Các chi phí chính của Olympic London 2012 gồm có: xây dựng các địa điểm thi đấu, tổ chức lễ khai mạc và bế mạc, thực hiện các biện pháp an ninh trật tự trong toàn bộ khu vực diễn ra Olympic, quảng bá du lịch… Số tiền bỏ ra để mua đất thiết lập các địa điểm thi đấu lên tới 766 triệu bảng, riêng chi phí bảo vệ an ninh các địa điểm thi đấu cũng đã tăng từ 282 triệu lên 553 triệu bảng, do số nhân viên an ninh từ mức dự trù 10 ngàn người nay đã vọt lên 23.700 người. Chi phí cho lễ khai mạc Olympic cũng tăng từ 40 triệu lên 81 triệu bảng. Tuy nhiên, điều làm công chúng Anh bức xúc chính là thái độ “vung tay quá trán” của Ủy ban Tổ chức Olympic London (LOCOG) trong khi Anh cùng các nước trong khu vực đồng euro đang thắt lưng buộc bụng để vượt qua cơn khủng hoảng. Chỉ riêng cụm tượng “Những tảng đá thuộc kỷ Jura” bao gồm 16 tảng đá có tuổi từ 65 triệu đến 160 triệu năm do nhà điêu khắc Richard Harris thực hiện đặt tại Weymouth, thị trấn Dorset, trong khu vực đua thuyền buồm, đã ngốn của quỹ Olympic hết 335 ngàn bảng.
Cụm tượng “Đá kỷ Jura” bị dư luận chỉ trích về sự tốn kém
Để trấn an dư luận, LOCOG Anh đã đưa ra những con số lạc quan về khả năng thu hồi vốn của Olympic London 2012, trước tiên là việc thu 2,2 tỉ bảng từ tiền tài trợ, bán vé, bản quyền truyền hình và bán các vật phẩm có liên quan; thu 2 đến 5 tỉ bảng cho riêng việc phát quảng cáo trong hai buổi lễ khai mạc và bế mạc Olympic. Bên cạnh đó, LOCOG sẽ thu hồi một phần hay toàn phần tiền mua đất để xây dựng các địa điểm thi đấu bằng cách bán lại đất Công viên Olympic sau khi sự kiện thể thao này bế mạc. Ngoài tiền bán vật phẩm kỷ niệm ước lượng 100 triệu bảng, LOCOG còn nghĩ ra một “sáng kiến” có lẽ chỉ mới có lần đầu trong lịch sử Olympic, đó là bán đấu giá hàng ngàn cây đuốc thế vận, trong đó được đem bán đấu giá đầu tiên là cây đuốc do siêu sao bóng đá David Beckham cầm khi ngọn lửa Olympic vào đến đất Anh. Lúc đầu, LOCOG dự định bán ưu tiên cho những người trực tiếp tham gia việc rước đuốc kéo dài trong 70 ngày với giá 199 bảng một cây đuốc, nhưng về sau đã bỏ ý định này, có lẽ do tin rằng việc bán đấu giá sẽ mang lại nhiều tiền bạc hơn. Không chỉ có đuốc thế vận, LOCOG còn định bán đấu giá cả những cây gậy được các vận động viên chạy tiếp sức 4 x 100m sử dụng cùng những quả bóng tennis dùng trong các cuộc thi đấu ở Wimbledon. Chưa biết được việc bán đấu giá những món đồ độc đáo này sẽ bù đắp được bao nhiêu cho khoản phí tổn khổng lồ của Olympic London 2012, nhưng ngay từ bây giờ, nó đã bị ông Michael Payne, nguyên Giám đốc Thương mại của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) “ném đá” tơi bời trên trang xã hội Twitter, cho rằng đó là một sáng kiến “đáng xấu hổ”. Một số nhà bình luận tin rằng chi phí cho Olympic London 2012 sẽ không chỉ là 9,3 tỉ bảng mà sẽ lên đến 11 tỉ bảng hay hơn nữa, lúc đó thì có lẽ LOCOG chỉ có thể tự an ủi rằng Olympic London 2012 còn có một thắng lợi nữa không thể quy ra tiền, đó là nó sẽ khơi dậy tinh thần yêu thể thao của người dân Anh và theo họ, sẽ có thêm 1 triệu người Anh tham gia các môn thể thao vào năm 2013.
Lê Nguyễn tổng hợp