Dàn diễn viên đẹp như mộng, những cảnh quay “ngựa xe như nước áo quần như nêm” hoành tráng đã không đủ cứu được một bộ phim ôm đồm quá nhiều và hời hợt về mặt cảm xúc. Tấm Cám – Chuyện chưa kể không lấy được nước mắt của khán giả. Thứ đọng lại, trớ trêu thay, lại là những giọt nước mắt của chính đạo diễn trong một cuộc tranh luận đã bị đẩy đi quá xa khỏi khuôn khổ giải trí.
Sa đà vào sở đoản
Tấm Cám – Chuyện chưa kể khởi đi với một teaser rất tốt, trailer chính thức của họ cũng có lan tỏa ấn tượng. Nhưng đến đoạn trailer 2, với sự xuất hiện của quái vật vào cuối phim, những nghi ngại đã bắt đầu xuất hiện.
Và khi xem phim, những nghi ngại ấy trở thành sự thật. Quá nhiều đại cảnh được dàn dựng bởi kỹ xảo chỉ tạo ra cảm giác không thật. Cảnh chiến đấu kết phim lẽ ra phải được đẩy lên đến đỉnh điểm, rốt cục lại trở thành một thước phim hoạt hình ngô nghê bởi kỹ thuật CGI còn non nớt. Vào một thời điểm mà cứ vài tuần, người Việt lại được xem bom tấn nước ngoài, việc sa đà vào kỹ xảo là một hành động bỏ sở trường mà dùng sở đoản.
Trong khi đó, câu chuyện cổ tích Tấm Cám lại mạnh ở những triết lý, những khoảng trống tạo tranh luận. Hình ảnh người mẹ ghẻ chặt cây cau, chiến đấu với cái ác của chính bản thân mình để rồi bất lực “mình phải làm việc này vì con Cám” quá ấn tượng. Nhưng Ngô Thanh Vân đã không khai thác khía cạnh ấy, cô cũng không khai thác cái ác của Tấm trong việc trả thù mẹ con Cám.
Cô chọn một kịch bản khác, đưa hoàng tử lên làm vai chính, lồng ghép câu chuyện yêu nước và nghĩa vụ của một người làm trai thời loạn, thêm cả vào tình nghĩa anh em, tình phụ tử. Sự tham vọng và cả tham lam ấy khiến Ngô Thanh Vân thất bại. Bởi vì tình yêu trong Tấm Cám không đủ mạnh, tình huynh đệ không đáng tin, tình cha con hời hợt và hành trình chiến thắng chính mình của hoàng tử vô cùng khiên cưỡng.
Diễn xuất ấn tượng của Isaac, NSƯT Hữu Châu và một vài diễn viên phụ khác không đủ cứu nổi một bộ phim hời hợt. Nói không quá lời, Tấm Cấm – Chuyện chưa kể đã sa vào cái thất bại của Fan cuồng, tức là dụng công quá nhiều cho kỹ xảo, cho cái lớp vỏ quên ngoài mà quên cốt lõi bên trong.
Phim đầu tay của Ngô Thanh Vân cho thấy cô có năng lực lẫn khát vọng. Nhưng bộ phim cần phải được đặt đúng vị trí của nó, được soi chiếu một cách công bình để phát triển chứ không thể xét đến những tình tiết bên ngoài. Và nếu bỏ qua những lùm xùm liên quan đến phát hành, có thể nói cô đã thất bại trong việc tạo ra một sản phẩm điện ảnh chất lượng. Nếu muốn thuyết phục khán giả đến rạp, người ta phải thuyết phục họ bởi chính chất lượng, chứ không phải những cụm từ đã cũ như “ủng hộ phim Việt” hay “phim tử tế”.
Thua trên sân nhà
Hơn 10 năm trước, Yahoo tung ra một TVC rất dễ thương, cũng dựa trên tích Tấm Cám. Trong đó, Ngô Thanh Vân vào vai Tấm, Thành Lộc vai dì ghẻ và Minh Béo nhận vai ông Bụt. Hơn một thập niên sau, Yahoo đã sập tiệm, Minh Béo đã dính vòng lao lý, Thành Lộc đã trở thành ông Bụt trong Tấm Cám – Chuyện chưa kể. Thứ duy nhất kết nối hai chuyện chính là tiếng khóc của Ngô Thanh Vân. Mười năm trước nàng khóc trong TVC, mười năm sau nàng khóc trong cuộc họp báo vì cảm giác bất lực xung quanh chuyện phát hành.
Chỉ có điều lần này, không có ông Bụt nào hiện ra giúp nàng cả. Tấm Cám – Chuyện chưa kể, trớ trêu thay, lại là lời nhắc nhở hùng hồn nhất cho việc một người làm phim, mà thực ra cũng là bất kỳ ngành nghề nào, cũng đều phải đứng lên bằng chính đôi chân mình chứ không thể chờ đợi phép màu. Việc bộ phận sản xuất không đạt được thỏa thuận làm ăn với CGV từ một chuyện làm ăn đơn thuần, bỗng chốc bị khoác lên chiếc áo mang tên dân tộc, vốn đang là chủ đề nóng bỏng suốt những ngày nay.
Nhưng nếu Tấm Cám – Chuyện chưa kể là một bộ phim tốt, nó vẫn sẽ tìm được đường đến với khán giả mà không cần thông qua CGV. Ngược lại, phim không tốt thì ngay cả hệ thống rạp mạnh nhất có phát hành, thất bại vẫn là điều không tránh khỏi, mà Fan cuồng là tấm gương mới nhất.
Nhưng đáng tiếc, sự đầu tư kỹ lưỡng của Ngô Thanh Vân và cộng sự lại không đủ che lấp cái nông của cảm xúc và sự non tay trong những pha xử lý mang tính quyết định đến cao trào của phim. Kết phim, thông điệp vận mệnh do chúng ta làm chủ, hạnh phúc do chính ta làm lấy bỗng trở nên lạc lõng, thậm chí ngô nghê khi nó được phát ra từ Tấm, một người đã luôn giao vận mệnh của mình cho Bụt và những giọt nước mắt.
Và nước mắt là thứ sẽ đọng lại từ Tấm Cám – Chuyện chưa kể. Chỉ tiếc nó chả phải là nước mắt của Tấm hay Cám, chả phải nước mắt của khán giả mà lại là nước mắt của chính Ngô Thanh Vân!
- Minh Trần