Di dân là một phần của tiến trình phát triển, không phải là một vấn đề tự thân, mà trên thực tế có thể là giải pháp của nhiều vấn đề các nước đang gặp phải. Người di cư có thể có những đóng góp tích cực và sâu sắc vào sự phát triển kinh tế của nước mà từ đó họ ra đi, của những nước họ đi qua và những nước tiếp nhận họ. Theo bản Tuyên bố New York ngày 19-9-2016 của Hội nghị thượng đỉnh LHQ về người tỵ nạn và người di cư, “người di cư có thể giúp đáp ứng các xu thế về dân số, tình trạng thiếu lao động và những thách thức khác ở xã hội nơi tiếp nhận họ, bổ sung kỹ năng mềm cùng tính cơ động cho những nền kinh tế nơi đó”.
Năm nay, hơn 320 ngàn người đã vượt Đại Tây Dương để tìm một tương lai khá hơn, trong đó, hàng ngàn người đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của họ. Những người may mắn còn lại thường sống trong một viễn cảnh bất định, không ít người phải đương đầu với sự thù nghịch của cộng đồng cư dân nơi quốc gia họ đang sống. Người ta coi như người di cư hay tỵ nạn đến xứ sở của họ để “tước đoạt” công ăn việc làm của người bản xứ. Trong nhiều năm qua, rõ ràng là sự kiểm soát biên giới chặt chẽ không phải là giải pháp của vấn đề, thậm chí còn gây ra nhiều cái chết ngoài biển khơi, những vi phạm quyền sống của con người. Thiếu những chính sách phù hợp đáp ứng yêu cầu của người di cư, nhiều nước trở thành đơn độc trong việc đối phó với những thách thức trước mắt, có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn.
Theo Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO), việc đầu tư cho phát triển nông thôn bền vững, thích ứng với sự thay đổi khí hậu là phần quan trọng của giải pháp cho vấn đề. Hiện nay 40% những khoản tài trợ quốc tế được dành cho khu vực nông thôn và ba phần tư số người cực nghèo trên thế giới sống bằng nông nghiệp. Ước tính đến năm 2050, hơn 50% cư dân ở các nước kém phát triển nhất vẫn còn sống ở nông thôn, cho dù tốc độ đô thị hóa vẫn ngày càng gia tăng. Vì thế, nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể giúp giải quyết đến tận gốc rễ vấn đề di dân, bao gồm cả sự nghèo đói ở nông thôn, thiếu an toàn lương thực, bất bình đẳng, nạn thất nghiệp cùng sự suy kiệt của tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp và phát triển nông thôn có thể tạo ra đời sống bền vững trong những khu vực mà nông nghiệp còn là hướng hoạt động chủ yếu. Ở đây, tuổi trẻ cũng là yếu tố phải quan tâm. Một phần ba di dân đến từ các nước đang phát triển ở trong độ tuổi 15-34, chủ yếu đi để tìm những cơ hội làm việc tốt hơn. Khi biến nông nghiệp và nông thôn thành những khu vực phát triển bền vững, có sức thu hút mạnh mẽ, thì điều tất yếu là sự di dân sẽ giảm sút rất nhiều, giải quyết được vấn đề của nhiều nước.
Từ năm 2014, FAO là thành viên của “Nhóm di dân toàn cầu” (GMG), một tổ chức giữ vai trò quan trọng trong việc điều phối tiền tài trợ đến từ các đơn vị thuộc LHQ. GMG cũng đang chuẩn bị chấp nhận Công ước toàn cầu về người tỵ nạn và Công ước toàn cầu về sự di dân an toàn, trật tự và thường xuyên sẽ ban hành vào năm 2018. FAO cũng sẽ tăng cường sự hợp tác với những thành viên nòng cốt của GMG về hoạt động di dân và phát triển, trên tầm mức quốc gia, khu vực hay toàn thế giới.
LHCT tổng hợp (DNSGCT)