Nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới Ray Dalio nói rằng chu kỳ kinh doanh toàn cầu hiện nay đang ở giai đoạn “võng sâu” và nền kinh tế thế giới đang có ít nhất hai điểm tương đồng với hồi thập niên 1930 – thời kỳ của Đại suy thoái.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày 17-10 bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, ông Dalio nói hiện đã quá muộn để các ngân hàng trung ương có thể tạo ra khác biệt lớn, bởi các nền kinh tế đã bước vào một thời kỳ giảm tốc tự nhiên.
“Chu kỳ này đang đi vào suy yếu, và chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà tôi muốn gọi là “võng sâu””, ông Dalio nói. Theo “ông trùm” của lĩnh vực đầu cơ, việc nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là hạ lãi suất, khó có thể mang lại nhiều tác dụng trong việc kích cầu nền kinh tế.
“Châu Âu đã ở vào giới hạn đó rồi, Nhật Bản cũng vậy, còn Mỹ thì cũng không còn nhiều dư địa”, ông Dalio nhận xét.
Theo vị tỉ phú Mỹ, thế giới hiện đang chứng kiến khoảng cách giàu nghèo lớn nhất kể từ thập niên 1930, và điều này đang tạo ra sức ép lớn về chính trị.
“Ở Mỹ, 1-10 trên cùng của nhóm 1% dân số giàu nhất nắm giữ tổng giá trị tài sản ròng gần bằng toàn bộ nhóm 90% dân số dưới cùng”, ông Dalio nhấn mạnh.
Ông Dalio cũng cho rằng sự nổi lên hiện nay của Trung Quốc là một điểm tương đồng nữa với những gì đã diễn ra trong thập niên 1930.
“Giống như trong thập niên 1930, chúng ta đang chứng kiến một cường quốc đang nổi lên thách thức trật tự thế giới vốn có. Đó là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ”, ông nói.
Ông Dalion, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, cũng cho rằng có bốn dạng chiến tranh để theo dõi hiện nay, bao gồm chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, chiến tranh tiền tệ, và chiến tranh địa chính trị.