Trở thành công ty chuyển phát nhanh toàn cầu đầu tiên sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là cột mốc quan trọng đối với Công ty UPS Vietnam. Ngày 22-3, ông Jeff McLean, Tổng giám đốc UPS Vietnam, đã có cuộc trao đổi với báo chí tại TP.HCM để chia sẻ về sự kiện quan trọng này.
Trước hết, xin chúc mừng Công ty UPS trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên trong ngành sở hữu 100% vốn tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ UPS xem Việt Nam là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu của tập đoàn phải không, thưa ông?
Là một trong các nước Đông Nam Á có mức tăng trưởng nhanh nhất, Việt Nam là một thị trường đóng vai trò quan trọng mang đến cho UPS các cơ hội phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, khi đặt chân đến đây từ năm 1994, UPS đã cảm nhận được những tín hiệu lạc quan từ tiềm năng của thị trường để đến năm 2010, UPS đánh dấu việc chính thức có mặt bằng liên doanh với đối tác Việt Nam là Công ty VNPost Express trong lĩnh vực chuyển phát nhanh. Trong liên doanh này, khối lượng xuất khẩu của chúng tôi đã tăng trưởng hơn 50% trong năm 2011.
Trong năm 2012, mặc dù kinh tế gặp khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đạt được mức tăng trưởng là 20%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó khiến chúng tôi tin tưởng rằng UPS sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng khi được chủ động về định hướng phát triển, về đầu tư cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị, công nghệ. Đó cũng là mục tiêu, là lý do để UPS trở thành công ty có 100% vốn nước ngoài khi lộ trình cam kết với WTO được thực hiện vào năm 2012.
Việc sở hữu 100% vốn nước ngoài, UPS không phải là đối thủ cạnh tranh loại bỏ đối với các doanh nghiệp cùng ngành trong nước mà ngược lại, bằng những thế mạnh của mình, chúng tôi muốn đem lại dịch vụ tốt nhất của UPS để giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thuận lợi hơn trong các hoạt động xuất khẩu và tăng cường khả năng cạnh tranh với khu vực và thế giới.
Thưa ông, trước khi trở thành công ty sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, Công ty UPS đã chuẩn bị những gì?
Khi tham gia liên doanh chúng tôi đã mở văn phòng ở Hà Nội, TP.HCM, quầy làm thủ tục hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất, tăng cường đầu tư trang thiết bị mới và công nghệ tại các khu công nghiệp trọng điểm như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Dương và Bắc Ninh, nơi có lượng nhu cầu cao đối với dịch vụ logistics và có khả năng tiếp nhận với các dịch vụ của UPS tốt nhất.
Về nhân lực, từ năm 2010 chúng tôi đã phát triển từ 25 nhân viên đến nay có gần 300 người và được đào tạo, tập huấn để làm việc theo mô hình toàn cầu của UPS. Các phương tiện hoạt động cũng được công ty tập trung đầu tư trang bị, đến nay đã có 80 phương tiện xe máy và xe tải nhỏ phục vụ cho việc vận chuyển.
Trong hai năm qua, UPS còn có những đầu tư quan trọng khác tại Việt Nam, trong đó có việc giới thiệu dịch vụ Ocean Freight Preferred LCL, nhanh hơn 40% so với dịch vụ LCL (dịch vụ vận chuyển hàng lẻ bằng container) truyền thống từ cảng TP.HCM tới Mỹ.
Trong năm 2012, các giải pháp truy tìm và chuyển phát tăng cường như Internet Pickup và UPS Quantum View Manage cũng được cung cấp tại Việt Nam trên website UPS.com. Khách hàng của chúng tôi cũng sẽ hưởng lợi từ số vốn đầu tư vào công nghệ lên tới 1 tỉ USD của UPS trên toàn cầu.
Với công nghệ mới này, khách hàng tại Việt Nam sẽ trải nghiệm được độ tin cậy về chất lượng dịch vụ của UPS bằng hệ thống theo dõi lộ trình vận chuyển của hàng hóa trên khắp thế giới. Ngoài ra, các công ty nội địa còn được hưởng lợi từ mạng lưới toàn cầu của UPS tại hơn 220 quốc gia và lãnh thổ, cùng dịch vụ môi giới hải quan lớn nhất thế giới.
Ông nhận định như thế nào về việc UPS Việt Nam là công ty về logistics đầu tiên tại Việt Nam trở thành công ty 100% vốn nước ngoài?
Việc sở hữu hoàn toàn vốn sẽ không đạt ý nghĩa trọn vẹn nếu UPS không thể cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là nâng cao chất lượng dịch vụ tại Việt Nam lên mức cao nhất.
Sau khi sở hữu hoàn toàn vốn hoạt động, UPS có cơ hội kiểm soát toàn bộ quy trình hoạt động cũng như có thể hoạch định mục tiêu đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Với mô hình liên doanh, UPS đã đạt mức tăng trưởng tốt. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin vào kế hoạch phát triển mạnh trong tương lai với vị thế mới là doanh nghiệp chuyển phát nhanh nước ngoài đầu tiên sở hữu 100% vốn nước ngoài.
Mục tiêu của UPS là đem lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng từ những công nghệ rất hiện đại cũng như những tiện ích hoàn hảo cho doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ thêm về việc ứng dụng công nghệ của UPS tại Việt Nam?
Tại UPS, hằng năm chúng tôi đầu tư khoảng 1 tỉ USD vào việc ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Gần đây, chúng ta đã nghe nói nhiều về “điện toán đám mây”, chúng tôi muốn sử dụng ý tưởng này để nói về việc ứng dụng công nghệ cho các hoạt động toàn cầu của UPS và nó có thể là một xu hướng định hình lại công nghệ logistics trong tương lai. Chúng tôi gọi nó là “đám mây hậu cần”.
Công nghệ này cho phép khách hàng tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, chia sẻ thông tin liên quan đến các nhà cung cấp và người nhận hàng dễ dàng hơn và nhanh hơn. Vì thế, UPS sẽ giúp cho các doanh nghiệp kể cả SMEs tổ chức chuỗi cung ứng một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất.
Tùy theo quy mô doanh nghiệp sẽ có những hình thức hợp lý, nếu chỉ giao vài kiện hàng/ngày thì chỉ cần internet, nhưng từ 20 kiện/ngày cho nhiều thị trường khác nhau thì UPS sẽ cung cấp cho doanh nghiệp các phương tiện máy tính, máy in… có cài đặt sẵn các phần mềm theo dõi hàng hóa của mình đang ở đâu trên các đại dương hoặc các châu lục.
Chúng tôi cũng đem đến Việt Nam một thiết bị cầm tay gọi là DIAD thế hệ thứ 5 rất đắt tiền. Thiết bị này sẽ scan mã riêng trên từng gói hàng và các thông tin lập tức được kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu toàn cầu của UPS. Khi đó khách hàng và đối tác ngồi tại văn phòng có thể biết được lô hàng của mình đang ở đâu (trên đường đi, trên máy bay hay đã đến sân bay nước đến) nghĩa là toàn bộ quá trình từ lúc giao hàng cho đến khi hoàn tất thương vụ.
UPS cũng là công ty duy nhất cung cấp cho khách hàng vận đơn điện tử khi thông quan, tự động hóa trong các quy trình hải quan, không cần đến giấy tờ, giảm thiểu chi phí in ấn và nhân lực. Lợi ích lớn nhất của dịch vụ này là hàng hóa thậm chí có thể được thông quan trước khi được vận chuyển tới điểm đến sau cùng.
Như vậy, nền tảng công nghệ tại UPS Vietnam sẽ giống như dịch vụ UPS ở các nước khác trên thế giới. Điều này làm cho việc theo dõi vận chuyển hàng hóa và các đơn đặt hàng dễ dàng hơn.
UPS sẽ hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp SME, thưa ông?
Theo một nghiên cứu của UPS, hiện nay chi phí của doanh nghiệp SME Việt Nam dành cho logistics cao hơn 20% so với các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… Lý do cho sự chênh lệch này là do những chi phí không hợp lý ở khâu vận chuyển, giấy tờ, cơ sở hạ tầng tại các cảng biển, cảng hàng không.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể cạnh tranh được nếu có những điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt là cần nghiên cứu kỹ về chi phí chuỗi cung ứng. Chúng tôi cũng đã có hội thảo về vấn đề này với sáu giải pháp cho SME. Tùy thuộc vào sản phẩm của doanh nghiệp, hình thức kinh doanh của họ và vào sự liên kết của họ với UPS như thế nào thì chúng tôi sẽ có những hỗ trợ cụ thể.
Ví dụ, với khách hàng là công ty chuyên bán hàng trên mạng, UPS sẽ tích hợp website khách hàng với lịch vận chuyển của UPS nhằm cung cấp lịch bay hiệu quả nhất cho khách hàng lựa chọn, giúp giảm giá thành cũng như thời gian cho khách hàng.
Ngoài ra, UPS còn có thể giúp khách hàng quản lý dòng tiền tốt hơn – đây là một trong những quan tâm hàng đầu của các SME – với dịch vụ thu tiền tại nước đến.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam cung cấp sản phẩm cho một cửa hàng bán lẻ ở Mỹ có thể tránh được tình trạng bị chiếm dụng vốn do phải ứng tiền trả cước phí vận chuyển và logistics cho lô hàng xuất khẩu sang Mỹ. Với dịch vụ này, UPS tại Mỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thu tiền đối tác ngay sau khi nhập hàng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.