Áp lực bán đồng loạt diễn ra trên diện rộng ngay khi mở cửa phiên sáng nay đã khiến VN-Index bốc hơi 20 điểm chỉ trong nửa đầu phiên sáng.
Ngay khi mở cửa phiên sáng hôm qua, VN-Index đã tăng vọt lên gần mốc 1.000 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền tỏ ra dè dặt với nhóm cổ phiếu lớn khiến đà tăng của thị trường nhanh chóng giảm nhiệt.
Trong phiên chiều, dòng tiền tiếp tục tìm vận may với nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ, trong khi tỏ ra dè dặt với nhóm cổ phiếu lớn và bluechip khiến VN-Index chỉ lình xình và đóng cửa trên 990 điểm.
Do dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu nhỏ, nên khối lượng giao dịch nay tăng khá so với phiên cuối tuần trước, nhưng giá trị lại sụt giảm.
Theo nhìn nhận của một số công ty chứng khoán, các tín hiệu đáng tin cậy về một đợt điều chỉnh chưa có dấu hiệu kết thúc nên cho rằng có thể thị trường sẽ giao dịch lình xình, diễn biến giằng co (BVSC), hay SHS có quan điểm lạc quan hơn khi nhận định, việc các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự đang ở rất gần có thể khiến cho diễn biến giằng co với các phiên tăng/giảm đan xen đi kèm thanh khoản thấp có thể tiếp tục diễn ra.
Bước vào phiên giao giao dịch sáng nay (26-6), không như dự đoán, ngay từ khi mở cửa, áp lực xả hàng mạnh đã diễn ra đồng loạt trên hầu hết các nhóm ngành, chỉ số VN-Index lao dốc, mất gần 20 điểm xuống ngưỡng 970 điểm chỉ sau gần 1 giờ giao dịch.
Sắc xanh le lói chỉ còn ở một số cổ phiếu thị trường như HAG, IDI, DIG, ITA, HNG, HCD, khớp lệnh cao nhất HOSE đang là FLC nhưng cũng chìm trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu trụ cột 10 mã vốn hoá lớn nhất thị trường hầu hết đều đang mất trên 2%, nhóm bluechip VN30 cũng đã không còn mã nào tăng, sau khi ROS, BMP và KDC bị đẩy ngược trở lại khi có thời điểm tăng giá.
Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc không có dấu hiệu gia tăng, VN-Index chỉ kịp hồi nhẹ nhưng tạm nghỉ trưa vẫn mất hơn 13 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 69 mã tăng và 191 mã giảm, VN-Index giảm 13,52 điểm (-1,36%), xuống 977 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 81,19 triệu đơn vị, giá trị 1.681,39 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 2% về khối lượng và gần 13% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 478,1 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường và thanh khoản sụt giảm, dòng tiền dịch chuyển mạnh sang nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, trong khi chốt lời nhẹ ở nhóm vốn hoá lớn là diễn biến chính trong phiên sáng nay.
Cụ thể, 4 mã thanh khoản cao nhất HOSE và tăng điểm đều là 4 mã thị trường như FLC, HAG, IDI và ITA.
Trong đó, FLC khớp lệnh cao nhất với hơn 9,29 triệu đơn vị, tăng nhẹ lên 5.340 đồng/cổ phiếu, HAG có 7,48 triệu đơn vị, có thời điểm đã tăng trần, và tạm nghỉ +5% lên 5.080 đồng/cổ phiếu; IDI có 2,51 triệu đơn vị và ITA có 2,1 triệu đơn vị, và cũng có thời điểm tăng trần, chốt phiên sáng +5,7% lên 2.600 đồng.
Một số cổ phiếu khác cũng có sắc xanh nhưng thanh khoản thấp hơn như HNG có 1,4 triệu đơn vị khớp lệnh; DIG có 1,2 triệu đơn vị; HCD, SJF, SCR có hơn 600.000 đơn vị…
Nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường may mắn nhất là VIC, khi được kéo lên tham chiếu 123.700 đồng từ sắc đỏ, còn lại đều mất điểm từ 1 đến 2% như VHM -0,9%; VNM -2%; SAB -1,2%; GAS -1,5%; MSN -1,9%; VCB -1,9%; TCB -0,9%; CTG -1,5%; BID -2,1%. Trong số này, CTG khớp lệnh lớn nhất với hơn 1,6 triệu đơn vị.
Nhóm bluechip VN30 chỉ còn duy nhất BMP hồi nhẹ +0,2% lên 59.200 đồng và VIC đứng tham chiếu nêu trên, thì còn lại 28 mã mang màu đỏ.
Tuy nhiên, các mã giảm thì đa số không mã nào giảm quá sâu, mất điểm lớn nhất là BVH -3,2% xuống 83.900 đồng; CII -2,9% xuống 25.250 đồng; HPG -2,8% xuống 40.350 đồng; MWG -2,4% xuống -2,4% xuống 118.000 đồng.
Khớp lệnh cao nhất trong nhóm là MBB với hơn 1,73 triệu đơn vị, giảm 2% xuống 27.650 đồng; STB có 1,56 triệu đơn vị, giảm 1,6% xuống 11.950 đồng; HPG có 1,45 triệu đơn vị; SSI có 1,1 triệu đơn vị…
Đáng chú ý phiên sáng nay là việc hơn 27,36 triệu cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 chào sàn với giá niêm yết 250.000 đồng, và đã có 6.000 đơn vị được mua, trong khi trắng bên bán đã đưa cổ phiếu này tăng kịch trần lên 300.000 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu khác cũng đáng lưu ý là DRC +4,9% lên 24.500 đồng; HCD +4,3% lên 12.250 đồng…trong khi PNJ -4,3% xuống 99.000 đồng.
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự trên HOSE, khi chỉ số HNX-Index lao mạnh khi mở cửa, xuống dưới 110 điểm, nhưng cũng chỉ nhích nhẹ lên bởi dòng tiền yếu và tạm nghỉ mất gần 1,5%.
Hầu hết các cổ phiếu lớn chi phối đều mất điểm với ACB -1,5% xuống 38.700 đồng; SHB -2,3% xuống 8.500 đồng; NVB -1,3% xuống 7.400 đồng; ; PVI -0,3% xuống 29.900 đồng; SHS -2,7% xuống 14.400 đồng; PVS -2,3% xuống 17.200 đồng; VGC -2,6% xuống 22.600 đồng; VCG -2,3% xuống 16.700 đồng; VCS -3,3% xuống 82.800 đồng…
Trong số này, 3 mã ACB, PVS, SHB khớp lệnh cao nhất sàn, từ 1,1 triệu đến 1,6 triệu đơn vị.
Tăng điểm chỉ còn CEO +0,7% lên 13.800 đồng, khớp lệnh hơn 680.00 đơn vị; AAV trong phiên thứ 2 kể từ khi lên sàn vẫn tăng tốt +5,7% lên 16.700 đồng sau phiên tăng trần hôm qua, khớp lệnh hơn 460.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 20 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index giảm 1,59 điểm (-1,42%), xuống 110,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 14,75 triệu đơn vị, giá trị 210,06 tỷ đồng, giảm hơn 18% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thoả thuận có thêm 1,64 triệu đơn vị, giá trị 29,9 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, sau khi có được sắc xanh trong nửa đầu phiên, chỉ số UpCoM-Index đã bị đẩy mạnh xuống tham chiếu và tạm nghỉ ở mức điểm thấp nhất phiên sáng.
Các nhóm cổ phiếu đều mất điểm hoặc bị đẩy lùi, trong đó POW khớp lệnh cao nhất sàn cũng chỉ có hơn 1 triệu đơn vị, giảm 2,3% xuống 13.000 đồng, 2 mã dầu khí lớn khác là BSR -1,6% xuống 17.900 đồng; OIL đứng tham chiếu 17.000 đồng.
Hai mã hàng không HVN -2% xuống 33.700 đồng; ACV -3,1% xuống 90.000 đồng; hai mã ngân hàng LPB -1,7% xuống 11.400 đồng; VIB -2,2% xuống 27.200 đồng
Tăng điểm chỉ còn DVN khi +0,7% lên 15.300 đồng, nhưng khớp lệnh chưa đến 50.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,36%), xuống 51,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3,82 triệu đơn vị, giá trị 51,76 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm hơn 4,12 triệu đơn vị, giá trị 71,77 tỷ đồng.
-Theo ĐTCK