Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng nên tất yếu nghệ thuật cũng phản ánh đời sống xã hội, nội dung tác phẩm nghệ thuật chính là hình ảnh của xã hội trong đó nó tồn tại.
Sự phức tạp của mối quan hệ giữa văn học và hiện thực bắt nguồn một phần từ sự chồng lấn của những nghĩa khác nhau trong từ “hiện thực” cũng như những giải thích khác nhau về nội dung của “hiện thực” mà văn học “phản ánh”, mô tả.
Chẳng hạn, nói đến hiện thực người ta thường nghĩ ngay đến toàn bộ thế giới đang tồn tại, bao gồm cả tự nhiên, xã hội và con người. “Hiện thực” trong cách hiểu này có khi đồng nghĩa với “đời sống” hay có khi còn gọi là “đời sống xã hội” (G.V Plekhanov: Nghệ thuật và Đời sống xã hội) hay “sinh hoạt xã hội” (Hải Triều, Văn học và Chủ nghĩa Duy vật).
Với cách hiểu ấy, văn học cũng chỉ là một bộ phận của đời sống, của hiện thực và quan hệ của văn học với hiện thực ở đây là quan hệ phụ thuộc. Hiện thực nào, xã hội nào văn học ấy, hiện thực thay đổi, văn học thay đổi theo, mặc dù văn học cũng có thể tác động lại hiện thực, kiềm hãm hay thúc đẩy xã hội phát triển.
Tuy nhiên, chữ “hiện thực” trong mệnh đề “văn học và hiện thực” không phải chỉ có nghĩa ấy. Trong nhiều trường hợp, hiện thực nhằm chỉ một tồn tại khách quan, nằm ngoài tác phẩm văn học, như là đối tượng phản ánh hay mô tả của văn học. Ở đây, quan hệ giữa hiện thực và văn học không phải là quan hệ kiểu hiện thực quyết định, chi phối văn học mà là quan hệ giữa khách thể và chủ thể, giữa những sự vật của thế giới bên ngoài và nội dung của tác phẩm.
Nói cách khác, một mặt là quan hệ là nhà văn với đời sống, một mặt là văn bản với hiện thực (bên ngoài). Chính sự nhập nhằng giữa hai mặt này là lý do giải thích vì sao văn học thường được kêu gọi phải phản ánh hiện thực, đặc biệt là với những người chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh, văn chương phụng sự xã hội hay văn nghệ là đinh vít, bánh xe, là một bộ phận trong sự nghiệp cách mạng.
Lý do rất đơn giản: văn học là một thành phần của xã hội, gắn bó máu thịt với đời sống, với hiện thực, do đó nhà văn có trách nhiệm phải “tả thực” phải mô tả đời sống để giúp quần chúng “giác ngộ”, đấu tranh để xây dựng xã hội mới. “Chủ nghĩa tả thực xã hội cốt ở sự tả một cách chân thực, rành mạch những hiện trạng quá khứ hay hiện tại, làm thế nào cho sự tả thực ấy có thể đưa quần chúng đến chỗ giác ngộ, tranh đấu để kiến thiết xã hội chủ nghĩa” (Hải Triều, sđd, trang 363).
Như vậy, ở đây tả thực hay “phản ánh” hiện thực xuất phát từ sự gắn bó của văn học với hiện thực, của nhà văn đời sống, chứ không phải từ nhu cầu nội tại của bản thân văn học như một hình thức nhận thức hay như một phương pháp sáng tạo nghệ thuật. Quan hệ đầu mang tính nhân quả, tả thực ở đây là tất yếu, bắt buộc, trong quan hệ sau, phản ánh hay tả thực là không cần thiết, có tính lựa chọn. Lý luận văn học Mác-xít đặt nề tảng trên mối quan hệ văn học và xã hội, đề cao nội dung xã hội và tính chất vị nhân sinh của nghệ thuật, tất yếu phải nhấn mạnh phản ánh hiện thực như một yêu cầu đối với văn học.
Tuy nhiên, vấn đề phản ánh hiện thực trong lý luận, văn học mác-xít không chỉ đơn giản như vậy. Nếu đối với phần đông các nhà chính trị, các nhà “quản lý” văn nghệ và các nhà văn cán bộ ở các nước xã hội chủ nghĩa yêu cầu phản ánh hiện thực được lập luận theo cách hiểu trên đây, chủ yếu dựa trên quan điểm duy vật về mối quan hệ văn chương – xã hội, thì đối với giới lý luận, yêu cầu này được đặt trên một nền tảng khác. Đó là lý luận phản ánh. Theo phản ánh mác-xít, vật chất quyết định ý thức, ý thức phản ánh tồn tại, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng nên tất yếu nghệ thuật cũng phản ánh đời sống xã hội, nội dung tác phẩm nghệ thuật chính là hình ảnh của xã hội trong đó nó tồn tại.
Thật ra, từ phản ánh luận như một vấn đề triết học đến văn học “phản ánh hiện thực” như một vấn đề lý thuyết sáng tạo có một khoảng cách nhất định. Chỉ căn cứ vào phản ánh như một đặc tính của ý thức theo quan điểm duy vật mác-xít để từ đó xem phản ánh như nhiệm vụ và chức năng của toàn bộ hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung là không có cơ sở. Ở đây, có một số điểm cần làm rõ:
Thứ nhất, phản ánh luận xem phản ánh là đặc trưng chung của ý thức trong quan hệ với hiện thực chứ không phải là nhiệm vụ hay chức năng của ý thức. Mọi ý thức, dù là ý thức tôn giáo, đạo đức, khoa học hay nghệ thuật, xét theo triết học mác-xít, đều mang tính phản ánh, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi ý thức đều phải phản ánh, mô tả hiện thực dưới hình thức này hay hình thức khác. Thừa nhận nghệ thuật mang tính phản ánh không bắt buộc đưa tới yêu cầu nghệ thuật phải phản ánh hiện thực theo nghĩa vẫn thường được hiểu.
Nội dung tác phẩm văn học, theo quan điểm phản ánh luận, xét đến cùng, là sự phản ánh dưới hình thức này hay hình thức khác hiện thực của thời đại, cho dù đó là thần thoại, cổ tích, truyện kể của các nhà hiện thực phê phán hay tiểu thuyết hiện đại. Nhưng đó là xét đến cùng, dựa trên đặc tính chung, chứ không phải căn cứ vào trách nhiệm của nhà văn và chức năng của văn học. Phản ánh luận nếu có thể vận dụng, thì tốt nhất không phải đối với sáng tác văn học mà là trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn học hay nghiên cứu văn hóa theo quan điểm xã hội học.
Thứ hai, việc áp dụng phản ánh luận mác-xít vào sáng tạo nghệ thuật là nỗ lực của các nhà mỹ học và lý luận văn học mác-xít; nó không bắt nguồn trực tiếp từ quan niệm của những người sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong các tác phẩm của K. Marx, F. Engels, V. Lenin, không thấy có chỗ nào trực tiếp nói văn học cần phản ánh hiện thực. F. Engels đúng là có đánh giá cao chủ nghĩa hiện thực của Balzac, nhưng đó cũng chỉ là thị hiếu của F. Engels bộc lộ trong bức thư gửi một nhà văn quen biết chứ chưa phải toàn bộ quan niệm của ông về sáng tạo nghệ thuật, lại càng không phải trực tiếp xuất phát từ quan niệm duy vật của ông về tồn tại và ý thức.
Tài liệu được viện dẫn nhiều nhất là những bài báo của V. Lenin về L. Tolstoi. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy khi V. Lenin gọi “L. Tolstoi như tấm gương của cách mạng Nga” và cho rằng L. Tolstoi “đã phản ánh trong các tác phẩm của mình”, “một số mặt quan trọng của cuộc cách mạng”, thì ở đây V. Lenin xét L. Tolstoi chủ yếu dưới góc độ phản ánh của triết học, chứ không phải dưới góc độ sáng tạo nghệ thuật. Sự thật là trong tác phẩm của L. Tolstoi không có bức tranh hiện thực nào của cách mạng Nga theo cách chúng ta vẫn thường nói.
Tư tưởng cơ bản của V. Lenin ở đây là: dù L. Tolstoi “không hiểu”, nhưng vì là “một nghệ sĩ vĩ đại”, tức là người có tài năng và nhạy cảm sâu sắc, không bị các thiên kiến cản trở, L. Tolstoi đã tiếp nhận tất cả các mặt của cuộc sống, trong đó cuộc cách mạng Nga đang là tâm bão và điều đó đã được phản ánh trong ý thức của L. Tolstoi hoặc dưới dạng tác phẩm nghệ thuật hoặc những quan điểm được phát biểu trực tiếp. Phản ánh ở đây phải hiểu là được phản ánh.
V. Lenin đã viết về điều này rất rõ: “Sự phá sản nhanh chóng, nặng nề, gay cấn của tất cả “những lề thói” cũ của nước Nga cũ đã được phản ánh trong tác phẩm của Tolstoi – nhà nghệ sĩ cũng như trong quan điểm của Tolstoi – nhà tư tưởng” và “Tư tưởng của Tolstoi là tấm gương của sự yếu đuối, của những thiếu sót trong cuộc nổi dậy của nông dân chúng ta, nó phản ánh sự nhu nhược của nông thôn gia trưởng, tính nhút nhát, hủ lậu của “người mu-gic hà tiện, căn cơ” (Lenin, Về văn học nghệ thuật, (tiếng Nga), 216, 208, 225).
Những trích dẫn trên đây cho thấy khi V. Lenin gọi L. Tolstoi là “tấm gương của cách mạng Nga” là ông muốn nói đến đặc điểm của ý thức L. Tolstoi – một thứ ý thức, theo quan điểm mác-xít, bao giờ cũng là sự phản ánh dưới hình thức này hay hình thức khác, ở mức độ này hay mức độ khác tồn tại khách quan hay hiện thực xã hội. Đời sống nông thôn Nga hiện ra hết sức chân thật trong tác phẩm L. Tolstoi đối với V. Lenin không phải là cái thuộc phạm trù phản ánh mà thuộc phạm trù sáng tạo nghệ thuật.
Ở đây, V. Lenin không dùng chữ “phản ánh” mà dùng chữ “miêu tả”, “vẽ ra” và coi đó là lĩnh vực của nghệ thuật, của nghệ sĩ. “Tolstoi hiểu biết tuyệt vời về nông thôn Nga, về sinh hoạt của người địa chủ và người nông dân. Trong các tác phẩm nghệ thuật của mình, ông đã miêu tả đời sống sinh hoạt này thật hay, khiến chúng trở thành những kiệt tác của văn học thế giới”. Đó là “một nghệ sĩ thiên tài đã không chỉ vẽ ra những bức tranh không gì sánh nổi về đời sống nước Nga, mà còn mang lại những tác phẩm hàng đầu của văn học thế giới” (Le6nin, sđd, 218-219). Cần lưu ý rằng trong tư tưởng của Lenin, quan trọng hàng đầu đối với văn học không phải là mối quan hệ văn học và hiện thực mà là tính đảng của người cầm bút.
Phản ánh luận mác-xít đã được V. Lenin phát triển cặn kẽ trong cuốn Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và chính ông đã vận dụng nó khi phân tích trường hợp L. Tolstoi. Nhưng V. Lenin không phải là người đề ra yêu cầu văn học phản ánh hiện thực. Người trực tiếp nêu ra chủ trương này một cách hệ thống chính là nhà mỹ học người Hungary G. Lukács (xem Trương Đăng Dung, Nghiên cứu Văn học số 11, 12-2016).
Về quan điểm của G. chúng tôi sẽ đề cập sau, chỉ một điều có vẻ hơi lạ cần phải nói ngay ở đây là trong suốt một thời gian dài, đối với nhiều nước trong phe xã hội chủ nghĩa cũ, G.Lukács được xem như một “phần tử xét lại”, bị phê phán và cấm cửa, tác phẩm của ông không được dịch và phổ biến. Vậy vì sao lý luận “Văn học phản ánh hiện thực” mà G.
Lukács là người chủ trương và biện hộ kiên định nhất lại vẫn có ảnh hưởng lớn và phổ biến rộng rãi ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ở Việt Nam? Phải chăng lý luận này chủ yếu không xuất phát từ quan niệm phản ánh luận mà từ nhận thức về mối quan hệ giữa văn học và đời sống xã hội, về sự gắn bó và trách nhiệm của nhà văn đối với hiện thực đời sống như đã phân tích ở trên? Đó là vấn đề đòi hỏi phải có những nghiên cứu cụ thể.