.
(Sương móc trắng xóa làm tiêu điều cả rừng phong,
Núi Vu, kẽm Vu hơi thu hiu hắt.
Thu hứng của Đỗ Phủ)
Sang mùa đông thì tuyết phủ đầy trời:
Lục xuất phi hoa nhập hộ thì,
Toạ khan thanh trúc biến quỳnh chi.
Như kim hảo thướng cao lâu vọng,
Cái tận nhân gian ác lộ kỳ.
(Hoa tuyết sáu cánh bay lất phất vào trong nhà.
Ngồi nhìn cây trúc xanh biến thành quỳnh trắng.
Hôm nay thích lên lầu cao mà ngắm cảnh.
Ở nhân gian tuyết phủ đầy các hang cùng ngõ ngách.
Đối tuyết – Cao Biền)
Trong bài thơ Thôn cư khổ hàn, Bạch Cư Dị, mùa đông ngoài có tuyết rơi còn có cây cối héo hắt, những loài cây có sức sống mạnh mẽ như tùng, trúc đều chết héo:
Bát niên thập nhị nguyệt,
Ngũ nhật tuyết phân phân.
Trúc bách giai đống tử,
Huống bỉ vô y dân.
(Tháng chạp năm thứ tám
Suốt năm ngày tuyết rơi rơi
Tre tùng đều chết lạnh
Huống hồ dân không áo)
Thế nhưng ở đất Lĩnh Nam, vào giữa mùa đông cây cối vẫn tốt tươi đơm hoa kết trái tỏa hương sắc “Trọng đông sơn quả thục” (Giữa mùa đông trái rừng chín), để rồi tháng giêng khi đất trời vào xuân thì trăm hoa đua nhau khoe sắc “Chính nguyệt dã hoa khai” (Tháng giêng hoa nở). Trong thời hiện đại, thi sĩ Xuân Diệu đã từng miêu tả vẻ đẹp của tháng giêng trong những câu thơ nổi tiếng trong bài Vội vàng:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sáng thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như cặp môi gần.
Nước ta mưa nhiều, mùa mưa chiếm đến khoảng thời gian nửa năm. Đỗ Thẩm Ngôn chắc hẳn đã phải trải qua những cơn mưa dai dẳng trên đất Việt nên đã thốt lên “Tích vũ sinh hôn vụ” (Mưa nhiều sinh ra mây mù tối trời). Cùng với mưa, không khí ẩm ướt đã tạo nên sương “Khinh sương hạ chấn lôi” (Sương đổ, sấm rền sau).
Từ nhận thức về khác biệt về khí hậu, phong thổ, tác giả nhớ nhà và mong mau trở lại cố hương:
Cố hương du vạn lý,
Khách tứ bội tòng lai.
(Xa nhà hàng vạn dặm
Về thôi, khách khẩn cầu!)
Mặc dù ở thời nhà Đường, phần lớn Đường nhân thường có ánh mắt không mấy thiện cảm đối với con người và đất nước Việt xưa, bởi họ vẫn xem ta là “Nam man”, thế nhưng qua bài thơ Lữ ngụ An Nam, Đỗ Thẩm Ngôn đã thể hiện cái nhìn khách quan trong việc miêu tả phong thổ của trên đất Việt với những nét đặc trưng vốn có. Đất Việt đẹp xinh đã tự hào đi vào thơ văn Trung Quốc từ thế kỉ thứ 7 và hẳn nhiên vẻ đẹp ấy vẫn trường tồn cho đến ngày hôm nay, mãi mãi…