Lực bán bất ngờ gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến VN-Index lao dốc đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, mất mốc 1.015 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng, sự dè dặt của cả bên mua và bên bán khiến thị trường lình xình trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp.
Trong phiên giao dịch chiều, VN-Index nhích lên trên tham chiếu và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng diễn biến sau đó lại hoàn toàn ngược lại.
Ngay khi vừa chớm sắc xanh, lực bán tháo đã diễn ra, đẩy VN-Index lao dốc với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử. Khi xuống mức 1.020 điểm, thị trường có nhịp hổi nhẹ, nhưng trong đợt ATC, lực bán lại ồ ạt diễn ra, đẩy VN-Index lao xuống dưới mốc 1.015 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Chốt phiên, VN-Index giảm 25,56 điểm (-2,46%), xuống 1.014,98 điểm với 105 mã tăng và 182 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 104 triệu đơn vị, giảm 12% so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 3.048,98 tỷ đồng, giảm 11,15% so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận hôm nay khiêm tốn hơn nhiều so với phiên trước do không có sự đột biến như giao dịch VHM với 18,7 triệu đơn vị, giá trị 657,2 tỷ đồng.
Trong phiên hôm nay, trong khi VHM chưa có lệnh khớp nào để hỗ trợ VN-Index do không có lực bán, thì cổ phiếu của tập đoàn mẹ VIC lại lao dốc xuống mức sàn 114.400 đồng với 2,26 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu đơn vị.
Cùng với VIC, BVH cũng bị bán tháo mạnh và đóng cửa ở mức sàn 90.300 đồng với 0,26 triệu đơn vị được khớp. Trong khi đó, dù không giảm sàn như VIC, nhưng VRE cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 44.600 đồng, giảm 4,5% với 2,17 triệu đơn vị được khớp.
Không chỉ cặp đôi VIC – VRE, trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, nếu không kể VHM không có lệnh khớp, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mã giảm mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Cụ thể, VNM giảm 2,98%, xuống 166.000 đồng, GAS giảm 5,65%, xuống mức thấp nhất ngày 108.500 đồng, VCB cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 55.700 đồng, giảm 1,42%, SAB giảm 0,55%, xuống 251.000 đồng, BID giảm 4,4%, xuống mức thấp nhất ngày 31.500 đồng, CTG cũng chịu cảnh tương tự với mức giảm 2,21%, xuống 28.800 đồng, MSN cũng đảo chiều giảm mạnh 3,78%, xuống mức thấp nhất ngày 89.000 đồng.
Trong nhóm ngân hàng, ấn tượng nhất trong phiên hôm nay là HDB khi giữ được mức tăng tốt 1,36%, lên 41.100 đồng với 1,75 triệu đơn vị được khớp. VPB chỉ còn tăng nhẹ 0,97%, xuống 47.000 đồng với 1,97 triệu đơn vị được khớp. Có thêm EIB may mắn giữ được mức tham chiếu 14.750 đồng, còn lại đều giảm, như MBB giảm 2,31%, xuống 29.600 đồng (mức thấp nhất ngày), với 2,7 triệu đơn vị được khớp; STB giảm 1,18%, xuống 12.600 đồng (mức thấp nhất ngày) với 3,4 triệu đơn vị được khớp; TPB giảm 0,51%, xuống 29.550 đồng.
Trong các mã bluechip khác, MWG và BHN là 2 mã đi ngược dòng ngoạn mục khi đều tăng mạnh 4,06% và 4,59%, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mã giảm mạnh. Cụ thể, VJC giảm 4,35%, xuống 184.000 đồng, PLX giảm 4,35%, 66.000 đồng (mức thấp nhất ngày), SSI giảm 3,03%, xuống 32.000 đồng…
Nhóm cổ phiếu thép, HPG đảo chiều giảm 1,3%, xuống 53.200 đồng, mức thấp nhất ngày với 2,37 triệu đơn vị được khớp. HSG thậm chí giảm 6,43%, xuống 13.100 đồng với 4,68 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE. Ngoài ra, POM giảm 2,94%, xuống 16.500 đồng, SMC, TLH giảm nhẹ, còn DTL lại có sắc xanh nhạt.
Trong nhóm cổ phiếu nhỏ, chỉ có HCD giữ được sắc tím, IJC đã đánh mất mức trần, còn sắc xanh cũng chỉ còn duy trì ở IDI, OGC, ITA, FIT, còn lại đều quay đầu giảm, thậm chí HAR và TTF đóng cửa ở mức sàn.
Tương tự, sàn HNX cũng chỉ giằng co nhẹ trong ít phút đầu phiên chiều trước khi lao dốc mạnh trước áp lực bán lớn và cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày với việc chỉ số HNX-Index mất mốc 120 điểm.
Cụ thể, chốt phiên chiều, HNX-Index giảm 1,3 điểm (-1,07%), xuống 119,97 điểm với 80 mã tăng, trong khi có 97 mã giảm.Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị 523 tỷ đồng, giảm mạnh 38,5% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,76 triệu đơn vị, giá trị 15,29 tỷ đồng.
Cũng giống HOSE, toàn bộ Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mã giảm hơn 2%.
Cụ thể, ACB giảm 1,4%, xuống 42.200 đồng với 1,9 triệu đơn vị được khớp; VCS giảm 2,39%, xuống 106.000 đồng; SHB giảm 4%, xuống mức thấp nhất ngày 9.600 đồng với 7,6 triệu đơn vị; VGC giảm 1,96%, xuống 25.000 đồng với 1,6 triệu đơn vị; PVS giảm 3,4%, xuống 19.900 đồng – mức thấp nhất ngày với 5,2 triệu đơn vị; VCG giảm 2,22%, xuống 17.600 đồng; PVI giảm 1,52%, xuống 32.300 đồng; VPI giảm 1,82%, xuống 43.200 đồng; NTP giảm 1,3%, xuống 53.300 đồng và PHP giảm 3,36%, xuống 11.500 đồng.
Trong Top 20 mã vốn hóa lớn, có ba mã đi ngược thị trường ngoạn mục là CEO tăng 3,09%, lên 16.700 đồng với 2,29 triệu đơn vị; DBC tăng 4,07%, lên 23.000 đồng và CDN tăng 4,76%, lên 17.600 đồng.
Trên UPCoM, chỉ số sàn này cũng lao mạnh ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng may mắn hơn 2 sàn niêm yết, đà giảm được hãm bớt lại trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,81%), xuống 54,79 điểm với 80 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,3 triệu đơn vị, giá trị 234 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,13 triệu đơn vị, giá trị 26,9 tỷ đồng.
Không có thêm mã nào có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị xuất hiện trong phiên chiều ngoài 3 mã của phiên sáng là POW, CMW và LPB. Trong đó, POW được khớp lớn nhất với 3,16 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá; LPB vượt qua CMW vươn lên vị trí thứ 2 với 2,93 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm 3,79%, xuống 12.700 đồng; trong khi CMW không có thêm lực bán nên dừng ở mức khớp 1,56 triệu đơn vị và còn dư mua trần (13.300 đồng) tới hơn 7 triệu đơn vị.
Trong các mã lớn, chỉ có VIB, TIS, MPC tăng nhẹ, còn lại đều giảm giá.
–Theo ĐTCK