Kiểu người như Khoa ban đầu mới gặp dễ gieo vào người đối diện cảm giác anh là người dung hòa giữa cá tính và sự đa cảm, ẩn chứa nhiều bí ẩn trong anh… nhưng quen rồi mới thấy anh là người đàn ông rất lạc quan và cũng rất hồn nhiên vô tư…
Điện ảnh – “Đường đua” đầy hứng khởi
Mối duyên điện ảnh đến với Phạm Anh Khoa tình cờ, tưởng chỉ là thoáng qua hóa ra kéo dài thành chặng đường nhiều thú vị. Thi thoảng ra đường có người gặp anh vẫn réo ầm ầm “chàng chăn dê”, trong vai diễn Dương Linh tưng tửng nhưng chân thành của bộ phim Mỹ nhân kế. Tính anh hay trêu chọc người khác, thấy phim của anh Nguyễn Quang Dũng trước giờ đa số là hài hài, hiền hiền, ít khi nào “chấn động”, anh đùa là khi nào có phim mà có cảnh nóng thì gọi em đóng. Tới khi có kịch bản Mỹ nhân kế, anh Dũng khùng gọi là Phạm Anh Khoa xách balô ra Cam Ranh luôn, vì nói rồi thì phải nhận lời thôi: “Chơi luôn, có gì mà sợ!”. Tới khi phim ra, đi xem Phạm Anh Khoa thấy khoái nhất là tới cảnh nóng của mình thì mọi người cứ cười rần rần thoải mái, thôi vậy cũng dễ chịu.
Nếu vai Dương Linh đòi hỏi Phạm Anh Khoa đưa con người thật của mình lên màn ảnh thì Lộc trong Đường đua là một cuộc lột xác hoàn toàn. Rong chơi với điện ảnh, anh chọn toàn “ca khó”, lần đầu là cảnh nóng, lần sau là một phim mà 80% là cảnh hành động. Từng đứng lớp dạy võ vovinam nhưng khi nhận vai, Phạm Anh Khoa vẫn phải tập luyện trở lại rất nhiều vì võ thuật trong phim đòi hỏi không phải hạ gục đối phương mà phô diễn nét đẹp, anh phải học cách đánh chậm lại nhưng động tác rõ hơn với góc quay phù hợp. Là một cầu thủ tốc độ trên sân bóng, từng chạy bộ từ Sài Gòn về Cam Ranh, nhưng anh vẫn phải bỏ ra một tháng trời để tập chạy lại cho đúng dáng vận động viên điền kinh như trong phim. Ròng rã mấy tháng từ khi nhận vai, Phạm Anh Khoa cần mẫn đi “thỉnh giáo” chị Hồng Ánh và đạo diễn Nguyễn Khắc Huy về mảng miếng trong diễn xuất. Anh phải mất một, hai tuần để đắm mình vào cuộc đời của Lộc nhưng cần đến hơn hai tháng để thoát ra sau khi phim ngừng quay. Trên trường quay của Đường đua, anh không chọc phá mọi người, nghịch ngợm như lúc đi phim Mỹ nhân kế, anh lúc đó là Lộc, lặng lẽ và nhiều nghĩ suy. Những ngày vui nhất có lẽ là những ngày Phạm Anh Khoa diễn tốt. Đoàn phim đóng máy rồi, về nhà hai tháng sau anh vẫn sống, vẫn đi hát với tâm trạng của thằng Lộc, ngay cả những sở thích quen thuộc như chơi game, đá banh trước đây anh cũng không màng. Sợ nhất là cảm giác nhìn vợ con không thấy thân thuộc, đi diễn đứng trên sân khấu với ban nhạc thân quen của mình mà cứ “quờ quạng” như có khoảng trống sau lưng. Khoa phải ngừng nhận show, bỏ đi nghỉ dài ngày để bình tâm lại. Vợ anh hết hồn tuyên bố sau này nếu có vai nào như thế chắc phải suy nghĩ trước khi nhận vai. Đi phim dài ngày cho anh một cái nhìn chân thực hơn về những gì đằng sau ống kính. Trước đây anh yêu âm nhạc mười phần, thì điện ảnh chỉ năm, sáu phần bây giờ hai thứ cân phân nhau, vì anh hiểu để có một thước phim nghiêm túc không phải là chuyện đùa. Phạm Anh Khoa nói mình đến với điện ảnh như tờ giấy trắng tinh, mọi người giúp anh ghi lên đó những điều bổ ích, anh tự mình rút tỉa và ghi thêm nhiều điều tốt đẹp, trang giấy dần được lấp đầy. Nhưng cuộc rong chơi hào hứng với điện ảnh không làm anh bỏ quên tình yêu lớn với âm nhạc. Đi quay, lúc nào Khoa cũng mang theo guitar nhưng không sáng tác được vì không thể tập trung. Thế nên dù có lời mời cho phim Lửa Phật và Bụi đời Chợ Lớn, Khoa quyết định từ chối để quay lại với những dự án âm nhạc còn bỏ ngỏ của mình.
“Âm nhạc của tôi như quả sầu riêng”
Live show Số 7 vào tháng Ba vừa qua là cuộc trở lại đầy hoành tráng của Phạm Anh Khoa với khán giả yêu nhạc. Người ta vẫn gặp một Mr. PAK khi ôm đàn tưng bừng máu lửa như trút hết ruột gan ra hát trên sân khấu khi nồng nàn với Tôi tìm thấy tôi cùng giọng hát đằm thắm của cô ca sĩ trẻ Phù Vạn Nam Hương. Điện ảnh giữ anh tĩnh lại, nghĩ sâu hơn, tính toán nhiều hơn, bộc lộ cảm xúc nhiều hơn trong cách hát. Đó là lý do anh sắp cho ra đời một đĩa có cái tên giản dị Nghe, đơn giản là anh muốn khán giả chỉ đơn thuần nghe chứ không cần nhìn.
Một thời gây ấn tượng mạnh với Ngựa ô thương nhớ, Lý quạ kêu, Phạm Anh Khoa vẫn xem chuyện làm mới dân ca là kim chỉ nam cho âm nhạc của mình. Anh không muốn đem sự tự hào dân tộc ra để đánh vào số đông bởi đó là con dao hai lưỡi, anh chỉ hy vọng truyền cảm hứng cho những người đồng điệu. Không chỉ phối lại dân ca, Phạm Anh Khoa còn có những ca khúc viết theo giai điệu ngũ cung mang âm hưởng dân tộc. Ra Hà Nội diễn một đêm rồi định bay về, có bạn rủ đi Bắc Ninh, anh hào hứng đến miền đất quan họ này rồi ăn dầm nằm dề cả tháng. Mỗi ngày anh tiếp xúc với nhiều liền anh, liền chị, ngạc nhiên khi ở miền đất này ngay cả một người bán trà đá bên vệ đường cũng hát quan họ rất hay. Đó là cảm hứng nghệ thuật hồn nhiên từ cuộc sống làm anh tin thêm vào đường đi khó mình đã chọn.
Có khán giả nói với anh rằng âm nhạc của anh như một quả sầu riêng, người không thích thì nhăn mặt quay đi nhưng người đã nghiện thì không bao giờ bỏ được. Phạm Anh Khoa hài lòng về điều đó. Khán giả của anh đa số là sinh viên chọn con đường đam mê giống anh nên anh muốn mỗi bài hát của mình là một thông điệp có ý nghĩa. Anh cảm thấy hạnh phúc khi nghe khán giả nói rằng mỗi sáng họ phải mở nghe Đừng nhìn lại của anh cho cảm hứng đầu ngày. Âm nhạc của nhiều người đã từng vực Phạm Anh Khoa dậy qua nhiều khó khăn, anh hy vọng sáng tác của mình có thể chia sẻ được cho nhiều bạn trẻ như thế. Anh nói mình có đóng phim hay ra album cũng không phải để tìm kiếm thêm sự nổi tiếng, anh chỉ đi tìm câu trả lời cho những thử thách của chính bản thân mình. Nên phim có bị hoãn chiếu hay album bị lỗ cũng không phải là vấn đề quá lớn với Phạm Anh Khoa. Lạc quan vốn dĩ, nên làm gì đi nữa, người đàn ông này cũng vô tư lự thế thôi!
Thái Đồng